Kỹ thuật chụp ảnh hé lộ từng mạch máu bên trong xác ướp

Kỹ thuật chụp ảnh hé lộ từng mạch máu bên trong xác ướp

Các nhà khoa học Thủy Điển phát triển kỹ thuật chụp ảnh tia X mới ghi lại những đặc điểm chi tiết của xác ướp ở cấp độ tế bào.

Nhóm nghiên cứu tại Viện Công nghệ Hoàng gia và Trung tâm Đại học Albanova ở Stockholm, Thụy Điển, sử dụng kỹ thuật chụp cắt lớp vi tính (CT) để ghi lại hình ảnh mô mềm trên bàn tay của một xác ướp Ai Cập cổ đại. Kỹ thuật cho phép nhìn thấy các đặc điểm sinh học chi tiết của xác ướp với độ phân giải từ 6 đến 9 micromet, chỉ lớn hơn một chút so với tế bào hồng cầu của con người. Kết quả nghiên cứu được đăng trên tạp chí Radiology vào ngày 25/9.

Theo IFL Science, bàn tay xác ướp được vận chuyển từ Ai Cập đến Thụy Điển vào cuối thế kỷ 19. Nó có niên đại khoảng năm 400 trước Công nguyên. Kỹ thuật mới mang tính cách mạng thậm chí còn cho phép các nhà nghiên cứu nhìn thấy dây thần kinh, mạch máu tại phần nền của móng tay, các lớp khác nhau của da, và thậm chí cả phần còn lại của tế bào mỡ.

Hình ảnh chụp cắt lớp vi tính (CT) của bàn tay xác ướp.
Hình ảnh chụp cắt lớp vi tính (CT) của bàn tay xác ướp. (Ảnh: Hội phóng xạ Bắc Mỹ).

Kỹ thuật này không chỉ tạo ra hình ảnh độ nét cao giúp nghiên cứu xác ướp cổ đại, nó thậm chí còn tăng cường sự hiểu biết của chúng ta về những căn bệnh cổ xưa.

"Để nghiên cứu xương và những vật liệu cứng khác, kỹ thuật chụp ảnh tương phản hấp thụ (absorption contrast) hoạt động khá tốt. Nhưng đối với mô mềm, kỹ thuật này không đủ để tạo ra hình ảnh chi tiết", Jenny Romell, thành viên của nhóm nghiên cứu, cho biết. "Đây là lý do tại sao chúng tôi thay thế nó bằng kỹ thuật hình ảnh tương phản pha dựa trên đường truyền (propagation-based phase-contrast)".

Kỹ thuật hình ảnh tương phản pha có khả năng phát hiện cả sự hấp thụ và dịch chuyển pha khi tia X truyền qua mẫu vật. Điều này tạo ra độ tương phản khác nhau trong cùng một bức ảnh, làm nổi bật các chi tiết không dễ phát hiện thay vì chỉ là một hình chiếu màu đen và trắng đơn giản.

"Nếu chỉ sử dụng kỹ thuật chụp ảnh tương phản hấp thụ, chúng ta có thể sẽ bỏ sót dấu vết của những căn bệnh chỉ được bảo quản trong mô mềm. Nhưng với kỹ thuật hình ảnh tương phản pha, các cấu trúc mô mềm có thể được chụp ảnh với độ phân giải tế bào, mở ra cơ hội phân tích chi tiết mô mềm", Romell nói.

Các nhà nghiên cứu tin rằng, kỹ thuật mới một ngày nào đó sẽ được sử dụng rộng rãi để nghiên cứu xác ướp và những hài cốt cổ xưa khác. "Giống như kỹ thuật chụp cắt lớp vi tính (CT) thông thường đã trở thành phương pháp chuẩn để nghiên cứu xác ướp và hài cốt cổ xưa, chúng tôi nhận thấy kỹ thuật CT tương phản pha là sự bổ sung tự nhiên cho các phương pháp hiện có", Romell nói.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận