Vì sao Apple phải đợi Amazon Echo ra mắt được 3 năm mới chịu trình làng HomePod?

Vì sao Apple phải đợi Amazon Echo ra mắt được 3 năm mới chịu trình làng HomePod?

Chiếc loa thông minh của Apple ban đầu chỉ là một dự án phụ "làm cho vui" và từng "chết đi sống lại" khá nhiều lần.

> Apple đặt mục tiêu bán 4 triệu chiếc HomePod trong năm tới

> Apple HomePod: Một nghề thì sống, đống nghề thì chết

Vì sao Apple phải đợi Amazon Echo ra mắt được 3 năm mới chịu trình làng HomePod?

Theo Bloomberg, các kỹ sư âm thanh của Apple đã từng nghiên cứu một phiên bản sơ khai của loa HomePod được khoảng 2 năm trong năm 2014, khi họ bị "shock" bởi chiếc Echo, loa thông minh của Amazon với trợ lý ảo có tên gọi là Alexa. Khi đó, những kỹ sư ấy đã đùa rằng họ đã rò rỉ chi tiết dự án của mình cho Amazon, sau đó mua một chiếc Echo để tháo tung các bộ phận và xem chúng được thiết kế như thế nào. Họ nhanh chóng kết luận rằng chất lượng âm thanh của Echo còn rất kém và quay trở lại làm việc để tạo nên một chiếc loa tốt hơn.

Hơn hai năm đã trôi qua. Trong khoảng thời gian này, Echo đã trở thành một cơn sốt khi những người tiêu dùng cảm thấy rất ấn tượng với khả năng trả lời câu hỏi, đặt bánh pizza và bật tắt đèn của Alexa. Apple, ngược lại, lại quá chần chừ với sản phẩm của mình. Dự án đã "chết đi sống lại" khá nhiều lần và trải qua nhiều hình dạng khác nhau (đã có lúc nó được thiết kế cao tới gần 1 mét), khi các giám đốc của Apple gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm ra cách để HomePod trở nên phù hợp với ngôi nhà và hệ sinh thái của Apple.

Chỉ là loa nghe nhạc đơn thuần, không phải là đối thủ của Amazon Echo

Rốt cuộc, Apple trở nên dứt khoát, cho rằng việc tạo ra một chiếc loa thông minh sẽ tạo thêm một lý do để khách hàng trung thành với mình. Tuy họ có mọi thứ cần thiết để tạo ra một đối thủ nặng ký cho Echo – bao gồm Siri và App Store – nhưng Apple chỉ coi HomePod không khác gì một phụ kiện, như tai nghe AirPods vậy.

Vì sao Apple phải đợi Amazon Echo ra mắt được 3 năm mới chịu trình làng HomePod?

Giám đốc tiếp thị của Apple Phil Schiller ra mắt chiếc HomePod tại WWDC 2017 (ảnh : Justin Sullivan)

Kết quả là, khi chiếc loa trị giá 350 USD (gần 8 triệu đồng) của Apple lên kệ vào đầu năm sau (Apple mới đây đã thông báo sẽ lùi ngày lên kệ của HomePod), nó sẽ không thể làm được nhiều thứ như Echo.

Amazon cung cấp hàng nghìn "kỹ năng" (các ứng dụng kích hoạt bằng giọng nói) cho phép người dùng làm được rất nhiều thứ (bao gồm cả việc mua hàng trên Amazon). Google Home Mini, chiếc loa của Google ra mắt đầu năm nay cũng được trang bị những tính năng tương tự. Khả năng của HomePod sẽ chỉ dừng lại ở mức chơi nhạc từ Apple Music, điều khiển các thiết bị gia đình thông minh đã được Apple tối ưu hóa và gửi tin nhắn qua iPhone.

HomePod ban đầu chỉ là một dự án phụ được tạo ra bởi các kỹ sư âm thanh bộ phận thiết kế máy Mac, những người muốn tạo ra một chiếc loa có chất lượng âm thanh tốt hơn những sản phẩm của Bose, JBL và Harman Kardon. Các dự án phụ như thế này không phải là không phổ biến tại Apple, nơi các nhân viên được khuyến khích làm những gì mình muốn, miễn là công việc thường ngày của họ được đặt lên hàng đầu.

Các kỹ sư muốn tạo ra một sản phẩm dành riêng cho những tín đồ âm nhạc, hoàn thiện một công nghệ được nhiều người mong đợi có tên là "beam forming". Công nghệ này sẽ hướng âm thanh đến những nơi cụ thể trong phòng, tạo ra không gian âm thanh 3-D. (Sonos đã ra mắt một loa thông minh với "beam forming" vào tháng 10; Google Home Max xuất hiện vào tháng tới cũng được trang bị tính năng tương tự. Các microphone của Amazon Echo dùng "beam forming" để có thể nghe lệnh từ mọi nơi trong phòng.)

Miệt mài chỉ để tạo ra một món phụ kiện nghe nhạc hoàn hảo

Sau khi Apple quyết định sử dụng "beam forming", các nhà thiết kế bắt đầu thử nghiệm với nhiều hình dáng khác nhau. Một nguyên mẫu của HomePod từng trông giống một tấm nền phẳng với màn hình lưới ở phía trước. Một nguyên mẫu khác thì cao gấp 5 lần so với chiếc HomePod mà bạn thấy ngày nay và được kết hợp từ nhiều chiếc loa. Có thời điểm, Apple cân nhắc việc bán HomePod dưới thương hiệu Beats, nhưng ý tưởng này đã bị loại bỏ. Việc đặt thêm một loa trầm để tăng chất lượng âm thanh cũng đã từng được đưa ra thảo luận. Qua thời gian, chiếc tủ của các kỹ sư Apple chứa đầy nguyên mẫu của HomePod, giống như một viện bảo tàng mini vậy.

Hai năm sau khi bắt đầu phát triển, dự án phụ này mới có tên mã chính thức (B238) và được đặt trong bộ phận phụ kiện của Apple, nơi làm ra những tai nghe AirPods và được điều hành bởi Gary Geaves, người từng là giám đốc nghiên cứu và phát triển của công ty âm thanh Bowers & Wilkins. Khi dự án HomePod có được đội ngũ thiết kế cho riêng mình, các kỹ sư đã được chuyển tới Valley Green 1, một văn phòng gần trụ sở chính của Apple tại Cupertino, California.

Apple đã phát triển loa của mình trong các phòng âm thanh với thiết kế đặc biệt, đồng thời xây dựng một "bộ ba" không gian thử nghiệm được mô phỏng theo thế giới thực: một kí túc xá đại học, một phòng khách và một studio. Đến năm 2016, Apple thử nghiệm đưa HomePod vào trong các hộ gia đình của những nhân viên không liên quan đến dự án phát triển để có thể có được những phản hồi khách quan nhất. Sau đó, Apple cũng yêu cầu các nhân viên của một số cửa hàng bán lẻ trên toàn thế giới trải nghiệm HomePod.

6 microphone của HomePod đã được tối ưu hóa để nhận lệnh thông qua các đoạn hội thoại, bật máy giặt và TV. Đế của HomePod được thiết kế để không bị đổ khi bị tác động nhẹ. Những người thử nghiệm thậm chí còn thả rơi chiếc loa ở nhiều độ cao khác nhau và "ném" nó vào một căn phòng với nhiều trẻ con để xem liệu nó có sống sót không.

Vì sao Apple phải đợi Amazon Echo ra mắt được 3 năm mới chịu trình làng HomePod?

Nguyên mẫu của loa HomePod được trưng bày tại WWDC (ảnh: Justin Sullivan)

Trong khi các kỹ sư của Apple lao vào nghiên cứu, Amazon cho ra mắt Echo. Tuy chính thức được gọi là một chiếc loa, nhưng tính năng đáng chú ý nhất của Echo lại là Alexa. Khi đó, trợ lý ảo của Apple, Siri, đã có tuổi đời 3 năm và hầu như không còn lỗi nào nghiêm trọng. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu Siri lại được thông báo rằng thế mạnh của HomePod là âm nhạc và chất lượng âm thanh. Đúng, chiếc loa sẽ được điều khiển bằng giọng nói nhưng sẽ không hề được coi là một trợ lý cá nhân. Tính đến năm nay, HomePod mới chỉ là một trong số bốn hoặc năm lĩnh vực mà nhóm nghiên cứu Siri làm việc cùng.

Echo là một sản phẩm độc lập thực sự ở trung tâm của một hệ sinh thái. Hệ điều hành dựa trên đám mây đã giúp các nhà phát triển có thể tạo ra hàng nghìn ứng dụng kích hoạt bằng giọng nói. Ngược lại, HomePod giống như một tiện ích mở rộng của iPhone, như một phụ kiện. Khi người dùng yêu cầu HomePod mở một ứng dụng của bên thứ ba, yêu cầu này sẽ không đi thẳng tới đám mây như Echo mà đi tới iPhone. Kết quả là, các nhà phát triển không thể viết ứng dụng cho HomePod, mà thay vào đó họ phải tạo ra các phiên bản được chỉnh sửa của các ứng dụng iOS sẵn có. Hơn nữa, Apple đã giới hạn các loại ứng dụng xuống chỉ còn nhắn tin, tạo danh sách việc cần làm và ghi chú. Nếu như Alexa là trái tim của Echo, thì Siri chỉ là để "thêm vào cho có".

Vì sao Apple phải đợi Amazon Echo ra mắt được 3 năm mới chịu trình làng HomePod?

Amazon Echo phiên bản mới, bên trái, và Echo Plus được trưng bày tại sự kiện ra mắt ở Seattle, Washington vào ngày 27/9/2017 (ảnh: Daniel Berman/Bloomberg)

Trên trang web của Apple, HomePod được liệt kê là phụ kiện ở mục lục âm nhạc. Trong phần giới thiệu, công ty chủ yếu xoay quanh chất lượng âm thanh cao cấp của sản phẩm và những đánh giá của các nhà phê bình và những người từng được trải nghiệm. Cuối cùng, Siri mới được đề cập đến, nhưng vẫn chủ yếu là về âm nhạc: "Này Siri, người chơi trống trong bài hát này là ai? Này Siri, chơi chút nhạc hip hop đi".

Theo nguồn tin đáng tin cậy, Apple đã nói với các hãng cung ứng rằng họ sẽ bán ra 4 triệu loa HomePod vào năm 2018. Trong khi đó, theo các nhà phân tích tại CIRP LLC, Amazon đã bán ra được khoảng 15 triệu chiếc Echo kể từ khi nó được lên kệ vào năm 2015.

Đây không phải là lần đầu tiên Apple có ý định bán loa của riêng mình. Năm 2006, công ty đã ra mắt iPod Hi-Fi với mức giá 349 USD (gần 8 triệu đồng). Nó đã thất bại thảm hại và bị ngưng phát triển một năm rưỡi sau khi được bán ra. Một lần nữa, Apple đánh cược rằng chất lượng âm thanh vượt trội sẽ là thứ để HomePod cạnh tranh với các đối thủ của mình. Tuy nhiên, họ cũng phải đặc biệt dè chừng khi các công ty khác cũng đang cải tiến chất lượng âm thanh trên các sản phẩm của mình. Sonos, hãng tiên phong về loa không dây cao cấp, đã ra mắt mẫu loa thông minh của mình vào tháng trước; chiếc loa HomeMax giá 400 USD (hơn 9 triệu đồng) sẽ tập trung nhiều hơn vào chất lượng âm thanh, và flagship mới nhất của Amazon sẽ được trang bị hệ thống loa mạnh mẽ hơn phiên bản cũ.

Apple vẫn có thể thêm các tính năng vào HomePod. Chúng có thể bao gồm hệ sinh thái ứng dụng riêng, hay hỗ trợ các dịch vụ âm nhạc khác ngoài Apple Music. Mặc dù vậy, cho đến khi điều đó xảy ra, Apple vẫn sẽ phải chịu "ngửi khói" trong một hạng mục được phát minh ra bởi một công ty vốn được biết đến về thương mại điện tử nhiều hơn là phần cứng.

Văn Hoàn

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận