Vì sao năm 2018 Học viện Kỹ thuật Mật mã giảm 30% chỉ tiêu ngành An toàn thông tin?

Vì sao năm 2018 Học viện Kỹ thuật Mật mã giảm 30% chỉ tiêu ngành An toàn thông tin?

Vì sao năm 2018 Học viện Kỹ thuật Mật mã giảm 30% chỉ tiêu ngành An toàn thông tin?

Từ năm 2004 Học viện Kỹ thuật Mật mã đã là cơ sở đào tạo đầu tiên được Bộ GD&ĐT cho phép đào tạo kỹ sư ngành ATTT. Hiện nhà trường đang đào tạo đến khóa 14 ngành ATTT (Ảnh minh họa)

Như ICTnews đã thông tin, cuối tháng 2 vừa qua, Học viện Kỹ thuật Mật mã thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ đã chính thức thông báo Kế hoạch tuyển sinh đại học chính quy - hệ dân sự năm 2018 của trường. Theo đó, trong kỳ tuyển sinh năm nay, hệ đào tạo đại học dân sự của Học viện Kỹ thuật Mật mã tiếp tục tuyển sinh trong phạm vi cả nước vào 3 ngành đào tạo gồm: An toàn thông tin (ATTT), CNTT (chuyên ngành Kỹ thuật phầm mềm nhúng và di động), Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông (chuyên ngành Hệ thống nhúng và điều khiển tự động).

Đáng chú ý là, tuyển sinh năm 2018 của Học viện Kỹ thuật Mật mã có sự thay đổi về chỉ tiêu xét tuyển, nhà trường chỉ tuyển 720 sinh viên đại học chính quy - hệ dân sự, giảm 180 chỉ tiêu so với năm ngoái. Cụ thể, trong khi chỉ tiêu tuyển sinh đại học chính quy năm nay của 2 ngành mới được mở là CNTT (năm 2016) và Kỹ thuật Điện tử truyền thông (năm 2017) tiếp tục được duy trì bằng với mức chỉ tiêu năm ngoái, ngành ATTT - ngành đào tạo hệ dân sự mà Học viện đã có bề dày 14 năm kinh nghiệm lại giảm chỉ tiêu xuống còn 420 chỉ tiêu, giảm 30% so với chỉ tiêu ngành này trong các năm 2016 và 2017.

Điều đáng nói là, những năm gần đây, trong bối cảnh lĩnh vực an toàn, an ninh thông tin ngày càng diễn biến phức tạp, nguy cơ tấn công mạng không ngừng gia tăng và vấn đề bảo đảm an toàn, an ninh thông tin trở nên hết sức quan trọng, có ý nghĩa “sống còn” đối với hoạt động của các cơ quan, tổ chức và các cá nhân, nhu cầu nhân lực được đào tạo chuyên sâu, bài bản ngành ATTT đang rất lớn.

Theo các chuyên gia, ATTT hiện đang là một ngành rất nóng tại Việt Nam và trên toàn thế giới. Điều tra thống kê của tổ chức EMSI cho hay, kỹ sư ATTT đang là 1 trong 12 nghề nghiệp có cống hiến xã hội và thu nhập tốt nhất. Theo ước tính của Học viện Kỹ thuật Mật mã, thu nhập khởi điểm của kỹ sư ATTT tại Việt Nam là khoảng 500 USD (tương đương khoảng 11,4 triệu đồng)/tháng; và thu nhập trung bình của các kỹ sư ATTT ở nước ta khoảng từ 1.000 -1.200 USD (tương đương khoảng 22,6 - 27,1 triệu đồng)/tháng.

Cũng trong thông tin tư vấn tuyển sinh ngành ATTT của Học viện Kỹ thuật Mật mã, nhà trường cho hay, hiện nay phần lớn giao dịch, hoạt động (thương mại, truyền thông) của Việt Nam cũng như các nước đều diễn ra trên mạng; mọi hoạt động trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội đều có ứng dụng CNTT, do đó yếu tố an toàn, bảo mật thông tin là vô cùng quan trọng.

Trong khi đó, việc đào tạo chuyên ngành ATTT ở Việt Nam hiện còn chưa phát triển tương xứng với đòi hỏi của công nghệ và nhu cầu cấp thiết của xã hội. Thực tế, nhu cầu nhân lực ngành ATTT tại Việt Nam còn rất lớn. Theo ước tính của Học viện Kỹ thuật Mật mã, tính đến nay tại Việt Nam đã có khoảng 1.500 kỹ sư ATTT được đào tạo chuyên nghiệp và nhu cầu nhân lực còn thiếu hụt vài chục nghìn kỹ sư ATTT. “Do đó, trong vòng 30 năm tới, cơ hội nghề nghiệp cho những người tốt nghiệp ngành ATTT là rất lớn”, Học viện Kỹ thuật Mật mã dự báo.

Vì sao năm 2018 Học viện Kỹ thuật Mật mã giảm 30% chỉ tiêu ngành An toàn thông tin?

Năm 2018, với hệ đào tạo đại học dân sự, Học viện Kỹ thuật Mật mã sẽ tuyển 720 sinh viên, gồm 100 chỉ tiêu ngành Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông, 200 chỉ tiêu ngành CNTT và 420 chỉ tiêu ngành ATTT (Trong ảnh: cán bộ của Học viện tư vấn tuyển sinh cho các em học sinh. Nguồn: Học viện Kỹ thuật Mật mã)

Mặc dù nhận thức rõ nhu cầu rất lớn về nguồn nhân lực ATTT tại Việt Nam hiện nay, song mùa tuyển sinh năm 2018 này, Học viện Kỹ thuật Mật mã - một trong 8 trường đào tạo trọng điểm về an toàn, an ninh thông tin, vẫn quyết định giảm 30% chỉ tiêu tuyển sinh ngành ATTT.

Lý giải nguyên nhân buộc nhà trường phải quyết định giảm chỉ tiêu tuyển sinh ngành ATTT từ 600 chỉ tiêu như 2 năm trước xuống còn 420 chỉ tiêu, trong trao đổi với ICTnews, đại diện Phòng Đào tạo - Học viện Kỹ thuật Mật mã cho biết: “Năm nay, Học viện giảm chỉ tiêu tuyển sinh ngành ATTT là do nhiều giảng viên hiện đang được cử đi tham gia các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức. Do đó, nhà trường tạm thời có sự thiếu hụt về nhân sự giảng dạy. Chúng tôi lo ngại rằng nếu tuyển sinh nhiều sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo”.

Được biết, từ năm 2004, Học viện Kỹ thuật Mật mã đã là cơ sở đào tạo đầu tiên được Bộ GD&ĐT cho phép đào tạo kỹ sư ngành ATTT. Đến nay, nhà trường đã có bề dày 14 năm kinh nghiệm đào tạo ngành này. Hiện Học viện đang đào tạo đến khóa 14 ngành ATTT.

Lãnh đạo Học viện Kỹ thuật Mật mã từng nhiều lần khẳng định, việc không ngừng nâng cao chất lượng đầu ra để sản phẩm đào tạo của Học viện có thể bắt nhịp ngay với thực tiễn đòi hỏi ngày càng cao luôn là mục tiêu hàng đầu của trường. Tại hội nghị triển khai công tác năm 2018 của Ban Điều hành Đề án “Đào tạo phát triển nguồn nhân lực an toàn, an ninh thông tin đến năm 2020” (Đề án 99) được tổ chức hồi trung tuần tháng 1/2018, Thiếu tướng Nguyễn Nam Hải - Phó Trưởng Ban Cơ yếu Chính phủ cho biết, thời gian qua, để nâng cao chất lượng đầu ra, tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm đào tạo của nhà trường, Học viện Kỹ thuật Mật mã đã tích cực phối hợp với các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp lớn để không chỉ định hướng đầu ra cho kỹ sư ATTT, thu hút các nguồn đầu tư phục vụ cho công tác đào tạo mà còn phối hợp với các doanh nghiệp để tham gia vào quá trình đào tạo an toàn, an ninh thông tin.

Đặc biệt, số liệu khảo sát, thống kê của Học viện Kỹ thuật Mật mã cho thấy, đến nay, đã có 9 khóa Kỹ sư ATTT của Học viện tốt nghiệp với tỷ lệ trên 95% kỹ sư ra trường có việc làm ngay, được các cơ quan, doanh nghiệp sử dụng đánh giá cao như: Tổng cục tình báo - Bộ Quốc phòng; Cục An ninh mạng - Bộ Công an; Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) thuộc Bộ TT&TT; Công ty Misoft, các tập đoàn Viettel, VNPT, FPT; Công ty Bkav và các cơ quan, doanh nghiệp thuộc các khối ngành kinh tế mũi nhọn trọng điểm khác như dầu khí, ngân hàng, tài chính, hàng không, hàng hải, bảo hiểm, giao dịch thương mại điện tử…

Thông tin từ Ban điều hành Đề án 99 cho hay, tính đến hết năm ngoái, cả 8 cơ sở đào tạo trọng điểm về an toàn, an ninh thông tin (gồm Học viện Kỹ thuật Mật mã, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Học viện Kỹ thuật Quân sự, Học viện An ninh Nhân dân, ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH CNTT - ĐH Quốc gia TP.HCM, ĐH Công nghệ - ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng) đều đã thực hiện tuyển sinh đào tạo hệ chính quy Thạc sĩ, Kỹ sư, Cử nhân ATTT. Ngoài ra, một số cơ sở đào tạo khác như ĐH FPT, ĐH CNTT-TT thuộc ĐH Thái Nguyên, ĐH Duy Tân, ĐH Công nghệ TP.HCM, ĐH Công nghiệp thực phẩm cũng đã tuyển sinh đào tạo Kỹ sư, Cử nhân ATTT. ĐH Việt-Pháp (USTH) đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục mở mã ngành để bắt đầu tuyển sinh từ năm 2018.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận