Thời đại công nghệ Internet của Vạn Vật đã đến

Thời đại công nghệ Internet của Vạn Vật đã đến

Thời đại công nghệ Internet của Vạn Vật đã đến
Ông Trần Đức Trung, TGĐ Intel Việt Nam chia sẻ về tầm nhìn 2016 của Intel

Những sự đầu tư ở lĩnh vực cá nhân và công cộng vào IoT đang bắt đầu chuyển đổi từ giai đoạn thử nghiệm sang triển khai. Năm 2016, sự chuyển đổi này sẽ trở nên rõ ràng hơn.

Chia sẻ tại buổi gặp mặt báo chí đầu năm 2016, ông Trần Đức Trung, TGĐ Intel Việt Nam cho biết, Intel đã tham gia vào công nghệ IoT từ hơn hai thập kỷ, IoT đại diện một cơ hội đặc biệt để đưa công nghệ máy tính và sự am hiểu của Intel đến các ngành công nghiệp chủ đạo khác. “Intel đang hợp tác chặt chẽ với các tổ chức chính phủ, doanh nghiệp tư nhân, các nhà cung cấp viễn thông và các nhà phân tích hệ thống để hiểu rõ về xu hướng để từ đó xây dựng các giải pháp phù hợp.Mục tiêu là để giúp các khách hàng có thể kết nối với các chủ thể thực trong lĩnh vực của họ với điện toán đám mây. Ví dụ, camera an ninh của một nhà máy hoặc hệ thống đèn giao thông của một thành phố, việc trích xuất dữ liệu từ các cảm biến sẽ được bảo mật cao. Khi đó, các tổ chức hay cá nhân có thể quản lý hệ thống của mình một cách hiệu quả và thông minh”, đại diện Intel chia sẻ.

Các ngành công nghiệp nơi IoT đem đến những tiềm năng chuyển đổi cao như sản xuất, lĩnh vực mà robot học và các phân tích có thể giúp doanh nghiệp vận hành quy trình sản xuất, giảm thiểu sự hiện diện của máy móc và tiết giảm chi phí vận hành. Trong ngành công nghiệp ô tô, Intel kết hợp với các nhà sản xuất thiết bị ô tô để tạo ra những trải nghiệm lái xe của người dùng trở nên trực quan hơn. Ví dụ, bằng việc cài đặt cảm biến, người lái xe có thể kiểm tra khoảng cách đỗ xe, cung cấp định vị, lập tức thông báo những sai sót đến người lái và duy trì hiển thị thông tin trên màn hình liên tục. Sự kết hợp này sẽ được ứng dụng tại thị trường Nhật Bản, nơi diễn ra sự kiện Olympic Tokyo năm 2020, mục tiêu của Intel là sẽ giúp cung cấp việc quản lý giao thông và trải nghiệm lái xe một cách thông minh. Lĩnh vực giao thông và logistic cũng là lĩnh vực có thể ứng dụng công nghệ IoT, các doanh nghiệp trong lĩnh vực này đang tìm kiếm các ứng dụng để giúp kiểm tra hàng hóa trong thời gian thực từ nhà kho đến tay người dùng, hay việc kiểm tra hệ thống thông tin tại điểm bán và thanh toán thông minh.

Lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cũng là một lĩnh vực mà IoT có thể được ứng dụng một cách hiệu quả đặc biệt tại các quốc gia có tỷ lệ dân số lớn tuổi như Nhật Bản. IoT sẽ giúp người theo dõi tình trạng sức khỏe người dùng ngay tại nhà thông qua các thiết bị đeo để thông báo những dấu hiệu về sức khỏe, huyết áp, nhịp tim… và cảnh báo người dùng.

Tại Việt Nam, ông Trần Đức Trung cho biết, Intel Việt Nam xác định đưa IoT vào Việt Nam càng sớm càng tốt. "IoT là một trào lưu mới về công nghệ trên thế giới, và Việt Nam hoàn toàn có thể đóng góp một cách tích cực và có ý nghĩa vào trào lưu này cho đất nước mình và cho cả thế giới. Intel có thể đem đến tới 70% các giải pháp và công nghệ về IoT. Các đối tác Việt Nam chỉ việc đóng góp 30% còn lại để hoàn thiện IoT. Ngoài ra, IoT còn là phương tiện để tăng cường năng lực cạnh tranh của chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam, cũng như nâng cao đời sống của người dân với chi phí rất rẻ. Bây giờ, chỉ cần 10 tới 20 USD là đã có một con chip cho thiết bị hay hệ thống IoT", ông Trung nhấn mạnh.

Được biết, sau gần một năm tích cực hợp tác triển khai cùng một số đối tác, đến nay Intel đã đóng góp không nhỏ trong việc hình thành được những dự án IoT điển hình như quản lý vận tải (với Bộ Giao thông – Vận tải), thành phố thông minh (với chính quyền Đà Nẵng), trang trại thông minh (với Công ty Cầu Đất Farm),…

MAI KHÔI

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận