Thiết bị đeo: Đa dạng sản phẩm chăm sóc sức khỏe

Thiết bị đeo: Đa dạng sản phẩm chăm sóc sức khỏe

Theo công bố mới đây của công ty phân tích thị trường Strategy Analytics, doanh số của Apple Watch trong quý 3/2015 đạt được rất cao và ngoài dự kiến của giới phân tích. Theo công ty này, Apple Watch hiện đang thống trị thị trường smartwatch toàn cầu và chiếm tới 75,5% tổng doanh thu trong quý đầu tiên. Trong khi đó, doanh số bán ra của các dòng đồng hồ thông minh của Samsung chỉ chiếm 7,5%, các hãng còn lại gồm Motorola, Asus, LG… chiếm 17%.

Thiết bị đeo: Đa dạng sản phẩm chăm sóc sức khỏe

Liệu trong năm 2016, Apple sẽ tiếp tục giữ vững vị trí này với dòng Apple Watch thế hệ thứ 2! Riêng ở mảng thiết bị đeo chăm sóc sức khỏe thì Fitbit hiện đang giữ vị trí số 1 khi chiếm tới 50% trong tổng số các thiết bị Health and Fitness Wearable bán ra (theo thống kê của hãng Canalys mới đây).

Thị trường thiết bị đeo tiếp tục tăng trưởng nhanh
Theo số liệu thống kê của eMarketer, trong năm 2015 có đến 39,5 triệu người dùng từ 18 tuổi trở lên mua và sử dụng các thiết bị đeo, bao gồm cả đồng hồ thông minh và thiết bị giám sát sức khỏe (fitness tracker). Con số này tăng lên 57,7% so với năm 2014. Cũng theo nhận định của công ty eMarketer, sự tăng trưởng mạnh về lượng người dùng ở mảng thiết bị tương đối mới này trong năm qua hứa hẹn năm 2016 sẽ là năm “bùng nổ” của thiết bị đeo với hơn 81,7 triệu người dùng.

Thiết bị đeo: Đa dạng sản phẩm chăm sóc sức khỏe

Đồng hồ thông minh không giết chết thiết bị chăm sóc sức khỏe
Phản bác lại các ý kiến trước đây về việc đồng hồ thông minh sẽ khiến thiết bị chăm sóc sức khỏe biến mất vì kém tính năng, các nhà quan sát công nghệ mới đây cho rằng thời điểm “tàn” của việc kinh doanh vòng đeo tay chăm sóc sức khỏe sẽ không diễn ra.

Theo số liệu của IDC, Apple đã bán ra 7,5 triệu đồng hồ thông minh Apple Watch trong 2 quý cuối của năm 2015. Trong khi đó, cùng thời điểm này thì hãng Fitbit đã bán ra khoảng 9,2 triệu thiết bị chăm sóc sức khỏe, con số này gấp đôi doanh số cùng kỳ của năm 2014 của Fitbit.
Số liệu thực tế này cho thấy vòng đeo tay hay các thiết bị chăm sóc sức khỏe đơn thuần với tính năng hạn chế có mức giá từ 100 đến 200 USD sẽ không chỉ tiếp tục tồn tại mà còn có tốc độ tăng trưởng nhanh trong năm 2016 và trong những năm tiếp theo.

Fitbit sẽ tiếp tục thống trị thị trường thiết bị chăm sóc sức khỏe
Theo báo cáo “Thiết bị đeo và Người tiêu dùng trong năm 2015”  được công bố mới đây của Tập đoàn NPD Group, Fitbit sẽ tiếp tục giữ vững vị trí đứng đầu trong các thương hiệu sản xuất thiết bị theo dõi và chăm sóc sức khỏe. Cổ phiếu của Fitbit đã tăng lên 13% kể từ tháng 2 đến tháng 10/2015.

Thiết bị đeo: Đa dạng sản phẩm chăm sóc sức khỏe
Các sản phẩm của Fitbit vẫn tiếp tục được sự đón nhận của người dùng toàn cầu.

Báo cáo này cũng nhận định rằng, người dùng hiện tại có xu hướng thích chọn các sản phẩm thiết bị đeo có thương hiệu giống như Fitbit, mặc dù có nhiều thương hiệu mới khác với những ưu thế hơn về mẫu mã và tính năng. Điều này cũng đã khẳng định được vị thế của Fitbit và việc hãng này tiếp tục thống trị thị trường thiết bị chăm sóc sức khỏe trong thời gian tới.

Cạnh tranh ngày càng quyết liệt
Hiện tại thị trường thiết bị đeo đang ngày thêm sôi động nhờ sự tham gia của các nhà sản xuất đến từ Trung Quốc, nhất là Xiaomi và Huawei. IDC ước tính trong tổng số các sản phẩm theo dõi sức khỏe của Trung Quốc được bán trên thị trường hiện nay thì có đến 97% sản phẩm mang thương hiệu Xiaomi. Thương hiệu này hiện đang lớn mạnh, đang vượt ra ngoài phạm vi Trung Quốc và trở thành đối thủ đáng gờm của các thương hiệu tên tuổi khác, trong đó có Fitbit.

Đặc điểm lớn nhất của các sản phẩm này là có mức giá khá rẻ. Chẳng hạn như mẫu Xiaomi Mi Band được bán ra chỉ có 15 USD (hơn 300.000 đồng), rẻ hơn nhiều lần so với các sản phẩm của Fitbit, đơn cử như dòng Fitbit Zip có mức giá thấp nhất cũng phải 60 USD (hơn 1,2 triệu đồng).

Thiết bị đeo: Đa dạng sản phẩm chăm sóc sức khỏe
Các mẫu thiết bị đeo của Trung Quốc thường nhiều mẫu mã đẹp và có mức giá rẻ.
Thiết bị đeo: Đa dạng sản phẩm chăm sóc sức khỏe

Bên cạnh đó, sự chuyển hướng của những công ty chuyên sản xuất các thiết bị định vị, dẫn đường trước đây sang mảng thiết bị đeo cũng khiến cho Fitbit cũng phải dè chừng. Chẳng hạn như Garmin, hiện tại hãng này đang chuyển sang sản xuất các thiết bị đeo hỗ trợ hoạt động thể thao như tập thể dục, chạy bộ, chơi golf, bơi lội, leo núi…

Với những nỗ lực trong việc chuyển đổi mục tiêu, Garmin hiện đang trở thành tên tuổi được lựa chọn hàng đầu của các vận động viên chuyên nghiệp. Theo một khảo sát trên 221 vận động viên tại Mỹ, có đến 91% trong tổng số người được khảo sát cho biết đang dùng sản phẩm của Garmin để chạy bộ, và 70% chọn Garmin là thương hiệu đáng tin cậy. Điều này cho thấy, vị trí của Fitbit mặc dù khá vững chắc nhưng không phải là an toàn trong bối cảnh cạnh tranh đang ngày càng tăng trên thị trường thiết bị đeo đầy triển vọng.

Thế hệ cảm biến mới được đưa vào sử dụng
Trong chia sẻ mới đây với tạp chí Time, James Park - đồng sáng lập kiêm CEO của Fitbit cho biết thế hệ cảm biến cải tiến (advanced sensors) mới sẽ được phát hành trong thời gian tới. Thế hệ cảm biến mới này sẽ có khả năng thu thập các số liệu chính xác và thông minh hơn. Chẳng hạn, các chỉ số về hoạt động, giấc ngủ và dinh dưỡng được thu thập bởi cảm biến mới này có khả năng phân loại và chẩn đoán được nguy cơ xảy ra các chứng bệnh về huyết áp, căng thẳng, tiểu đường, bệnh tim hay béo phì … Ngoài ra, các nhà phát triển bên thứ ba cũng có thể khai thác được các sức mạnh của cảm biến này để tăng tính hữu ích cho ứng dụng của mình.

Vận động viên chuyên nghiệp trang bị phục trang thông minh
Theo Juniper Research, các thiết bị đeo hỗ trợ tập thể dục sẽ tạo ra doanh thu 10 tỷ USD vào năm 2020, tăng gấp 3 lần so với 3,3 tỷ USD trong năm 2015. Cũng theo dự đoán của công ty này, để có được doanh thu “khủng” như vậy, thị trường thiết bị đeo sẽ đón nhận sự xuất hiện ồ ạt các mẫu phục trang thông minh (smart clothing), được sử dụng rộng rãi bên cạnh các thiết bị đeo tay khác. Cụ thể, vào năm 2016, các đội thể thao chuyên nghiệp sẽ được trang bị trang phục loại này để theo dõi hiệu quả của việc luyện tập trong quá trình đào tạo. Liên đoàn Bóng đá Quốc gia Mỹ (NFL) đã bắt đầu hợp tác với Microsoft và Zebra Technologies để trang bị các thiết bị thông minh chuyên dụng này cho các cầu thủ trong giải đấu chuyên nghiệp.

Thiết bị đeo: Đa dạng sản phẩm chăm sóc sức khỏe
Phục trang thông minh sẽ phổ biến, nhất là trong hoạt động thể thao chuyên nghiệp trong năm 2016.

Hiện đã có một số nhà cung cấp nổi tiếng bắt đầu bán ra các mẫu quần áo thông minh cho người dùng đại chúng. Lấy ví dụ như áo PoloTech của Ralph Lauren được bán ra với giá 300 USD dùng để đo nhịp tim, nhịp thở, giám sát sự cân bằng và các yếu tố sinh trắc học khác.

Tập trung vào chức năng chăm sóc giấc ngủ
Các thiết bị đeo được ra mắt trong năm 2016 sẽ tiếp tục bổ sung thêm chức năng quan trọng còn thiếu ở các sản phẩm trước, đó là giám sát giấc ngủ. Với chức năng này, giấc ngủ và hoạt động nghỉ ngơi của người dùng cũng sẽ được theo dõi sát sao dựa trên các cảm biến tích hợp.

Thiết bị đeo: Đa dạng sản phẩm chăm sóc sức khỏe
Hệ thống theo dõi và chăm sóc giấc ngủ Nuyu Sleep System.

Dữ liệu thu thập sẽ được phân tích bởi các ứng dụng trên thiết bị di động để từ đó đưa ra lời khuyên cho người dùng  nhằm có được chế độ, phương pháp nghỉ ngơi thích hợp. Thậm chí các thiết bị mới cũng sẽ có khả năng kiểm soát nhịp tim, nhiệt độ và chất lượng giấc ngủ của người dùng thông qua các cảm biến, và gửi tín hiệu cho các thiết bị trong nhà khác để tự động điều chỉnh sao cho phù hợp. Một thiết bị hỗ trợ giấc ngủ đã được thương mại mới đây là Nuyu Sleep System cũng có khả năng thực hiện chức năng này (giám sát và điều chỉnh nhiệt độ, điều kiện phòng ngủ để chủ nhân có được giấc ngủ sâu nhất). Tuy nhiên phương thức hoạt động phức tạp và thiết kế khá cồng kềnh.

Thiết bị đeo - mục tiêu mới của hacker
Bộ phận Bảo mật và An ninh mạng của Intel mới đây đã đưa ra cảnh báo rằng, khi thiết bị đeo trở nên phổ biến, hacker sẽ chuyển mục tiêu, hướng sang tấn công các vòng đeo tay thông minh hay smartwatch. Hiện tại, phần lớn các thiết bị đeo làm nhiệm vụ thu thập dữ liệu (chủ yếu là dữ liệu liên quan đến sức khỏe, điều kiện môi trường xung quanh, thông tin vị trí dựa trên GPS…) và chuyển đến các ứng dụng di động trên máy tính bảng hoặc smartphone để xử lý. Đa số các thiết bị này sử dụng chuẩn Bluetooth LE tiêu thụ điện năng thấp để truyền tải dữ liệu, do đó việc tấn công không hề là chuyện phức tạp với giới hacker chuyên nghiệp.

Do đó, vấn đề bảo mật cho thiết bị đeo nói chung và các thiết bị đeo vận hành trong thế giới IoT nói riêng phải rất được chú trọng. Đối với các công ty hay tập đoàn, cần có sự kiểm soát chặt chẽ của bộ phận quản trị, an ninh mạng để không xảy ra tình trạng mất dữ liệu, thông tin quan trọng do thiết bị đeo gây ra.

PC WORLD VN, 02/2016
 

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận