Anh nông dân chế tạo robot: Bỏ lương 60 triệu ở Israel để về nước

Anh nông dân chế tạo robot: Bỏ lương 60 triệu ở Israel để về nước

Anh Phạm Văn Hát, thực tế mới chỉ học hết lớp 7. Anh Hát sinh năm 1972, ở xã Ngọc Kỳ, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương.

Vốn là một nông dân năng động, ngay từ năm 2007, anh đã bỏ ra cả một khoản tiền rất lớn để trồng rau sạch. Nhưng rồi, trong đời sống chụp giật, muốn làm ăn tử tế khó lắm. Những người ký kết hợp tác với anh cũng chỉ lấy cớ để đưa các loại sản phẩm giả danh rau sạch của họ vào các siêu thị.

Còn rau sạch thực sự của anh thì chẳng biết bán cho ai. Mà rau sạch thật sự, không có chất bảo quản thì không thể để lâu được. Thế là cả gia đình anh khốn đốn kiệt quệ vì làm người tử tế. Vậy mà lại nghe nói ở Israel, có người cũng chỉ trồng rau như anh thôi mà mỗi năm thu được đến cả mấy tỷ đồng tính theo tiền Việt Nam. Thế thì anh phải ra đi. Phải cắp tráp tìm họ để học họ.

Dù vỡ nợ, mất đến 3 tỷ đồng trong việc trồng rau sạch, anh vẫn liều, mượn thêm 200 triệu đồng nữa để lần sang đất nước Israel. Anh đi, không chỉ đơn thuần bán sức lao động kiếm tiền trả nợ. Mà quan trọng hơn, anh muốn học kinh nghiệm, muốn xem thiên hạ người ta làm thế nào mà có nhiều tiền thế.

Anh nông dân chế tạo robot: Bỏ lương 60 triệu ở Israel để về nước - 1

Anh Phạm Văn Hát chỉ học hết lớp 7 nhưng chế tạo được nhiều loại máy móc hiện đại phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Đến Israel, anh Hát ngạc nhiên khi thấy một đất nước rất văn minh hiện đại mà vẫn còn phải làm nhiều công đoạn thủ công. Anh muốn chế tạo cho họ một chiếc máy rải phân.

Chỉ mới đặt vấn đề thế, ông chủ đã đồng ý ngay và cấp vốn cho anh nghiên cứu. Sau vài tháng, chiếc máy đã được anh chế tạo thành công, đưa ra các cánh đồng thử nghiệm thì thấy hiệu quả rất tốt. Anh được chủ trang trại thưởng hơn 200 triệu đồng tính theo tiền Việt Nam.

Nhà nước Israel lập tức ghi nhận sáng chế của anh, đã mua ngay bản quyền để sản xuất hàng loạt cung cấp cho nông dân toàn quốc. Anh Hát lại tiếp tục chế tạo, cải tiến thêm nhiều loại máy móc cho ông chủ của mình.

Ông chủ cũng quyết định nâng lương anh lên gấp 2,5 lần, từ 1.000 USD lên 2.500 USD bằng hơn 60 triệu tiền Việt Nam. Đấy là một số tiền không nhỏ đối với một nông dân.

Nhưng chính cái lúc được ưu ái đặc biệt ấy, anh quyết định trở về Tổ Quốc. Nhiều người tiếc cho anh. Nhưng anh không tiếc. Anh nghĩ, mình  đã làm được 2.500 USD ở xứ người thì chắc cũng có thể làm được 1.000 USD ở Tổ Quốc của mình. Anh muốn đi lên từ chính mảnh đất quê mình. Rồi còn giúp bà con cô bác nông dân nữa. Nước mình còn rất khổ. Và khổ nhất là nông dân…

Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Những nhà sáng chế "chân đất" nước mình tài lắm

Tôi muốn nhắc lại một điều mà tôi cũng đã nói rồi. Đất nước Việt Nam là đất nước nông dân. Theo con số thống kê của tổ chức chính thống thì hiện nay chúng ta có 70% nông dân. Nhưng thực tiễn có thể hơn đấy. Tôi nhìn đâu cũng thấy nông dân. Nông dân cầm cày. Nông dân làm ngoại giao. Nông dân điều hành, quán lý, lãnh đạo. Nhiều ông rất oách.

Có ông trông như một chính khách. Nhưng đến khi xử lý những vụ việc cụ thể mới thấy hiện nguyên hình một ông nông dân từ trong bản chất. Nhưng tôi phục nhất vẫn là những ông nông dân đang lăn lộn trên những cánh đồng làng hay các trang trại.

Tôi đặc biệt kính nể những ông nông dân có khả năng sáng chế ra những chiếc máy nông cụ 3 trong 1, rồi 5 trong 1, thậm chí 32 trong 1. Tài lắm. Họ thực sự là những bậc kỳ tài.  Đấy là những nhà khoa học chân đất…

Gọi “những nhà khoa học chân đất”, ông có sợ là mình đã xúc phạm họ không?

- Không! Đấy là cách tôi phân biệt họ với những nhà khoa học khác. Đó là những Tiến sĩ, Thạc sĩ giấy. Đông lắm. Đội ngũ này có đến mấy trăm ngàn người. Nói đến Tiến sĩ, Thạc sĩ, là nói đến những nhà khoa học. Và đã là nhà khoa học thì phải có những phát minh? Họ phát minh được những gì? Không có gì cả! Đến nay, về cơ bản, chúng ta vẫn chưa tự sản xuất ra được một cái đinh ốc. Bé đến như cái kim, chúng ta vẫn phải nhập của nước ngoài.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận