Một sản phẩm an toàn thông tin vào Chung khảo giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2017

Một sản phẩm an toàn thông tin vào Chung khảo giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2017

Một sản phẩm an toàn thông tin vào Chung khảo giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2017

Ông Nguyễn Long - Tổng thư ký Hội Tin học Việt Nam , Chủ tịch Hội đồng Sơ khảo giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2017 công bố danh sách 17 sản phẩm vào Chung khảo.

Với chủ đề “Công nghệ sáng tạo, Kết nối thông minh”, giải thưởng Nhân tài Đất Việt  2017 lĩnh vực CNTT đã có tổng cộng 289 sản phẩm dự thi. Theo chia sẻ của Ban tổ chức tại buổi công bố kết quả Sơ khảo giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2017 diễn ra hôm qua, 31/10, qua quá trình sơ tuyển, Hội đồng Giám khảo sơ khảo đã chọn được 66 sản phẩm hợp lệ và đủ điều kiện để đưa vào chấm thi Sơ khảo.

Kết quả, Hội đồng Sơ khảo do Ông Nguyễn Long - Tổng thư ký Hội Tin học Việt Nam làm Chủ tịch đã quyết định chọn 17 sản phẩm xuất sắc nhất tham gia vòng thi Chung khảo, trong đó có 7 sản phẩm CNTT Tiềm năng, 5 sản phẩm CNTT Kết nối, Di động và 5 sản phẩm CNTT Khởi nghiệp.

Đánh giá về giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2017, Chủ tịch Hội đồng Sơ khảo, TS Nguyễn Long nhận định, năm nay, Ban tổ chức đã lựa chọn chủ đề rất tốt - đó là "Công nghệ sáng tạo, Kết nối thông minh". Chủ đề này đáp ứng được xu thế sáng tạo trong ứng dụng CNTT, nhất là vấn đề kết nối thông minh. Nhân tài Đất Việt 2017 cũng đã có sự chuyển dịch theo xu thế công nghệ khi có thêm nhóm giải thưởng CNTT khởi nghiệp. Đây là lần đầu tiên nhóm giải thưởng này sẽ được vinh danh tại Nhân tài Đất Việt. Xu thế kết nối thông minh đã hiện diện trong hầu hết các sản phẩm lọt vào vòng thi Chung khảo giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2017”, ông Nguyễn Long nhấn mạnh.

Đáng chú ý, tham dự giải thưởng Nhân tài Đất Việt năm nay ở hệ thống giải thưởng lần đầu được tổ chức - Sản phẩm CNTT Khởi nghiệp, giải pháp chống tấn công APT - CyberAPT của nhóm tác giả Công ty cổ phần Công nghệ An toàn mạng Cyberlab đã đã xuất sắc vượt qua hơn 20 sản phẩm khác trong vòng Sơ khảo để được góp mặt trong vòng thi Chung khảo, cùng với 4 sản phẩm CNTT khởi nghiệp khác.

Là sản phẩm duy nhất trong lĩnh vực an toàn thông tin giành quyền lọt vào vòng thi Chung khảo giải thưởng Nhân tài Đất Việt năm nay, giải pháp chống tấn công APT - CyberAPT của nhóm tác giả Công ty cổ phần Công nghệ An toàn mạng Cyberlab là sản phẩm phần mềm tích hợp trên các thiết bị phần cứng phù hợp để tạo ra một giải pháp đồng bộ vừa đảm bảo các tính năng lẫn hiệu năng phục vụ cho việc phát hiện các tấn công có chủ đích APT.

Nói về giải pháp chống tấn công APT - CyberAPT của nhóm tác giả Công ty cổ phần Công nghệ An toàn mạng Cyberlab, một thành viên Hội đồng Sơ khảo cho biết, giải pháp này được các thành viên Hội đồng đánh giá khá tốt.

Hơn thế, trên thực tế, mặc dù an toàn thông tin đang là một xu hướng nóng trên toàn cầu, tuy nhiên khởi nghiệp trong lĩnh vực này tương đối khó. Chia sẻ tại “tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Phòng chống tội phạm trên mạng Internet” được ICTnews tổ chức hồi đầu năm nay, ông Ngô Tuấn Anh - Phó Chủ tịch phụ trách an ninh mạng của Bkav cho biết “Tỷ lệ thành công khi khởi nghiệp ban đầu chỉ là 1 vài phần trăm, thì tỷ lệ thành công với các bạn trẻ khởi nghiệp lĩnh vực an ninh mạng theo tôi còn thấp hơn rất nhiều vì thị trường thực sự chưa hình thành rõ nét. Các bạn trẻ nên đi làm thực tế rồi mới xác định hướng khởi nghiệp. Lĩnh vực an ninh mạng có nhiều cơ hội nhưng cũng buộc các startup phải đổi mặt với vô vàn thách thức”.

Tấn công APT là hình thức tấn công có chủ đích, nhằm vào một cơ quan, tổ chức để đánh cắp thông tin quan trọng. Trong các cuộc tấn công này, hacker thường sử dụng virus đặc chủng có khả năng vượt qua tường lửa và các phần mềm diệt virus để nằm vùng trong hệ thống.

Ngay từ cuối năm ngoái, các chuyên gia đã nhận định tấn công mạng đang ngày càng có xu hướng gia tăng; đặc biệt là các cuộc tấn công có chủ đích APT đang là mối đe dọa thường trực cho các cơ quan, tổ chức.

Dự báo về các xu hướng tấn công mạng trong năm 2017, TS. Nguyễn Khắc Lịch, Phó Giám đốc Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) nhận định, các cuộc tấn công có chủ đích - APT nhằm vào cơ quan Chính phủ và hệ thống hạ tầng trọng yếu (ngân hàng, điện lực, viễn thông, hàng không…) là một trong  những xu hướng nóng trong năm nay, bên cạnh các xu hướng tấn công mạng bằng mã độc tống tiền – Ransomware, sử dụng các mạng xã hội để phát tán mã độc, lừa đảo trúng thưởng, mạo danh đánh cắp thông tin; hay xu hướng khai thác và tấn công từ các thiết bị IoT như camera, smartTV…

Chuyên gia Bkav cho rằng, các cuộc tấn công có chủ đích APT tại Việt Nam sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới. Từ năm 2012, hệ thống quan sát của Bkav đã phát hiện mạng lưới phần mềm gián  điệp tấn công có chủ đích APT xuất hiện tại nhiều cơ quan, doanh nghiệp. Kịch  bản tấn công APT thường được hacker sử dụng là gửi email đính kèm file văn bản  chứa mã độc. Với tâm lý cho rằng file văn bản thì an toàn, rất nhiều người sử  dụng đã mắc lừa và mở file đính kèm, sau đó máy tính đã bị nhiễm mã độc. thống kê năm 2016 của Bkav cho hay, vẫn có có tới hơn 50% người dùng cho biết vẫn giữ thói quen mở ngay các file được đính kèm trong email, không giảm so với năm 2015. 

Để phòng ngừa nguy cơ tấn công APT, Bkav khuyến cáo người sử dụng nên mở các file văn bản nhận từ Internet trong môi trường cách ly Safe Run và cài phần mềm diệt  virus thường trực trên máy tính để được bảo vệ tự động.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận