Nếu “vô tình” là chủ SIM rác, bạn có được đền bù?

Nếu “vô tình” là chủ SIM rác, bạn có được đền bù?

Viettel, MobiFone, VinaPhone đều cho biết họ đã nhận được phản ánh của khách hàng về việc bỗng dưng đứng tên nhiều thuê bao lạ. Các nhà mạng cũng hứa sẽ hỗ trợ khách hàng xác thực SIM đang sử dụng thực sự, đồng thời cam kết giảm tình trạng SIM rác. Vậy nếu "vô tình" là chủ nhân của SIM rác, bạn có được đền bù?

Nếu “vô tình” là chủ SIM rác, bạn có được đền bù?

Như đã phản ánh, thời gian qua nhiều thuê bao khi kiểm tra thông tin cá nhân (soạn TTTB gửi 1414 với tất cả các mạng) vô tình phát hiện mình là chủ thuê bao "ma", dù không hề đăng ký thông tin cá nhân cho thuê bao trên. Nhiều khách hàng bày tỏ lo lắng, việc vô tình làm chủ số lạ sẽ khiến họ vướng vào rắc rối nếu số thuê bao kia được sử dụng vào mục đích xấu như đe dọa, tống tiền người khác...

Trả lời về vấn đề trên, các nhà mạng Viettel, Mobifone, Vinaphone cho biết họ đã nhận được phản ánh của khách hàng về việc bỗng dưng đứng tên nhiều thuê bao lạ. Các nhà mạng cho thấy họ đang quyết liệt triển khai các biện pháp thu hồi và hạn chế SIM kích hoạt sẵn trên các kênh phân phối. Nhưng thực tế họ vẫn chưa đơn giản hóa các thủ tục nhằm hỗ trợ khách hàng xóa bỏ thông tin bị đăng ký cho thuê bao "ma", càng chưa nói đến việc đền bù cho những người "bị hại". Và những người "vô tình" là chủ SIM lạ, SIM rác, hay hàng triệu thuê bao từng nhiều ngày phải nhận tin nhắn rác vẫn phải liên hệ với các tổng đài của nhà mạng, ra điểm giao dịch (mang theo SIM gốc, chứng minh nhân dân/hộ chiếu/thẻ căn cước) để đi xác nhận thông tin và hủy số thuê bao không phải của mình.

Một chuyên gia trong lĩnh vực viễn thông nhận định nguyên nhân chính của nạn SIM rác là do các đại lý, nhà mạng đã sử dụng thông tin cá nhân của người dùng để đi kích hoạt thêm hàng loạt SIM khác (SIM kích hoạt sẵn). Những SIM kích hoạt sẵn này được kẻ xấu sử dụng để phát tán tin nhắn rác khắp nơi. Ngoài ra cũng không thể bỏ qua đối tượng phát tán lượng tin nhắn nhiều nhất chính là… các nhà mạng. Hiện chưa có số liệu cụ thể nào về việc mỗi thuê bao của Viettel, Mobifone, Vinaphone phải nhận bao nhiêu tin nhắn rác quảng cáo từ đầu số dịch vụ của nhà mạng mỗi ngày, tuy vậy, con số này chắc chắn không hề nhỏ. Do đó, để xảy ra tình trạng SIM rác, tin nhắn rác thì lỗi trước hết nằm ở nhà mạng do họ đã không bảo đảm bảo mật cho thông tin của người dùng. Vậy nhà mạng sẽ bị xử lý ra sao?

Nghị định 49 được ban hành thể hiện quyết tâm loại bỏ nạn SIM rác và tin nhắn rác của Bộ TT&TT. Trong đó, nghị định 49 cũng quy định phạt từ 800.000 đồng-1 triệu đồng trên mỗi số thuê bao đối với doanh nghiệp viễn thông (tổng số tiền phạt không quá 200 triệu đồng) nếu doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cho thuê bao có thông tin không đúng; thực hiện giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung không đúng quy định. Như vậy nhà mạng sẽ chỉ phải đối mặt mức phạt hành chính cao nhất là 200 triệu đồng, và liệu mức phạt này đã tương xứng với những hậu quả mà SIM rác, tin nhắn rác đã gây ra cho xã hội?

G.K

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận