Chính phủ Mỹ ngừng sử dụng phần mềm Kaspersky

Chính phủ Mỹ ngừng sử dụng phần mềm Kaspersky

Chính phủ Mỹ ngừng sử dụng phần mềm Kaspersky

Đây là phản ứng quyết liệt trước vấn đề mà các cơ quan tình báo Mỹ mô tả như nguy cơ an ninh quốc gia từ phía Nga trong không gian mạng. Trước đó, trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016, Nga bị cáo buộc vũ khí hóa Internet nhằm làm ảnh hưởng đến kết quả bỏ phiếu.

Kaspersky Lab phủ nhận mọi cáo buộc và cho rằng những chỉ trích mình gặp phải là do luật chia sẻ dữ liệu của Nga bị hiểu lầm, nó chỉ áp dụng cho dịch vụ thông tin liên lạc. “Không một bằng chứng đáng tin cậy nào được bất kỳ một ai hay bất kỳ một tổ chức nào đưa ra công chúng trong khi lời buộc tội dựa trên cáo buộc sai lầm và giả định không chính xác”.

Bộ An ninh Nội địa đã gửi chỉ thị đến các cơ quan liên bang, yêu cầu họ xác định các sản phẩm Kaspersky đang dùng trên hệ thống thông tin trong vòng 30 ngày và bắt đầu ngừng sử dụng trong vòng 90 ngày. Lệnh chỉ có hiệu lực với các cơ quan dân sự, không phải Lầu Năm Góc song từ đầu năm nay, một số quan chức cao cấp của Mỹ đã nói Kaspersky nhìn chung không được phép dùng trong mạng lưới quân sự.

Trong tuyên bố liên quan đến chỉ thị, DHS bày tỏ sự “lo lắng về liên hệ giữa một số lãnh đạo Kaspersky và tình báo Nga cũng như tổ chức chính phủ khác và những quy định theo luật Nga cho phép tình báo Nga yêu cầu hay đòi hỏi trợ giúp từ Kaspersky và can thiệp thông tin liên lạc truyền dẫn qua mạng Nga”. Họ lo sợ sản phẩm Kaspersky có thể xâm phạm đến hệ thống thông tin liên lạc liên bang và ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh quốc gia.

Bộ cho biết sẽ cho Kaspersky cơ hội đệ trình phản hồi để giải quyết các cáo buộc. Dù vậy, công ty Nga dường như không thể phủi bỏ mọi lời buộc tội. Tuần trước, Best Buy, nhà bán lẻ điện tử lớn nhất nước Mỹ, nói sẽ gỡ các sản phẩm bảo mật của Kaspersky Lab ra khỏi kệ và website.

Tại hội nghị an ninh mạng Billington vừa diễn ra, ông Rob Joyce - điều phối viên an ninh mạng của Nhà Trắng - cho biết quyết định loại bỏ sản phẩm Kaspersky ra khỏi mạng lưới dựa trên đánh giá rủi ro. Khi được hỏi liệu có bằng chứng nào cho thấy Kaspersky cung cấp thông tin tình báo cho chính phủ Nga hay không, ông trả lời: “Khi đánh giá công nghệ, chúng tôi quyết định rằng nó là rủi ro không thể chấp nhận được”.

Một số chuyên gia an ninh mạng cảnh báo việc liệt Kaspersky vào “danh sách đen” có thể dẫn đến hành động trả đũa từ Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ông Joyce nói rằng những lo ngại đó cũng là một nhân tố nhưng “quyết định khó khăn” vẫn phải làm để bảo vệ hệ thống chính phủ.

Tác động tài chính trực tiếp đối với Kaspersky Lab, một trong các công ty phần mềm diệt virus lớn nhất thế giới, thành lập năm 1997 và đang có hơn 400 triệu khách hàng toàn cầu, là không lớn. Theo hãng thông tấn Reuters, cơ sở dữ liệu hợp đồng liên bang cho thấy chỉ có vài trăm ngàn USD được chi cho Kaspersky. Tuy nhiên, Kaspersky cũng bán sản phẩm cho nhà thầu liên bang và các công ty phần mềm thứ ba để tích hợp công nghệ vào sản phẩm của họ, vì vậy nó có thể được sử dụng trong chính phủ rộng rãi hơn những gì xuất hiện trong cơ sở dữ liệu.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận