Bộ phát 4G di động D-Link DWR-932C E1: Sóng khỏe, cấu hình trong 5 phút

Bộ phát 4G di động D-Link DWR-932C E1: Sóng khỏe, cấu hình trong 5 phút

Có lẽ, 2 điều ấn tượng nhất đối với Test Lab sau vài ngày sử dụng bộ phát 4G di động này chính là khả năng dễ cấu hình thông qua ứng dụng di động mang tên EZFi và độ ổn định về cường độ thu phát sóng của thiết bị.

Là người anh em gần như song sinh với mẫu DWR-932C từng được Test Lab giới thiệu cách đây ít lâu, DWR-932C E1 có kích thước cực kỳ nhỏ gọn (97x60x16 mm) và nhẹ (95 gam), và tạo ra đôi chút khác biệt bằng cách khoác lên mình bộ cánh bằng nhựa đen nhám, thay vì tông màu đen và cực kỳ bóng bẩy như DWR-932C.

Ở mặt tiền, D-Link DWR-932C E1 bố trí dãy đèn LED thông báo cường độ nguồn phát mạng dữ liệu di động (4 mức), loại kết nối tương ứng của nhà mạng viễn thông, trạng thái Wi-Fi, tin nhắn SMS và trạng thái nguồn pin trên một đường viền được phối tông màu đen bóng.

Về cơ bản, D-Link DWR-932C E1 tương thích tuyệt đối với dịch vụ mạng 3G/4G của các nhà mạng Viettel, MobiFone và VinaPhone, hỗ trợ tốc độ tải xuống và tải lên (lý thuyết) lần lượt ở mức 150MBps và 50MBps.

Đối với các thiết bị kết nối đến, DWR-932C E1 hỗ trợ chuẩn N, và thiết bị này có thể đáp ứng chia sẻ kết nối 3G/4G cho cùng lúc 10 thiết bị, từ smartphone, tablet cho đến laptop.

Mặc định, D-Link cung cấp ngõ micro USB trên DWR-932C để vừa đóng vai trò cổng sạc cho thỏi pin 2.000mAh tích hợp, vừa là giải pháp để biến thiết bị này thành một chiếc modem di động khi sử dụng kết hợp với laptop hay khi cần khai thác thẻ nhớ microSD đi kèm trên DWR-932C E1. 

Đại diện hãng sản xuất cho biết, pin trên DWR-932C E1 hỗ trợ thời gian "lên sóng" khoảng 10 tiếng đồng hồ, hoàn toàn thích hợp cho những ai phải thường xuyên làm việc di động ở công trường, quán cafe hay phải di chuyển liên tục trên ô tô, xe khách mỗi dịp công tác.

Thử nghiệm tại Test Lab cũng cho thấy, cáp USB đi kèm củ sạc trong bộ phụ kiện của DWR-932C E1 khi dùng kết hợp với cổng USB tích hợp trên ô tô hoàn toàn có thể "nạp điện" một cách trơn tru cho thiết bị.

Tuy nhiên, sẽ thật sự trọn vẹn cho người dùng, theo cảm nhận chủ quan của Test Lab, đó là D-Link DWR-932C E1 cần trang bị khe gắn SIM và thẻ nhớ microSD dọc phần hông của thiết bị, đồng thời hỗ trợ tháo lắp nóng (hotswap). 

Cấu hình trong vài phút

Như từng đề cập ngay đầu bài review này, việc cấu hình D-Link DWR-932C E1 ở lần sử dụng đầu tiên phải gọi là "dễ ăn gỏi" bởi tất cả những gì mà người dùng cần làm đó là mở mặt lưng, gắn thẻ SIM, ghi lại SSID và cấu hình mặc định được in ở tem thông số.

Tiếp đến, từ smartphone hay tablet, đăng nhập vào mạng Wi-Fi do DWR-932C phát ra (thường có tên dlink_DWR-932C_xxxx) với mật khẩu mặc định, sau đó khởi chạy ứng dụng EFZi (tải về trước từ Google Play hay App Store).

Sau khi tự động nhận diện ra thiết bị, EFZi sẽ bắt buộc người dùng thực hiện thao tác đăng nhập vào DWR-932C E1 với tài khoản ở mức quản trị (đối với thiết bị), và ngay lập tức thì giao diện điều khiển, cấu hình chính sẽ xuất hiện. Thông thường, tên đăng nhập thiết bị là admin, và mật khẩu là giá trị rỗng (tức không có).

Nhìn chung, với EFZi, chỉ mất chừng 5 phút là bạn có thể hoàn tất việc cấu hình thiết bị phát 4G di động của mình để sẵn sàng "vi vu" khám phá Internet mọi lúc, mọi nơi.

Test Lab cũng thực sự "ưng cái bụng" với chế độ kết nối an toàn WPS mà D-Link DWR-932C E1 hỗ trợ, bằng cách này sẽ giúp người dùng đơn giản hóa khâu xác thực giữa các thiết bị cần kết nối với nhau qua Wi-Fi, đặc biệt khi người dùng không có nhiều kiến thức về mạng.

Về chất lượng kết nối, thử nghiệm trong nhiều ngày với mạng 4G Viettel, Test Lab nhận thấy độ ổn định của D-Link DWR-932C E1 ở mức cao, sóng khỏe.

 

Nhìn chung, nếu đang cần một bộ phát 4G di động để thuận tiện hơn cho công việc thì D-Link DWR-932C E1 là lựa chọn phụ hợp ở mức giá dao động trong khoảng 1,5-1,7 triệu đồng kèm theo đó là khả năng dễ cấu hình, tương thích với mọi nhà mạng 4G hiện có tại Việt Nam.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận