Bán điện thoại online độc quyền, xu hướng mới rộ tại Việt Nam

Bán điện thoại online độc quyền, xu hướng mới rộ tại Việt Nam

Asus hôm qua 3/7 mở bán bộ đôi smartphone Zenfone 5Z và Zenfone Max Pro. Trong đó, sản phẩm chiến lược của hãng - chiếc Max Pro - được bán độc quyền trên trang thương mại điện tử Shopee.

Max Pro có 3 phiên bản khác nhau có giá công bố khá cạnh tranh, nhưng thậm chí được giảm thêm 300-500 ngàn đồng mỗi máy khi mua trên Shopee.

Bán điện thoại online độc quyền, xu hướng mới rộ tại Việt Nam

Giá bán trên Shopee thấp hơn giá niêm yết của Asus.

Asus không phải hãng đầu tiên bán sản phẩm độc quyền trên một kênh thương mại điện tử nhưng hãng dường như sẽ đi theo xu hướng này, một hình thức bán hàng mới rộ tại Việt Nam một năm trở lại đây.

Trước đó, nhiều hãng Trung Quốc mới đã bán hàng dạng này, gồm có Honor, Xiaomi, Meizu, Blueboo. Trong đó Blueboo chỉ bán qua kênh online, Meizu gần đây trở lại thị trường cũng tập trung bán kênh online, hai hãng còn lại có nhiều mẫu bán độc quyền trên các kênh thương mại điện tử.

Giải thích về xu hướng bán hàng online, một đại diện của Honor tại Việt Nam cho biết đối với các hãng mới tham gia thị trường, việc bán hàng qua kênh thương mại điện tử giúp dễ tiếp cận người dùng với chi phí rẻ hơn.

Bán hàng qua mạng giúp hãng điện thoại tiết kiệm được chi phí quảng bá, chiết khấu, lưu trữ, kiểm soát được hàng tồn kho và các chi phí khác.

Ông Eric Lee, Giám đốc phát triển kinh doanh Asus Việt Nam, cũng có ý kiến tương tự. Ông cho biết việc hợp tác với một đối tác duy nhất giúp cả hai bên dồn lực bán hàng, việc thương thảo chiết khấu cũng dễ dàng hơn, các chi phí tối giản lại, do đó mức giá đến tay người dùng sẽ tốt nhất.

Ông Eric cho biết sẽ tập trung vào việc kinh doanh độc quyền trong thời gian tới ở mảng smartphone nhằm tiết kiệm chi phí. Tất nhiên ông cũng để ngỏ khả năng hợp tác với các đối tác khác nếu các bên thoả thuận được những điều khoản hợp lý.

So với phương pháp bán hàng qua kênh bán lẻ truyền thống, bán hàng qua mạng có nhiều ưu điểm. Một trong số đó là hàng lưu kho và trưng bày. Giả sử một sản phẩm được bán tại các hệ thống siêu thị lớn hiện nay tại Việt Nam thì hãng phải chuẩn bị ít nhất cả ngàn sản phẩm để trưng bày ở quầy hàng, sau đó hàng ngàn sản phẩm mới lưu kho để khi cần mang ra bán.

Trong khi đó, với cách bán hàng tại kênh online hãng không phải chuẩn bị như trên. Với phương thức cho đặt hàng trước, hãng điện thoại và nhà bán hàng có thể dự đoán số lượng hàng bán được, sau đó nhập một số lượng sản phẩm vừa đủ, tránh được hàng tồn hay hàng trưng bày. Hãng điện thoại Việt Mobiistar cũng đi theo cách này khi lần đầu bán hàng tại Ấn Độ.

Không chỉ các hãng mới, Samsung - chiếm số 1 thị phần smartphone Việt Nam - cũng bắt đầu bước vào xu hướng này. Mới đây hãng đã kết hợp cùng Lazada bán độc quyền mẫu máy Galaxy J7 Duo, một chiếc smartphone tầm trung thuộc dòng bán chạy của hãng.

J7 Duo là smartphone mới đầu tiên Samsung hợp tác độc quyền với một trang thương mại điện tử tại Việt Nam.

Bán điện thoại online độc quyền, xu hướng mới rộ tại Việt Nam

J7 Duo của Samsung bán độc quyền trên Lazada.

Lợi thế của bán hàng qua mạng tại Việt Nam không phải mới, chính nhà bán lẻ thị phần số 1 hiện nay là Thế Giới Di Động đã thành công với phương thức này. Hệ thống này gần như tiên phong khi niêm yết hai mức giá khác nhau cho một sản phẩm khi mua hàng online so với mua tại cửa hàng. Giá mua online bao giờ cũng rẻ hơn.

Năm 2015, theo Euromonitor International, Thế Giới Di Động thời điểm đó doanh thu thương mại điện tử cao hơn cả Lazada hay bất kỳ trang thương mại điện tử nào khác. Điều này cho thấy doanh thu và tiềm năng của việc bán hàng online mà ông lớn bán lẻ này đã nhận ra.

Xu hướng bán điện thoại online độc quyền mới xuất hiện tại Việt Nam gần đây nhưng đã có trên thế giới khá lâu, đặc biệt tại Trung Quốc. Minh chứng rõ ràng cho xu hướng này chính là Xiaomi - hãng công nghệ từng được ví như Apple của Trung Quốc - với thành tích bán hàng hàng trăm ngàn máy chỉ trong khoảng thời gian ngắn. Xiaomi nổi lên nhờ phương thức bán hàng độc đáo này và mở lối cho nhiều công ty khác bán theo, như OnePlus hay Honor.

Tại Việt Nam, thương mại điện tử giai đoạn đầu mới chỉ bán quần áo, mỹ phẩm, hàng phụ kiện công nghệ có giá trị thấp, tuy nhiên khi mạng lưới vận hành đã tốt lên, xu hướng bán các món đồ giá trị hơn như điện thoại di động bắt đầu phát triển.

Với những minh chứng rõ ràng trên thế giới và nhiều lợi thế so với phương thức bán hàng truyền thống, bán điện thoại online, và phương thức bán độc quyền, sẽ được đẩy mạnh hơn trong thời gian tới.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận