Trí tuệ nhân tạo, màn hình dẻo sẽ là xu hướng mới trên smartphone

Trí tuệ nhân tạo, màn hình dẻo sẽ là xu hướng mới trên smartphone

Màn hình dẻo

Smartphone cao cấp hiện nay có phần màn hình rất rộng, thể hiện qua các mẫu màn hình “vô cực” của Samsung, các máy của Xiaomi, LG hay iPhone X mới đây. Tất cả các máy đều cho trải nghiệm cực kỳ thích mắt do phần hiển thị rộng rãi, tuy nhiên muốn màn hình to hơn nữa mà kích thước vẫn giữ nguyên là điều không thể.

Một số nhà sản xuất tiêu biểu như Samsung đã tìm ra cách để giải quyết bài toán này với phương án chế tạo smartphone có màn hình gập được. Một lãnh đạo bộ phận phát triển di động của Samsung đã xác nhận rằng hãng này sẽ ra mắt smartphone màn hình gập lại vào năm 2018.

Trước đó, Samsung đã làm việc trên những phiên bản thử nghiệm với công nghệ màn hình gập sử dụng tấm nền OLED dẻo từ lâu. Tại CES năm 2011, Samsung đã giới thiệu màn hình AMOLED 4,5 inch có thể bẻ cong. Và cũng vào cuối năm này, mẫu thử điện thoại gập được cũng đã được hoàn tất. Trong suốt một thời gian dài trong phòng thử nghiệm, smartphone màn hình gập được dường như đã rất sẵn sàng để ra mắt người dùng.

Trí tuệ nhân tạo, màn hình dẻo sẽ là xu hướng mới trên smartphone

Màn hình dẻo AMOLED của Samsung.

Không chỉ Samsung, Lenovo ngay từ giữa năm 2016 đã giới thiệu mẫu thử smartphone gập được trong hình hài của đồng hồ thông minh có thể đeo vào cổ tay: C Plus. Cùng với smartphone màn hình gập được, Lenovo cũng ra mắt Folio – chiếc tablet với màn hình 7,8 inch có thể gập đôi lại thành một smartphone hai màn hình 5,5 inch gọn gàng.Điều trở ngại duy nhất hiện tại chính là công nghệ màn hình vô cực Infinity vẫn đang là “con gà đẻ trứng vàng” cho những flagship mới của Samsung. Và nhà sản xuất Hàn Quốc chắc chắn sẽ phải tạm hoãn kế hoạch ra mắt smartphone gập được để tránh việc cả hai dòng sản phẩm cạnh tranh, phủ định lẫn nhau.

Thành tựu phát triển của các nhà sản xuất trên hứa hẹn mở ra xu hướng mới về công nghệ màn hình tích hợp trên smartphone giúp tối đa diện tích hiển thị đồng thời giải được bài toán kích thước.

Màn hình 3D

Màn hình tiếp tục là tâm điểm cải tiến khi nhiều nhà sản xuất tiếp tục xu thế đua công nghệ 3D trở lại. Nhưng khác với trào lưu 3D không cần kính trên smartphone dựa vào công nghệ rào cản thị sai từng nhen nhóm rồi chợt tắt trên những chiếc LG Optimus 3D hay HTC Evo 3D xuất hiện từ đầu thập kỷ này, công nghệ 3D mới sẽ xuất hiện với màn hình Holographic dùng nhiều lớp LCD với ánh sáng từ tấm nền được định hướng cho phép hai mắt người dùng nhìn thấy được hai góc khác nhau của cùng một vật thể để tạo nên hiệu ứng 3D không cần kính.

Ý tưởng về màn hình 3D sắp được hiện thực bởi việc hợp tác phát triển bởi hãng RED và công ty Leia Inc. Khác với công nghệ thực tế ảo và thực tế ảo tăng cường thông qua các thiết bị hỗ trợ như kính Microsoft Hololens, công nghệ hiển thị 3D mới này sẽ đưa người dùng tiến đến gần hơn với thế giới khoa học viễn tưởng mà không cần phải dán mắt vào những chiếc kính thực tế ảo vướng víu, cồng kềnh.

Công nghệ hiển thị holographic hoạt động dựa trên hiện tượng nhiễu xạ, khi các chùm sáng từ bến dưới chiếu qua lớp cấu trúc nano quang và tập trung tạo ra hình ảnh 3D của vật thể tựa như đang lơ lửng ngay bên trên màn hình. Và nếu kết hợp với công nghệ nhận dạng cử chỉ của Synaptics, người dùng hoàn toàn có thể tương tác với các vật thể 3D nổi trên màn hình này.

Ta sẽ sớm được trải nghiệm màn hình 3D “viễn tưởng” thông qua Hydrogen One, chiếc điện thoại đầu tiên hỗ trợ trình chiếu holographic, dự kiến được RED đưa lên kệ vào đầu năm 2018.

Trí tuệ nhân tạo, màn hình dẻo sẽ là xu hướng mới trên smartphone

Phiên bản mô hình của RED Hydrogen One , chiếc smartphone sẽ có hình ảnh 3D nổi trên bề mặt máy.

Cuộc đua camera phone mới

Nếu chỉ dừng lại ở mức cải tiến nhẹ thì chắc chắn việc gia tăng khẩu độ, hỗ trợ tính năng chống rung tốt hơn và cải thiện chất lượng quang học sẽ là những chi tiết được các nhà sản xuất tập trung trong tương lai gần.

Khi khẩu độ trên camera smartphone hiện tại dao động quanh mức f/2.0 thì các máy flagship đang tiến xa hơn, các smartphone đầu bảng hiện đã được tích hợp ống kính khẩu độ mở lớn hơn, f/1.7 trên Samsung Galaxy S8 hay f/1.6 trên LG V30, nhằm mục đích tăng khả năng thu sáng, giảm nhiễu khi chụp ảnh.

Bên cạnh đó, các nhà sản xuất cũng sẽ chú trọng hơn vào cấu trúc quang học bằng cách hợp tác với các công ty sản xuất ống kính chuyên nghiệp, điển hình là mối lương duyên giữa Huawei với Leica, HMD với Carl Zeiss… Và thay vì tăng tối đa số chấm như trước kia, các smartphone hiện tại đang có dấu hiệu giảm dần độ phân giải và chú tâm vào gia tăng kích thước từng điểm ảnh, tiên phong là HTC Ultrapixel, nhằm tăng cường khả năng thu sáng, giảm nhiễu.

Dù hiện tại vẫn đang là thời đại của hệ thống camera kép trên smartphone, nhưng cũng không loại trừ khả năng xu hướng camera tiếp theo trên smartphone sẽ là cuộc đua gia tăng về số lượng máy ảnh nhằm phục vụ nhu cầu đa dạng hơn.

Ví dụ như thay vì chỉ hỗ trợ zoom quang 2X với camera kép trên iPhone 7 Plus, Xiaomi Mi 6… hiện tại, smartphone tương lai sẽ hỗ trợ nhiều mức zoom khác nhau khi tăng thêm camera. Hay mô-đun camera trên smartphone tương lai sẽ đa năng hơn với khả năng chụp góc rộng, như các sản phẩm của LG, nhưng cũng đồng thời hỗ trợ zoom quang bằng cách bổ sung thêm camera có góc chụp tương ứng.

Sony cũng vừa tiết lộ khả năng thú vị của camera trên smartphone thông qua việc giới thiệu Xperia XZ1 có thể chụp quét vật thể 3D. Trong tương lai, khi các máy in 3D phổ biến hơn trong đời sống, thì việc smartphone hỗ trợ công nghệ chụp vật thể 3D như XZ1 sẽ mang tính thực tế nhiều hơn.

Trí tuệ nhân tạo, màn hình dẻo sẽ là xu hướng mới trên smartphone

Sony XZ1 với khả năng chụp hình khối 3D.

Trí tuệ nhân tạo và một vài xu hướng khác

Cùng với sự phát triển từng ngày của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), smartphone trong tương lai chắc chắn sẽ được tích hợp chặt chẽ hơn AI vào trong các hoạt động.

Hiện tại, công nghệ AI đã xuất hiện trên smartphone quá các trợ lí ảo tích hợp: Google Assistant, Apple Siri, HTC Sense Companion, Samsung Bixby… Hay như Bphone 2017 mới đây cũng được giới thiệu với camera hỗ trợ AI nhằm cải thiện chất lượng ảnh.

Trí tuệ nhân tạo, màn hình dẻo sẽ là xu hướng mới trên smartphone

"Bóp" để điều khiển trên HTC U11 có thể sử dụng rộng rãi nếu ứng dụng tốt.

Ngay cả tính năng “bóp viền cảm ứng” trên HTC U11 hoàn toàn có thể được nhân rộng ra thành xu hướng chung trên smartphone nếu được hoàn thiện về mặt tương tác với người dùng và thực tế sử dụng cho thấy rõ được tính hữu ích của nó.

Dù không được lên kệ rầm rộ, nhưng việc phát triển smartphone 2 màn hình vẫn được các nhà sản xuất lưu tâm với các đại diện từ LG (V10), YotaPhone, Meizu (M7 Pro)…

Chưa cần bàn đến tác dụng cụ thể của màn hình phụ trên từng smartphone, việc trang bị hơn một màn hình trên smartphone sẽ cung cấp cho người dùng tùy chọn hiển thị đa dạng hơn và chắc chắn xu hướng này sẽ bùng nổ nếu người dùng thực sự cần. Ví dụ như màn hình phụ phía sau sẽ hỗ trợ người dùng tự chụp thông qua camera chính phía sau chuẩn hơn. Nhờ vậy, nhà sản xuất chỉ cần tập trung hoàn thiện camera sau thay vì phải phân phối “tài và lực” cho cả camera trước và sau.

Công nghệ pin trên smartphone trong tương lai sẽ sớm khắc phục được vấn đề muôn thuở vời thời gian dùng pin lẫn thời gian sạc thông qua những thành tựu từ phòng thí nghiệm như “siêu tụ điện” nếu khả thi cho việc thương mại hóa. Việc sạc pin cũng sẽ linh hoạt hơn nếu tính năng sạc không dây tiến hóa thêm một bước là có thể tiếp nhận năng lượng thông qua mạng lưới các hotspot WiFi.  

Cuối cùng, các xu hướng công nghệ đang bị lờ đi như thiết kế điện thoại mô-đun có thể sẽ “trở lại và lợi hại hơn xưa” khi các nhà sản xuất tìm được tiếng nói chung về những tiêu chuẩn thống nhất.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận