TS Lý Văn Bảo: Ứng dụng blockchain bước vào cuộc đua nước rút

TS Lý Văn Bảo: Ứng dụng blockchain bước vào cuộc đua nước rút

ts ly van bao: ung dung blockchain buoc vao cuoc dua nuoc rut hinh anh 1

TS. Lý Văn Bảo (Ảnh: NVCC)

Hoàn thành luận án tiến sỹ ngành Công nghệ thông tin ở Pháp từ năm 2005 khi 28 tuổi, TS. Lý Văn Bảo đã quyết định ở lại Pháp với vai trò tư vấn Công nghệ độc lập trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Trong suốt thời gian 12 năm sau đó, ông lần lượt đảm nhiệm nhiều vai trò chủ chốt trong các dự án lớn về xây dựng  và tái cấu trúc hệ thống công nghệ thông tin  tại các ngân hàng đa quốc gia nổi tiếng ở Pháp như BNP Paribas, HSBC, AXA... Hiện tại, TS. Bảo đang là kiến trúc sư thiết kế điều phối và xây dựng lại ứng dụng e-Commerce dùng trong mua-bán sản phẩm phái sinh của ngân hàng BNP Paribas, một trong 10 ngân hàng lớn nhất trên thế giới. Đây là một phần trong chương trình tổng thể “Ngân hàng đầu tư của Tương lai” và “Kỷ Nguyên Số Hóa” của BNP với tổng vốn đầu tư hơn 3 tỷ USD.

Thưa ông, hiện tại các ngân hàng tại châu Âu và thế giới đang có cách tiếp cận thế nào với blockchain, một trong những công nghệ được nhắc tới nhiều nhất hiện nay?

Theo báo cáo Toàn cầu về Fintech năm 2017 của PWC, 82 % các định chế tài chính trên toàn cầu đang tăng cường phát triển đối tác Fintech để ngày càng có nhiều ứng dụng công nghệ hơn, 30% những định chế tài chính lớn đang đầu tư vào sử dụng trí thông minh nhân tạo (AI) và có tới 77%  trong số này đặt ra mục tiêu ứng dụng blockchain trong hệ thống sản phẩm và quy trình hoạt động vào năm 2020. Như vậy, chỉ còn chưa đầy hai năm nữa và đây là một thời gian rất ngắn để đưa các công nghệ này vào thực tiễn, có thể nói các ngân hàng và hệ thống tài chính đang bắt đầu vào cuộc đua nước rút về ứng dụng blockchain vì việc ứng dụng thành công đồng nghĩ với việc cắt giảm chi phí, nâng cao tính bảo mật cũng như tăng cường sự minh bạch trong các hệ thống ngân hàng hiện tại.

Cụ thể blockchain có thể ứng dụng được gì đối với hệ thống ngân hàng và dịch vụ tài chính?

Có thể nói, lĩnh vực này là một trong những lĩnh vực mà blockchain có thể phát huy được hiệu quả một cách tối đa. Ví dụ, chỉ tính riêng việc các ngân hàng toàn cầu đang phải đầu tư những khoản tiền   để phục vụ cho việc chống rửa tiền (Anti Money Laudering - AML) và các hoạt động phi pháp, theo tính toán của Deloitte, con số đã vượt lên  hơn 10 tỷ đô la Mỹ. Số tiền này liên tục tăng hàng năm do diễn biễn ngày càng phức tạp của vấn đề. Đây chính là một trong những gánh nặng lớn của các ngân hàng và chắc chắn làm tăng chi phí giao dịch. Bên cạnh đó, việc áp dụng chính sách Hiểu biết khách hàng (Know Your Customer – KYC,  chính sách yêu cầu các tổ chức tài chính cần biết và hiểu khách hàng cũng như các giao dịch tài chính của họ để quản lý rủi ro) cũng là một gánh nặng hiện hữu đối với tất cả các ngân hàng, trong đó có cả các ngân hàng lớn như BNP Paribas hay HSBC mà tôi từng cộng tác. Các yêu cầu tuân thủ KYC thường làm chậm các giao dịch, đặc biệt các giao dịch phức tạp có thể mất  nhiều ngày làm việc.

Mặc dù việc chia sẻ thông tin khách hàng đã được triển khai, ví dụ đối với SWIFT (Hiệp hội viễn thông liên ngân hàng và tài chính quốc tế) đã thực hiện việc chia sẻ thông tin về KYC với 1,125 thành viên của họ, nhưng con số này còn quá ít so với hơn 7,000 ngân hàng trong hệ thống của SWIFT. Như vậy, một triển vọng ứng dụng blockchain vào quản lý thông tin khách hàng sẽ mang lại hiệu quả hơn rất nhiều..

Đối với vấn đề kiểm soát dòng tiền, nếu chúng ta có những tiếp cận đúng cách thì chính blockchain sẽ công nghệ tối ưu nhất để giải quyết được vấn đề kiểm soát đường đi của tiền tệ vì blockchain là nơi thông tin đã ghi lên rồi thì sẽ tồn tại mãi mãi, không ai có thể sửa được. Chính vì vậy, những người có mục đích không tốt sẽ phải tránh blockchain vì khi cơ quan điều tra vào cuộc, bằng cách này hay cách khác đều có thể tìm ra được rất nhiều manh mối. Ít nhất, nó tốt hơn các công nghệ hiện tại  vì đang cho phép can thiệp vào dữ liệu quá khứ một cách dễ dàng hơn.

Ngoài ra, blockchain có thể ứng dụng một cách mạnh mẽ trong việc xây dựng hệ thống thanh toán, hệ thống chuyển tiền hay quản lý nhận diện kỹ thuật số trong giao dịch ngân hàng và dịch vụ tài chính.

ts ly van bao: ung dung blockchain buoc vao cuoc dua nuoc rut hinh anh 2

TS. Lý Văn Bảo (ngoài cùng bên trái) và Ông Kai Yee Goh,  Nguyên Giám đốc Phát triển Kinh doanh Quốc tế Western Union

Vậy quan điểm của ông về cách tiếp cận của Việt Nam với công nghệ blockchain và tiền kỹ thuật số như thế nào?

Đứng từ góc nhìn của một chuyên gia công nghệ trong lĩnh vực tài chính, tôi cho rằng việc tiếp cận về tiền kỹ thuật số của Việt Nam hiện tại như không cho phép sử dụng giao dịch hay coi việc mua bán tiền số là một tài sản được xem là các bước đi thận trọng và cần thiết trước khi có thể ban hành được các hành lang pháp lý cụ thể với vấn đề này. Tuy nhiên, công nghệ blockchain và trong đó có ứng dụng tiền kỹ thuật số cũng giống như bao công nghệ trong thời đại số khác, tức là nó có tốc độ phát triển vô vùng nhanh chóng. Nếu chúng ta không có phản ứng kịp thời, chúng ta sẽ lại đi sau các quốc gia khác. Một trong những ví dụ sinh động khi tôi dự Hội nghị blockchain do Huobi, một công ty của Singapore tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh, tôi nhận ra rằng các chính sách của chính phủ Singapore vừa kiểm soát tốt nhưng lại tạo ra các hành lang pháp lý để quốc đảo này đang dần trở thành một trung tâm về công nghệ blockchain và tiền kỹ thuật số tại khu vực châu Á. Vị thế hiện tại của Singapore thách thức bất kì quốc gia nào trong khu vực có thể đuổi kịp.

Như vậy, hiệu quả của ứng dụng blockchain trong lĩnh vực tài chính ngân hàng chính là cắt giảm chi phí giao dịch, điều này có nghĩa làm gia tăng lợi thế trong thương mại, đặc biệt là thương mại quốc tế khi các chi phí ngân hàng luôn là gánh nặng đối với tất cả các doanh nghiệp. Dễ nhận thấy,  sức mạnh cạnh tranh quốc gia trong giao thương quốc tế sẽ chịu nhiều ảnh hưởng bởi các ứng dụng  liên quan tới blockchain và tiền kỹ thuật số trong một  tương lai không xa.

Chính vì vậy ông muốn khởi nghiệp với một ứng dụng blockchain?

Làm việc với các ngân hàng hàng đầu tại châu Âu với nhiều dự án IT liên quan đến nhiều nghiệp vụ khác nhau, tôi có một cái nhìn tổng thể về xu hướng ứng dụng blockchain trong lĩnh vực này và tôi cho rằng đây sẽ là một xu hướng tất yếu. Hiện tại là thời điểm mà tôi có thể mang kinh nghiệm và kiến thức về công nghệ của mình để tạo ra một sản phẩm mang lại lợi ích cho cộng đồng, đặc biệt những người có thu nhập thấp.

Tôi và các cộng sự là các chuyên gia trong lĩnh vực dịch vụ tài chính sẽ cùng nhau xây dựng ứng dụng có tên gọi ZeroBank,  một nền tảng thông minh được phát triển nhằm mục đích phục vụ các giao dịch chuyển tiền phi thương mại, đổi tiền ngang hàng (peer to peer), trực tiếp và nhanh chóng xuyên quốc gia. Ứng dụng những công nghệ mới nhất hiện nay là blockchain, smart contract kết hợp với mô hình kinh tế chia sẻ, ZeroBank loại bỏ hoàn toàn những trở ngại thường thấy trong giao dịch chuyển tiền đa quốc gia thông thường và hứa hẹn là một bước tiến lớn trong giao dịch tiền tệ quốc tế.

Qua ZeroBank, người gửi tiền và đổi tiền có thể thực hiện các giao dịch trực tiếp ngang hàng tại bất cứ thời điểm nào, tại bất kì nơi đâu, với mức chi phí thấp nhất nhờ việc loại bỏ sự lệ thuộc của các trung gian tài chính với chi phí cao hiện tại như ngân hàng hay các công ty cung cấp dịch vụ chuyển tiền quốc tế.

Như vậy, ZeroBank sẽ hướng tới phục vụ cho 258 triệu người, bao gồm du học sinh, dân di cư, kiều dân, người lao động tại nước ngoài trên toàn cầu ...v.v và  hơn 1,3 tỷ người đi du lịch hàng năm. Ngoài ra, ZeroBank còn tạo ra một nền tảng kết hợp với nền kinh tế chia sẻ để cung cấp cơ hội làm việc cho cộng đồng như tài xế taxi, hướng dẫn viên du lịch, lễ tân khách sạn, nhân viên bán hàng, sinh viên… Công nghệ blockchain kết hợp với nền kinh tế chia sẻ, đây là một trong những điểm mấu chốt giúp dự án có tính khả thi cao nhất.

Đây sẽ là một dự án toàn cầu nhưng được phát triển tại Việt Nam. Có thể ZeroBank là một trong những dự án tham vọng nhất mà tôi từng tham gia, tuy nhiên với kinh nghiệm của mình cùng niềm tin vào các cộng sự có nhiều năm làm việc trong lĩnh vực chuyển và đổi tiền tại các tổ chức quốc tế, tôi tin chúng tôi sẽ bước ra biển lớn.

“Cơ sở pháp lý luôn đi sau công nghệ bởi công nghệ thay đổi rất nhanh, nhiều khi chỉ sáu tháng tới một năm đã tạo ra một sự thay đổi lớn. Tôi cho rằng luật pháp sinh ra là để trợ giúp, tạo hành lang pháp lý cho công nghệ phát triển chứ không phải để ngăn chặn công nghệ. Vậy nên, tôi nghĩ theo thời gian, cơ sở pháp lý sẽ dần tạo hành lang là điều kiện để những ứng dụng có ích cho xã hội, phát triển cộng đồng và đóng góp cho nền kinh tế. Song, chúng tôi không thể chờ khung pháp lý rồi mới đi làm công nghệ được vì nếu thế sẽ không bao giờ có khung pháp lý cho công nghệ cả”, TS. Lý Văn Bảo nói.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận