"Số này của Cảnh sát điều tra quận X. đây!" là xong

"Số này của Cảnh sát điều tra quận X. đây!" là xong

Kết quả cuộc khảo sát của Tuổi Trẻ với 60 khách hàng và 20 người đại diện doanh nghiệp, nhân viên tư vấn, tiếp thị qua điện thoại;75% lịch sự từ chối. 15% lớn tiếng, nặng lời với người gọi. Chỉ 11,7% kiên nhẫn lắng nghe.  

Có 17,6% số người tham gia khảo sát phải nhận hơn 7 cuộc gọi/tuần. 23,3% nhận 4-6 cuộc gọi/tuần, nghĩa là hầu như ngày nào trong tuần cũng bị gọi. Gần một nửa bị gọi 1-3 lần/tuần.

Ảnh: M.H
Ảnh: M.H
Cảm giác không tin tưởng được khi nhận những thông tin quảng cáo qua điện thoại. Tôi thấy các dịch vụ này không thiết thực với cuộc sống, chỉ làm phiền người dân.
Anh TRƯƠNG PHI SỸ (43 tuổi, làm việc tại Trường ĐH KHXH&NV)

Tôi là ôsin, tôi không biết gì đâu!”

Đó là câu nói cửa miệng của một phụ nữ ở Q.10 (TP.HCM) mỗi khi nghe đầu dây bên kia thỏ thẻ giới thiệu một dịch vụ hay sản phẩm mới.

Còn anh Lê Tấn Lực (34 tuổi, kỹ sư bảo trì ở Q.2) đang đi ngoài đường thì có cuộc gọi tới. “Anh là bố bé An phải không?”, câu hỏi của người ở đầu dây bên kia làm anh giật mình hoảng hốt, vội vàng tấp vào lề vì tưởng có chuyện gì xảy ra với con, thì nghe tư vấn quảng cáo. Anh tức giận gắt lên, lập tức cúp máy.

Cuộc khảo sát của Tuổi Trẻ cho thấy từ các bà nội trợ đang dở tay, bác xe ôm đang chạy ngoài đường, nữ giám đốc đang thương thảo một hợp đồng quan trọng với đối tác, sinh viên đang ngồi trong lớp học..., tất cả đều có thể phải dừng lại để nghe một cuộc điện thoại tiếp thị, quảng cáo.

Cảm giác của anh Lực cũng giống như đa số những người nghe bất đắc dĩ của các dịch vụ quảng cáo, tiếp thị: 65% khách hàng cảm thấy khó chịu, thậm chí có tới 26,7% cảm thấy tức giận, ức chế vì bị làm phiền, trong khi 3,33% thấy bình thường.

Hầu như những người chọn cả hai phương án là “bình thường” và “tức giận, ức chế” đều nói thêm: Những cuộc gọi đầu mình còn thông cảm đó là công việc của người ta vì miếng cơm manh áo nên không trách, nhưng sau đó họ cứ bám riết hoặc gọi bất kể giờ giấc, một công ty ba bốn người gọi một ngày... thử hỏi ai mà không nổi điên lên được?

Có 4 trong tổng số 60 người nói cảm thấy hào hứng, thú vị với cuộc gọi này, nhưng không phải vì nội dung các cuộc gọi, mà vì “nghe tiếng nhân viên tiếp thị dễ thương, lại đang rảnh nên nghe cũng vui”, một người trong số đó giải thích.

Ảnh: M.H
Ảnh: M.H
Nếu điền thông tin vào các phiếu đăng ký thì nên cho email thôi, đừng cho số điện thoại, mà cũng nên cẩn thận đừng cho email chính. Đề nghị nhà mạng nên có cú pháp nhắn tin để mình báo số điện thoại hay làm phiền người khác.
Chị BÙI NGỌC THẢO TRANG (20 tuổi, sinh viên)

Cân nhắc khi điền 
thông tin cá nhân

“Một lần đi siêu thị, người bạn của tôi sau khi nhận mẫu dùng thử của một spa thì điền số điện thoại của tôi vào danh sách khách hàng.

Vậy là spa đó liên tục gọi điện cho tôi, mời đến chăm sóc toàn thân. Tôi đã chặn số điện thoại, nhưng vài hôm sau họ lại dùng số khác để tiếp tục gọi” - chị Hoàng Thu Khanh (43 tuổi, quản lý một salon trưng bày xe hơi) nói.

Một trường hợp khác, chị Hồ Trúc Minh Anh (48 tuổi, ở Q.3, bác sĩ) có thời gian cho con đi học luyện thi, có thể từ đây thông tin về con chị đã được đưa vào bộ nhớ. Hậu quả là suốt mùa thi năm đó, một ngày chị nhận được mấy cuộc gọi của các trung tâm tư vấn du học, rồi các trung tâm gia sư cũng thi nhau gọi.

Để tránh phiền toái, 48,3% rút ra bài học là phải hết sức cẩn trọng khi điền thông tin cá nhân của mình vào các bảng đăng ký dưới mọi hình thức. Bởi đó có thể là hành động “tự mua dây buộc vào mình”, nếu như chẳng may số điện thoại của bạn lọt vào danh sách được “chăm sóc đặc biệt” của các công ty đang tiếp thị, quảng cáo.

Vì công việc, có ngày một nhân viên được giao gọi từ 50-200 số điện thoại, nếu thành công mới có tiền hoa hồng trích lại, nếu không sẽ chỉ có khoản thu nhập cơ bản rất thấp.

Tuy vậy, khi khảo sát về thái độ, phản ứng của khách hàng, nhóm telesale này cho biết một kết quả “cay đắng” hơn nhiều so với câu trả lời của khách. 70% nhân viên bán hàng qua điện thoại nói họ bị lớn tiếng, nặng lời; trong khi chỉ 15% người nghe cho biết họ đã làm như vậy.

Dù bị phản ứng dữ dội như vậy, nhưng có tới 70% công ty và nhân viên khẳng định họ sẽ tiếp tục duy trì việc gọi điện tìm kiếm khách hàng, bởi “hiệu quả ít nhưng dù sao có còn hơn không”.

Thực tế, cách này cũng khá hiệu quả với một vài công ty, đó là cập nhật, giới thiệu sản phẩm sữa bột mới cho khách hàng đang dùng sản phẩm, giới thiệu dịch vụ mới cho những khách hàng cũ... Điểm chung của những công ty này là đã có mối liên hệ trước đó với khách hàng.

Còn lại, những cuộc gọi mà hai bên chưa từng biết nhau thường khó đạt kết quả: có tới 88,3% người nghe điện thoại nói rằng họ không bao giờ sử dụng dịch vụ, sản phẩm được giới thiệu qua điện thoại.

Khi bị làm phiền, có 35% người báo cáo nhà mạng về các số điện thoại, con số này ít hơn rất nhiều so với tỉ lệ người âm thầm chịu đựng dù khó chịu, bực mình: 48,3%. Điều này đặt ra một vấn đề đáng suy nghĩ: nhà mạng là người cung cấp dịch vụ nhưng không thể đảm bảo sự thoải mái cho khách hàng. Vai trò của họ và các cơ quan quản lý ở đâu? “.

Thậm chí ngay cả nhà mạng cũng làm phiền mình liên tục bằng cách tới tấp gửi tin nhắn, rồi tổng đài tự động gọi liên tục thì còn biết trông vào đâu?” - anh Cao Thanh Bình, một khách hàng, ngán ngẩm.

Trung Quốc phạt nặng nơi phát tán 
tin nhắn rác

Để ngăn chặn tin nhắn rác và thư điện tử rác hoành hành, hồi tháng 10-2014 Bộ Công nghiệp và công nghệ thông tin Trung Quốc (MIIT) phạt 30.000 nhân dân tệ (hơn 4.600 USD) đối với cá nhân và tổ chức phát tán tin nhắn rác mà không được sự đồng ý của người nhận.

Thời điểm đó, tin nhắn rác thường được gửi qua các ứng dụng trên mạng xã hội như dịch vụ nhắn tin miễn phí Wechat hoặc gửi thông qua mạng xã hội như Sina Weibo.

Báo South China Morning Post dẫn dữ liệu từ Công ty an ninh mạng Kaspersky cho biết có khoảng 200 tỉ tin nhắn rác đã được phát tán đến người sử dụng điện thoại di động trên toàn Trung Quốc, vào khoảng sáu tháng đầu năm 2013.

Hiện nay, như anh Ngô Sinh đang sống ở Thượng Hải cho Tuổi Trẻ biết thì mỗi ngày có từ một đến vài tin nhắn rác gửi đến điện thoại di động của anh so với hàng chục tin nhắn như trước đây.

Theo anh Ngô, điều này chứng tỏ lượng tin nhắn rác đã giảm đáng kể nhưng nhà mạng vẫn chưa chấp hành triệt để quy định của MIIT.

Tân Hoa xã cho biết có hai nguyên nhân khiến khó dẹp được nạn tin nhắn rác. Thứ nhất, do nhà mạng không quyết liệt ngăn chặn tình trạng này. Thứ hai, cơ quan chức năng còn lúng túng trong việc điều tra nguồn gốc xuất phát tin nhắn rác.

Thêm vào đó còn do rất nhiều nhà khai thác viễn thông cấu kết với người gửi tin nhắn để thu lợi. Chẳng hạn, Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) cho biết Tập đoàn China Telecom từng cho phép một số công ty gửi thư điện tử rác đến điện thoại và máy tính của người dùng. Đổi lại, China Telecom khỏi phải trả tiền quảng cáo cho các doanh nghiệp này.

MỸ LOAN

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận