Mùa hè đang bị "mắc kẹt" vì Bắc Cực ngày càng ấm lên

Mùa hè đang bị "mắc kẹt" vì Bắc Cực ngày càng ấm lên

Nhiệt độ Bắc Cực ngày càng tăng cũng đồng nghĩa chúng ta đang đối mặt với tương lai "cực đoan của cực đoan", khi ngày nắng đẹp bình thường trở thành những đợt nắng nóng gay gắt, còn mưa trở thành những trận lũ lụt.

Mùa hè tại các khu vực như châu Âu, Bắc Mỹ và phần lớn châu Á sẽ ngày càng bị kéo dài ra, khi theo nghiên cứu về khí hậu mới đây, việc Bắc Cực ấm dần lên sẽ khiến những đợt nắng nóng gay gắt xuất hiện thường xuyên hơn, nguy hiểm hơn.

Sự nóng lên tại Bắc Cực khiến vòng tuần hoàn của các luồng gió khổng lồ của Trái Đất bị chậm lại. Điều này có nghĩa là các khối áp thấp và áp cao đang bị kẹt lại, và thời tiết sẽ khó có thể tự điều tiết hơn.

Tác giả của bài nghiên cứu trên còn cảnh báo rằng điều này sẽ khiến các hiện tượng thời tiết cực đoan trở nên... cực đoan hơn bao giờ hết, khi tình trạng nắng nóng liên tục kéo dài, biến Trái Đất thành "chảo lửa", kéo theo đó là cháy rừng và lũ lụt.

Mùa hè này chúng ta chứng kiến nhiều trận nắng nóng bất thường.
Mùa hè này chúng ta chứng kiến nhiều trận nắng nóng bất thường.

Dim Coumou, từ Viện nghiên cứu tác động khí hậu Potsdam và là đồng tác giả của cuộc nghiên cứu, cho biết: "Chúng ta đã được chứng kiến nhiều trận nắng nóng bất thường trong mùa hè này. Và điều đáng lo ngại là nó sẽ vẫn sẽ tiếp diễn, đặc biệt là tại các quốc gia thuộc vĩ độ trung bình, bao gồm: châu Âu, Hoa Kỳ và Trung Quốc. Sản xuất nông nghiệp chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Chỉ xét riêng trong năm nay, sản lượng thu hoạch của nhiều loại sản phẩm đã sụt giảm mạnh. Ngoài ra, nắng nóng cũng sẽ tàn phá sức khỏe con người".

Đã từ rất lâu rồi, việc vòng tuần hoàn của các luồng gió bị chậm lại đã là một mối lo khiến các nhà khí tượng học phải "vò đầu bứt óc". Và sau khi phân tích xu hướng thời tiết của mùa hè, nhóm nghiên cứu còn chỉ ra được bằng chứng cho thấy hệ thống gió của hành tinh, bao gồm cả những cơn bão cấp thấp và những đợt sóng trên tầng đối lưu, đang dần mất đi khả năng thay đổi thời tiết.

Một trong những nguyên nhân lí giải cho hiện tượng này chính là sự giảm mức chênh lệch nhiệt độ giữa Bắc cực và Xích đạo gây ra bởi hiệu ứng nhà kính. Bài nghiên cứu cho thấy rằng các vùng ở phía Bắc của Trái Đất đang ấm lên từ hai tới bốn lần so với mức trung bình toàn cầu, có nghĩa là sự chênh lệch nhiệt độ giữa vùng này và đai trung tâm của Trái Đất cũng sẽ giảm xuống. Và khi sự khác biệt dần bị xóa mờ thì các cơn gió sẽ gặp khó khăn trong việc tích trữ năng lượng để đẩy các hệ thống khí áp nằm giữa chúng.

Kết quả là đất liền không nhận được khí ẩm từ biển để hạ nhiệt, còn các cơn bão thì cứ thế mà mạnh lên nhờ vào nguồn khí ẩm từ biển. Hãy lấy cơn bão Harvey để làm ví dụ, trước khi đổ bộ và tàn phá Texas, nó đã dừng lại lâu bất thường trên bờ biển, nơi mà nó đang không ngừng hút và tích tụ khí ẩm từ biển. Việc các cơn bão đang dần chậm lại và mang theo nhiều mưa hơn đã được các nhà khoa học dự đoán từ trước.

Một bài báo khác trên trang Scientific Reports cũng chỉ ra rằng sự mắc kẹt của hệ thống gió hành tinh cũng là yếu tố đóng góp vào trận cháy rừng diễn ra vào năm 2016 tại tỉnh Alberta, miền Tây Canada. Người ta đã mất tới hai tháng để có thể dập hoàn toàn trận cháy này, hậu quả mà nó để lại cũng đã phá vỡ mọi kỷ lục với mức thiệt hại lên tới 4,7 tỷ đô la Canada.

Tác giả chính của cuộc nghiên cứu trên, Vladimir Petoukhov nói: "Rõ ràng mô hình sóng hành tính không phải là nguyên nhân duy nhất gây ra hỏa hoạn, nhưng nó là một yếu tố chủ chốt gây nên một thảm họa như vậy. Và trên thực tế, ngay từ những năm 1980, các đợt gió hành tinh đã góp phần làm tăng rủi ro cháy rừng trong khu vực này".

Bày tỏ sự đồng tình với kết quả của cuộc nghiên cứu, giáo sư về khoa học khí hậu tại trường đại học London – Chris Rapley – cho rằng: "Những gì đang xảy ra tại Bắc cực không chỉ để lại hậu quả ở riêng Bắc cực. Chúng ta đang phá vỡ sự chênh lệch nhiệt độ vốn có giữa vùng cực và xích đạo thông qua việc làm mất cân bằng năng lượng của Trái Đất. Chính điều kiện này đã góp phần lớn vào sự thay đổi dòng chảy trong khí quyển và đại dương. Chúng ta đang được chứng kiến cái được gọi là ‘hậu quả'. Con đường phía trước vẫn còn rất gian nan và hiểm trở".

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận