Học sinh cấp 3 giành giải cao ở Zalo Hackathon 2017

Học sinh cấp 3 giành giải cao ở Zalo Hackathon 2017

Về nhì trong cuộc thi là đội Knights gồm các bạn học sinh cấp 3 của trường Phổ thông Năng Khiếu TPHCM. Đồng hạng nhì còn có Botdy - đội thi gồm các lập trình viên trẻ đến từ Hà Nội.

Học sinh cấp 3 giành giải cao ở Zalo Hackathon 2017

Đánh giá về chất lượng thí sinh, Top Coder Khúc Anh Tuấn - thành viên của Hội đồng chuyên môn cho biết anh khá ấn tượng với khả năng của các đội thi. “Chỉ trong 24h lập trình và không được biết trước đề thi nhưng các sản phẩm dự thi rất tốt. Nhiều bài thi đã đáp ứng được tốt cả 3 tiêu chí tính hoàn thiện, tính thực tế và tính sáng tạo”.

Vượt qua 70 đội đăng ký tham dự, 24h lập trình liên tục để hoàn thành sản phẩm, trải qua 2 vòng trình bày ý tưởng thuyết phục trước Hội đồng chuyên môn gồm những tên tuổi lớn trong ngành CNTT, đội Trojans gồm 3 sinh viên năm cuối là Võ Minh Công (chuyên ngành Cơ Điện Tử, ĐH Sư phạm kỹ thuật Tp.HCM), Lê Anh Tú (Chuyên ngành Điện tử Viễn Thông – ĐH Bách Khoa) và Nguyễn Ấn Tín (sinh viên ngành Công nghệ phần mềm, ĐH Sư phạm Kỹ Thuật) đã xuất sắc giành chiến thắng tại Zalo Hackathon 2017 với phần thưởng 50 triệu đồng.

Chọn nhóm đề tài liên quan đến các ứng dụng sức khỏe, ý tưởng của đội Trojans dựa trên lượng thức ăn mỗi người nạp vào mỗi ngày và cảm biến cơ thể để tính ra lượng calo dư thừa, kết hợp với các thông số chuẩn về sức khỏe để đưa ra cảnh báo và lời khuyên cho người dùng. Theo đội trưởng Võ Minh Công, Trojans tập trung vào những tính năng ưu việt nhất, khắc phục những nhược điểm của các ứng dụng khác trên thị trường.

Học sinh cấp 3 giành giải cao ở Zalo Hackathon 2017

Ứng dụng HeaFri này được ban giám khảo đánh giá rất cao ở khả năng hoàn thiện ý tưởng trong một khoản thời gian ngắn. Ông Nguyễn Quang Nam - Technical Director của Zalo cho biết chỉ với 24h nhưngTrojans đã hoàn thành một khối lượng công việc đồ sộ hơn hẳn các đội thi khác và đã thuyết phục được sự khó tính của Hội đồng chuyên môn gồm top coder Khúc Anh Tuấn, Hiệp sĩ CNTT Phạm Kim Long, PGS.TS Trần Minh Triết, Trưởng nhóm R&D của Zalo Trần Công Thiên Qui, Zalo Product Director Đào Ngọc Thành, Zalo Technical Director Nguyễn Quang Nam và thầy Phạm Thi Vương.

Nói về lí do “bí mật đề thi đến phút chót”, ông Phạm Kim Long - Trưởng BTC chia sẻ Zalo Hackathon mang đến cho các bạn lập trình viên trẻ một sân chơi xứng tầm với các bài toán lập trình thực tế, có độ khó dưới áp lực lớn về thời gian, trải nghiệm “Hack” và “Marathon” đúng nghĩa nhất.

Ngoài khâu tổ chức rất chuyên nghiệp và chu đáo, hội đồng chuyên môn và ban cố vấn gồm những chuyên gia lập trình nổi tiếng…là điểm ấn tượng các thí sinh nhất. Chuyên môn rất cao và rất nhiệt tình chỉ dẫn là nhận định chung của nhiều đội thi.

Đại diện đội thắng cuộc cũng chia sẻ nhờ sự hướng dẫn của ban cố vấn, Trojans đã tối ưu được ứng dụng để có thể chạy mượt và ổn định nhất.

Học sinh cấp 3 giành giải cao ở Zalo Hackathon 2017

Trong khuôn khổ chương trình, ban tổ chức cuộc thi cũng đã sắp xếp phần giao lưu ngắn giữa Top Coder Khúc Anh Tuấn và Zalo Product Director Đào Ngọc Thành với các lập trình viên trẻ xung quanh vấn đề kỹ thuật cũng như kinh nghiệm phỏng vấn, định hướng nghề nghiệp trong lĩnh vực CNTT.

Chung kết Zalo Hackathon đã diễn ra trong 2 ngày 16, 17/12 tại TP.HCM với sự tham gia của 31 đội được tuyển chọn từ 70 đội thi đăng ký trên cả nước. Ngoài những lập trình Việt, Juan Dalisay (quốc tịch Philipin) - người vừa giành giải thưởng Hackthon ở một cuộc thi khác cách đây không lâu cũng có mặt tại sự kiện này. Huỳnh Lâm Hải Đăng và Lê Trần Hoàng Lam là hai thí sinh trẻ tuổi nhất tại Zalo Hackathon 2017, đang theo học cấp 3 tại trường THPT Năng khiếu - ĐHQG HCM.

Zalo Hackathon được tổ chức bởi Zalo. Ở cuộc thi năm nay, những đội chơi được cung cấp Zalo API để tự phát triển sản phẩm, giải quyết 1 trong 8 thách thức lớn của cuộc thi gồm: AR Camera (xây dựng ứng dụng AR, có hỗ trợ các tính năng chụp ảnh nâng cao), Sales Chatbot Assistant (Tạo ra chatbot hỗ trợ bán hàng qua Zalo), P2P Chat (Tạo ứng dụng chat qua mạng ngang hàng, nhanh, ổn định và bảo mật), Health Tracking & Monitoring (tạo ứng dụng theo dõi sức khỏe), Xây dựng ứng dụng nhận diện âm nhạc tương tự Shazam, Tạo ứng dụng phân loại các thể loại âm nhạc, Hệ thống khuyến nghị nhạc và Ứng dụng tạo nhạc. Trong đó, Chatbot và Thực tế tăng cường AR là 2 đề bài thu hút các đội thi nhất.

PHÚC NGUYỄN

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận