Các website Việt Nam gặp gần 600 sự cố tấn công  trong tháng 11/2017

Các website Việt Nam gặp gần 600 sự cố tấn công  trong tháng 11/2017

Thông tin nêu trên vừa được ông Nguyễn Khắc Lịch, Phó Giám đốc Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam cho biết, tại hội nghị giao ban công tác quản lý nhà nước tháng 11/2017 của Bộ TT&TT diễn ra sáng nay, ngày 4/12/2017.

Các website Việt Nam gặp gần 600 sự cố tấn công  trong tháng 11/2017

Cùng với việc ghi nhận các sự cố tấn công  mạng vào các website tại  Việt Nam, trong tháng 11/2017 vừa qua, Trung tâm VNCERT cũng đã gửi cảnh báo tới tất cả các đơn vị có website bị tấn công (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

Ông Nguyễn Khắc Lịch cũng cho biết, trong gần 600 sự cố tấn công mạng vào các website tại Việt Nam trong tháng 11 vừa qua, không có website nào của các cơ quan nhà nước có tên miền “.GOV.VN”. Trung tâm VNCERT đã gửi cảnh báo tới tất cả các đơn vị có website bị tấn công lừa đảo, thay đổi giao diện và cài mã độc trong tháng 11/2017.

Cũng tại hội nghị giao ban, đại diện lãnh đạo VNCERT và Cục An toàn thông tin - Bộ TT&TT đều thống nhất nhận định, trong tháng 11/2017 - tháng diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của đất nước, hai đơn vị chức năng này đã tham gia tích cực, cơ bản hoàn thành nhiệm vụ đảm bảo an toàn thông tin cho các sự kiện lớn, quan trọng của đất nước, trong đó tiêu biểu là đảm bảo an toàn thông tin trong Tuần lễ cấp cao APEC Việt Nam 2017.

Đơn cử như, thời gian qua, VNCERT đã tham gia giám sát cho website của Trung tâm thông tin Bộ Ngoại giao; tham gia diễn tập cùng với các đơn vị thuộc Sở TT&TT TP Đà Nẵng, đồng thời cùng các đơn vị liên quan lên các phương án ứng trực, phương án điều phối và ứng cứu nếu xảy ra sự cố trong tuần lễ APEC Việt Nam 2017.

Đáng chú ý, theo Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin Nguyễn Huy Dũng, trong tháng 11/2017, Cục An toàn thông tin và các đơn vị chức năng của Bộ đã phát hành hơn 20 cảnh báo các loại bằng văn bản và thư điện tử cho các chủ quản hệ thống thông tin về những nguy cơ, lỗ hổng, điểm yếu đặc biệt nghiêm trọng.

Ông Nguyễn Huy Dũng cho biết thêm, trong năm nay, Cục An toàn thông tin đã triển khai kết hợp các đề án được giao, đặc biệt là kết hợp đào tạo tập huấn với tuyên truyền phổ biến nâng cao nhận thức, trách nhiệm về  an toàn thông tin; cũng như  gắn kết với các cuộc diễn tập về an toàn thông tin.

Riêng với tháng 11/2017, Cục An toan thông tin đã cơ bản hoàn thành những nội dung đào tạo, tập huấn cho các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là các cơ quan nhà nước khu vực phía Nam.

Tại sự kiện mới đây ở Cần Thơ, Cục An toàn thông tin đã phối hợp cùng Cục Tin học hóa tổ chức đào tạo ATTT trong phát triển Chính phủ điện tử, kết hợp với hội nghị tuyên truyền phổ biến về ATTT, thu hút được sự quan tâm tham gia của đông đảo cán bộ trên địa bàn Cần Thơ.

Đối với việc triển khai xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, với VNCERT, đến nay Trung tâm này đã hoàn thành dự thảo Thông tư quy định hoạt động giám sát và cảnh báo an toàn thông tin mạng và đã trình Bộ trưởng Bộ TT&TT xem xét, ký ban hành. Đây sẽ là căn cứ để các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thực hiện một cách bài bản hơn công tác giám sát an toàn thông tin mạng - một trong những nội dung rất quan trọng để bảo đảm an toàn thông tin, đã được quy định cụ thể trong Luật An toàn thông tin mạng năm 2015.

Cục An toàn thông tin cũng hoàn thành, trình lãnh đạo Bộ TT&TT dự thảo Thông tư hướng dẫn Luật ATTT mạng về xuất nhập khẩu sản phẩm an toàn thông tin, đảm bảo đúng tiến độ được giao. Ngoài ra, thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo Bộ TT&TT giao, Cục An toàn thông tin đã hoàn thành xây dựng dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao năng lực phòng chống phần mềm độc hại tại Việt Nam; Bộ TT&TT đã trình đầy đủ hồ sơ liên quan đến Chỉ thị này.

Đại diện lãnh đạo Cục An toàn thông tin bày tỏ mong muốn Chỉ thị này sớm được Văn phòng Chính phủ xử lý,  trình Thủ tướng Chính phủ ban hành. “Bởi lẽ, hiện nay tỷ lệ lây nhiễm phần mềm độc hại vẫn đang là một vấn đề nóng ở nước ta”, đại diện Cục An toàn thông tin chia sẻ.

Theo đánh giá của các hãng phần mềm trong và ngoài nước, với Việt Nam, tỉ lệ lây nhiễm phần mềm độc hại trên máy vi tính vào khoảng 63,19%, tỉ lệ lây nhiễm phần mềm độc hại trên thiết bị di động khoảng 21,61%. Phương thức lây nhiễm phổ biến vẫn là lây nhiễm qua thiết bị đa phương tiện kết nối với máy tính như USB, ổ cứng di động, thẻ nhớ….

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận