MartimeBank, VietBank cùng cảnh báo thủ đoạn lừa đảo qua kênh ngân hàng điện tử

MartimeBank, VietBank cùng cảnh báo thủ đoạn lừa đảo qua kênh ngân hàng điện tử

MartimeBank, VietBank cùng cảnh báo thủ đoạn lừa đảo qua kênh ngân hàng điện tử

Thời gian gần đây, tại Việt Nam tiếp tục xuất hiện các trường hợp lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua kênh giao dịch Ngân hàng điện tử (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet).

Một số thủ đoạn lừa đảo phổ biến qua kênh giao dịch Ngân hàng điện tử

Trong thông báo cảnh báo khách hàng về những thủ đoạn lừa đảo giao dịch vụ Ngân hàng điện tử được phát ra ngày 12/9, MaritimeBank cho biết, gần đây, tại một số ngân hàng đã ghi nhận các trường hợp giao dịch giả mạo Ngân hàng điện tử dưới nhiều hình thức khác nhau. Một số chiêu thức lừa đảo dịch vụ Ngân hàng điện tử phổ biến hiện nay có thể kể đến như: Giả mạo cán bộ ngân hàng/ đối tác kinh doanh gọi điện/ nhắn tin/ gửi email cho khách hàng thông báo khách hàng có khoản tiền chuyển vào tài khoản, yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin đăng nhập và mã OTP để nhận tiền hoặc nhận khuyến mại/ quà tặng/ trúng thưởng...; Giả mạo thông báo tài khoản e-Banking của khách hàng bị xâm nhập trái phép hoặc sắp hết hiệu lực và yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân để xác nhận lại thông qua đường link độc hại;

Hay thủ đoạn của các đối tượng xấu giả mạo người thân gửi tin nhắn qua mạng xã hội, thông báo có tiền chuyển từ nước ngoài về hoặc cần sự hỗ trợ về tài chính và yêu cầu cung cấp thông tin bảo mật cá nhân để nhận tiền; Giả mạo màn hình ứng dụng, màn hình đăng nhập có giao diện tương tự website thật bằng cách gửi email từ một địa chỉ email mạo danh ngân hàng tới khách hàng, trong đó chứa đường link giả mạo nhằm lừa khách hàng đăng nhập, từ đó chiếm đoạt các thông tin bảo mật sử dụng dịch vụ; Giả mạo cơ quan chức năng thông báo khách hàng liên quan đến vụ vi phạm nghiêm trọng và yêu cầu cung cấp thông tin đăng nhập để phục vụ công tác điều tra.

Tương tự, thông báo của VietBank mới đây cảnh báo các khách hàng về nguy cơ lừa đảo qua kênh giao dịch Ngân hàng điện tử cũng nêu rõ, thời gian gần đây, tại Việt Nam xuất hiện một số trường hợp lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua kênh giao dịch Ngân hàng điện tử. Đối tượng phạm tội thường sử dụng điện thoại, email, mạng xã hội hay các website giả mạo; ứng dụng (App) độc hại để khai thác thông tin (tên truy cập, mật khẩu đăng nhập Internet Banking, Mobile Banking, mã xác thực - OTP, số thẻ tín dụng….) và thực hiện chuyển khoản/rút tiền từ chính tài khoản của khách hàng.

“Điểm mặt” một số cách thức tội phạm thường sử dụng, VietBank cho biết, tội phạm thường làm quen và đề nghị khách hàng mở tài khoản, đăng ký dịch vụ Ngân hàng điện tử, sau đó mua lại với giá cao nhằm sử dụng vào mục đích lừa đảo, rút tiền mặt tại nước ngoài hoặc chuyển tiền; hướng dẫn người dùng đăng nhập vào các website giả mạo hoặc đề nghị người dùng tải các ứng dụng độc hại, từ đó đánh cắp tên truy cập, mật khẩu đăng nhập, mã OTP.

Bên cạnh đó, theo VietBank, các đối tượng xấu còn giả danh là cán bộ Công an, Viện kiểm sát hoặc an ninh ngân hàng gọi điện thông báo tài khoản của khách hàng bị tội phạm xâm nhập và yêu cầu cung cấp số tài khoản, mật khẩu; giả danh là nhân viên ngân hàng gọi điện hỏi thăm để tìm cách khai thác thông tin; hoặc thông báo khách hàng đã trúng thưởng, yêu cầu hoàn tất thủ tục nhận thưởng bằng cách nạp tiền vào số điện thoại chỉ định/chuyển tiền vào tài khoản của bọn tội phạm.

Làm sao để phòng tránh rủi ro?

Cũng trong cảnh báo mới phát ra, MaritimeBank khuyến nghị để phòng tránh rủi ro, bảo vệ tài sản thông tin, các khách hàng cần lưu ý một số biện pháp khi sử dụng dịch vụ Ngân hàng điện tử, cụ thể là, tuyệt đối không cung cấp bất kỳ thông tin bảo mật dịch vụ như tên đăng nhập, mật khẩu truy cập, mã xác thực giao dịch OTP, địa chỉ email và thông tin cá nhân cho bất kỳ ai và bằng bất kỳ hình thức nào; chủ động bảo vệ thiết bị cá nhân sử dụng dịch vụ và thường xuyên thay đổi mật khẩu truy cập dịch vụ Ngân hàng điện tử cũng như mật khẩu đăng nhập email cá nhân; không lưu tự động các thông tin đăng nhập dịch vụ Ngân hàng điện tử và luôn nhớ Đăng xuất/Thoát khỏi hệ thống sau mỗi lần truy cập.

Các khách hàng sử dụng dịch vụ Ngân hàng điện tử của MaritimeBank cũng được khuyến cáo, chỉ thực hiện đăng nhập trên website chính thức của Maritime Bank tại địa chỉ https://ebank.msb.com.vn và mua sắm, thanh toán trực tuyến tại các trang mạng uy tín, tin cậy; gõ trực tiếp địa chỉ trang web của Maritime Bank (www.msb.com.vn) hoặc trang web truy cập dịch vụ Internet Banking (https://ebank.msb.com.vn) thay vì chọn đường link có sẵn; tuân thủ và thường xuyên cập nhật các qui định về Hướng dẫn giao dịch an toàn để đảm bảo sử dụng các dịch vụ ngân hàng điện tử đúng cách, an toàn, bảo mật, chi tiết tại đây.

Khi phát hiện bị thay đổi thông tin cá nhân, bị yêu cầu cung cấp tên đăng nhập, mật khẩu hoặc tài khoản có giao dịch bất thường, người dùng cần thông báo ngay cho ngân hàng. Trường hợp có thắc mắc trong quá trình sử dụng dịch vụ hay nghi ngờ gian lận giả mạo liên quan tới hoạt động Thẻ và Ngân hàng điện tử của MaritimeBank, người dùng cần liên hệ tới số Hotline 1800 599 999 hoặc (024) 39 44 55 66 - Dịch vụ khách hàng 24/7 hoặc gửi email tới hộp thư điện tử qlrr_cardrisk@msb.com.vn (Card & EBank Risk Maritime Bank) để được kịp thời hỗ trợ.

Đối với VietBank, nhằm chủ động ngăn ngừa các hành vi lừa đảo qua kênh giao dịch Ngân hàng điện tử, ngân hàng này khuyến nghị khách hàng lưu ý thực hiện một số biện pháp, bao gồm: không đứng tên hộ người khác để mở tài khoản, mở thẻ và đăng ký dịch vụ Ngân hàng điện tử; luôn đăng nhập đúng địa chỉ VietBank Internet Banking là đường dẫn https://online.vietbank.com.vn; đồng thời cập nhật thường xuyên Hướng dẫn đảm bảo an toàn trong giao dịch Ngân hàng điện tử và các cảnh báo của Vietbank trên địa chỉ website này.

Cùng với đó, VietBank cũng lưu ý các khách hàng cần cài đặt đúng ứng dụng “VietBank M-Plus” trên Google Plays (với thiết bị dùng hệ điều hành Android), Apple App Store (với thiết bị sử dụng hệ điều hành iOS), Windows Phone Store (với thiết bị dùng nền tảng Windows Phone); không cài đặt các ứng dụng không rõ nguồn gốc hoặc từ các link rác trên Facebook, Email, SMS…; không nhập thông tin tên truy cập, mật khẩu đăng nhập Internet Banking/Mobile Banking, mã OTP, số tài khoản… của mình vào một liên kết khác với trình duyệt web của Vietbank hoặc ứng dụng khác với “VietBank M-Plus”.

Khi nhận được các cuộc gọi lạ, có dấu hiệu nghi vấn, khách hàng cần bình tĩnh, tìm hiểu và xác thực thông tin; đặc biệt là không nạp tiền/chuyển tiền theo yêu cầu của người lạ.

Nhấn mạnh các khách hàng cần cảnh giác trước những thủ đoạn khai thác thông tin cá nhân, tài khoản và thông tin thẻ, thông báo cảnh báo của VietBank chỉ rõ, khách hàng tuyệt đối không cung cấp tên truy cập, mật khẩu đăng nhập Internet Banking, Mobile Banking, mã OTP cho người khác; quản lý và giữ bí mật số thẻ, ngày hết hạn, số CVV2 ở mặt sau của thẻ tín dụng; và chú ý theo dõi SMS/Email thông báo giao dịch để kịp thời nhận thấy các dấu hiệu bất thường.

Trường hợp có bất kỳ nghi vấn liên quan đến việc lừa đảo thông qua giao dịch tại VietBank, khách hàng được đề nghị báo ngay cho cơ quan chức năng, đồng thời thông báo cho VietBank theo số điện thoại 1800 1122 hoặc bất kỳ điểm giao dịch của VietBank trên toàn quốc để cùng phối hợp giải quyết.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận