Sẽ có Ban chỉ đạo quốc gia về ứng cứu khẩn cấp bảo đảm an toàn thông tin mạng

Sẽ có Ban chỉ đạo quốc gia về ứng cứu khẩn cấp bảo đảm an toàn thông tin mạng

Ban hành quy định về hệ thống ứng cứu khẩn cấp đảm bảo ATTT mạng quốc gia

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ TT&TT là cơ quan thường trực, giúp việc cho Ban chỉ đạo quốc gia về ứng cứu khẩn cấp bảo đảm an toàn thông tin mạng (Ảnh minh họa)

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Quyết định 05 ban hành quy định về hệ thống ứng cứu khẩn cấp bảo đảm ATTTM quốc gia.

Có hiệu lực thi hành kể từ từ ngày 16/3/2017, Quyết định 05 quy định về hệ thống ứng cứu khẩn cấp bảo đảm ATTTM quốc gia được áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trực tiếp tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động ứng cứu sự cố bảo đảm ATTTM tại Việt Nam.

Hệ thống thông tin do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quản lý không thuộc phạm vi điều chỉnh của Quyết định 05.

Về phân cấp tổ chức thực hiện ứng cứu sự cố bảo đảm ATTTM quốc gia, Quyết định 05 nêu rõ, Ban chỉ đạo ATTT quốc gia đảm nhiệm chức năng Ban chỉ đạo quốc gia về ứng cứu khẩn cấp bảo đảm ATTTM, có trách nhiệm chỉ đạo Bộ TT&TT, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành, địa phương liên quan trong công tác ứng cứu khẩn cấp bảo đảm ATTTM quốc gia.

Bộ TT&TT là cơ quan thường trực, giúp việc cho Ban chỉ đạo quốc gia, có nhiệm vụ quyết định lựa chọn phương án ứng cứu và chủ trì, chỉ đạo công tác ứng cứu khẩn cấp bảo đảm ATTTM quốc gia; chỉ đạo Cơ quan điều phối quốc gia tiếp nhận, thu thập, xử lý thông tin, báo cáo về sự cố mất ATTTM quốc gia và đề xuất phương án ứng cứu.

Bộ TT&TT cũng được giao nhiệm vụ triệu tập, chỉ đạo Bộ phận tác nghiệp ứng cứu sự cố ATTTM quốc gia theo đề xuất của Cơ quan điều phối quốc gia; chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cho các đơn vị chuyên trách về ứng cứu sự cố, các thành viên mạng lưới ứng cứu để triển khai các phương án ứng cứu; làm đầu mối hoặc chỉ định Cơ quan điều phối làm đầu mối quốc gia phối hợp với các đơn vị chức năng của các quốc gia khác hoặc các tổ chức quốc tế trong hoạt động ứng cứu, xử lý các sự cố liên quốc gia.

Đồng thời, Bộ TT&TT còn đảm trách kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc chấp hành của các đơn vị liên quan, báo cáo Ban chỉ đạo quốc gia về công tác ứng cứu khẩn cấp sự cố ATTTM quốc gia.

Trường hợp cần thiết, Bộ TT&TT chủ trì thành lập Ban điều phối ứng cứu khẩn cấp bảo đảm ATTT mạng quốc gia (gọi tắt là Ban điều phối ứng cứu quốc gia), với thành phần gồm 1 lãnh đạo Bộ TT&TT làm Trưởng ban, Cơ quan điều phối quốc gia làm thường trực và thành viên là các lãnh đạo cấp Cục, Vụ của một số bộ ngành, tổ chức có liên quan.

Cũng theo Quyết định mới ban hành, Ban chỉ đạo ứng dụng CNTT của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đảm trách chức năng Ban chỉ đạo ứng cứu khẩn cấp sự cố ATTTM trong phạm vi địa bàn, lĩnh vực mình phụ trách (gọi chung là Ban chỉ đạo cấp bộ, tỉnh).

Trong trường hợp chưa có Ban chỉ đạo ứng dụng CNTT hoặc điều kiện đặc thù cần thiết, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh xem xét thành lập Ban Chỉ đạo ứng cứu khẩn cấp sự cố ATTTM trong phạm vi bộ, ngành, địa phương mình do 1 lãnh đạo bộ hoặc lãnh đạo UBND cấp tỉnh trực tiếp chỉ đạo.

Ban chỉ đạo cấp bộ, tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo công tác điều phối, ứng cứu sự cố trong phạm vi ngành, lĩnh vực, địa phương mình; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc phối hợp, tuân thủ yêu cầu của Cơ quan điều phối quốc gia trong điều phối, ứng cứu sự cố; tiệu tập, chỉ đạo đội ứng cứu hoặc bộ phận tác nghiệp ứng cứu sự cố ATTTM cùng cấp theo đề xuất của đơn vị chuyên trách ứng cứu sự cố; báo cáo tình hình và xin ý kiến Ban chỉ đạo quốc gia qua Cơ quan thường trực về các vấn đề phát sinh vượt thẩm quyền trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; chịu sự chỉ đạo, điều hành của Ban chỉ đạo quốc gia qua Cơ quan thường trực và Cơ quan điều phối quốc gia.

Bên cạnh đó, Quyết định 05 của Thủ tướng Chính phủ cũng quy định cụ thể về trách nhiệm, nghĩa vụ của của Đơn vị chuyên trách về ứng cứu sự cố ATTTM; Mạng lưới ứng cứu sự cố ATTTM quốc gia; Bộ phận tác nghiệp ứng cứu khẩn cấp bảo đảm ATTTM quốc gia.

Đáng chú ý, trong quy định về hệ thống ứng cứu khẩn cấp bảo đảm ATTTM quốc gia mới được ban hành, cùng với việc quy định chi tiết việc phân nhóm sự cố ATTTM quốc gia; hệ thống phương án ứng cứu khẩn cấp bảo đảm ATTTM quốc gia; báo cáo sự cố ATTTM và việc tiếp nhận, phát hiện, xử lý ban đầu sự cố ATTTM, Thủ tướng Chính phủ cũng quy định rõ về quy trình ứng cứu sự cố ATTTM thông thường và nghiêm trọng cùng các biện pháp bảo đảm thực hiện ứng cứu sự cố ATTTM quốc gia.

Theo thống kê của Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) - Cơ quan điều phối quốc gia, năm 2016 Trung tâm ghi nhận tổng cộng 134.375 sự cố tấn công mạng của cả 3 loại hình Phishing (lừa đảo), Malware (mã độc) và Deface (tấn công thay đổi giao diện). So với năm 2015, số lượng sự cố xảy ra năm 2016 tăng mạnh, gấp tới hơn 4,2 lần (tổng số sự cố tấn công mạng năm 2015 là 31.585 sự cố). Trong đó, số sự cố Phishing được ghi nhận trong 2016 là 10.057 sự cố, gấp hơn 1,7 lần so với 2015; 46.664 sự cố Malware, tăng gần 2,8 lần so với năm 2015; và 77.654 sự cố Deface, tăng tới hơn 8,7 lần so với năm 2015. 

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận