Apple và các hãng smartphone đang xem nhẹ bảo vệ môi trường

Apple và các hãng smartphone đang xem nhẹ bảo vệ môi trường

Theo The Verge, một báo cáo mới cho rằng ngành công nghệ cao đang tận dụng sức ảnh hưởng lớn của mình để chống lại các tiêu chuẩn sản phẩm bảo vệ môi trường.

Apple hiện là hãng công nghệ lớn nhất thế giới dựa trên mức vốn hóa thị trường. Thành công của hãng dựa trên việc bán các sản phẩm công nghệ, chủ yếu là iPhone. Ở thời điểm đỉnh cao (2015), hãng đã bán được tới 231,5 triệu chiếc - một con số đáng kinh ngạc. Và ngày nay, dù mức tăng trưởng có chậm đi đôi chút, nhưng nguồn tiền mà smartphone này mang lại cho Táo khuyết vẫn chiếm trên 50%. Lợi nhuận quý II/2017 của hãng đạt 8,7 tỷ USD, đa số đến từ 41 triệu iPhone bán được.

apple-dang-xem-nhe-bao-ve-moi-truong

iPhone và các sản phẩm của Apple ngày càng không coi trọng vấn đề thân thiện với môi trường.

Thế nhưng, một trong những nguyên nhân giúp Apple đạt con số trên (cũng là nguyên nhân giúp hãng thống trị thế giới), là do tâm lý dễ dàng vứt bỏ sản phẩm sau một thời gian của người dùng, trong khi hãng lại tồn tại thứ văn hóa gọi là "hạn chế sử dụng nguyên liệu tái chế". Pin là ví dụ điển hình, nó không có tuổi thọ thật sự cao cũng như luôn được cải tiến về mặt công nghệ, luôn được sản xuất mới. Điều này trái với các quy trình bảo vệ môi trường, thường là tận dụng các vật liệu thân thiện để tăng tuổi thọ pin trên mẫu cũ và giảm số lượng sản xuất mới.

Không những thế, việc sửa chữa thiết bị trở nên khó khăn hơn do Apple sử dụng các chi tiết "làm khó" như ốc vít độc quyền, vỏ máy nguyên khối cũng như các chi tiết mà chỉ có chuyên gia của hãng mới can thiệp được. Quay trở lại viên pin, việc nó nằm dưới "một mớ phức tạp và nhạy cảm" cũng khiến việc thay thế trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Đó là chưa kể, hãng còn khuyến khí người dùng thay mới sản phẩm bằng mua bán hay loại bỏ trong 18 đến 24 tháng.

Apple không phải là duy nhất, bởi đầy rẫy những công ty khác cũng đang làm điều đó. Tuy vậy, hãng luôn tạo ra xu thế mới khiến các công ty khác "bắt chước" theo. Trong tiềm thức của cộng đồng, iPhone chính là biểu tượng của việc lãng phí tài nguyên môi trường quá mức, chứ không phải là sản phẩm nào khác.

apple-dang-xem-nhe-bao-ve-moi-truong-1

Rác thải điện tử đang là nỗi lo của toàn cầu.

Một báo cáo mới đây của Repair Association cho thấy, Apple, HP và các hãng công nghệ đang lợi dụng sức ảnh hưởng cực lớn của họ để gây sức ép đối với các tổ chức bảo vệ môi trường, bằng cách sản xuất các sản phẩm mới nhưng bỏ qua hầu hết tiêu chuẩn xanh hoặc sử dụng vật liệu không thân thiện với môi trường. Thậm chí, họ tự ý dán các nhãn vàng tiêu chuẩn trên các thiết bị sắp tung ra thị trường, nhưng lại bỏ qua khả năng tái sử dụng và tái sửa chữa.

Kyle Wiens, Giám đốc điều hành của iFixit - một website có tiếng trong lĩnh vực "mổ xẻ" sản phẩm di động - cho rằng vấn đề bảo vệ môi trường trong các thiết bị điện tử đang bị phủ nhận. "Trong nội bộ tập đoàn công nghệ lớn, dường như đội ngũ phụ trách mảng môi trường bị kìm hãm chức năng. Họ sinh ra là để đảm bảo các sản phẩm đủ tiêu chuẩn thân thiện môi trường, nhưng lại không hề có quyết định ngược lại nếu sản phẩm đó không đạt chuẩn", Wiens nhấn mạnh.

Cần lưu ý rằng, hầu như các tổ chức liên quan đến bảo vệ môi trường lại không được thành lập bởi chính phủ, thay vào đó là hình thành chủ yếu từ các tổ chức phi lợi nhuận, viện nghiên cứu... Năm 2004, Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA - Environmental Protection Agency) đưa vào các tiêu chuẩn về môi trường đầu tiên, nhưng nó lại là tiền đề để thành lập một tiêu chuẩn khác bởi Viện Điện và Kỹ thuật Điện tử (IEEE) - tổ chức không thuộc quản lý của chính phủ. Sau đó, các tiêu chuẩn lại được giám sát bởi một bên thứ ba khác là Hội đồng Điện tử Xanh (Green Electronics Council). Chính tổ chức này đã khai sinh ra EPEAT - công cụ đánh giá mức độ thân thiện với môi trường của đồ điện tử. Và khi mà chính phủ đứng ngoài, việc Apple hay các công ty khác có thể "lờ đi" các tiêu chuẩn là điều không quá khó hiểu.

Apple từng cam kết rằng, họ đã và đang làm việc liên tục để cải thiện sản phẩm, trong đó có vấn đề bảo vệ môi trường một cách nghiêm ngặt. "Chúng tôi luôn ưu tiên thiết kế cao cấp, tức nó không chỉ đẹp, mỏng, mạnh mà còn bền, có thể sử dụng trong nhiều năm. Khi cần sửa chữa, các nhà cung cấp dịch vụ có thể dễ dàng làm điều đó. Cuối đời sản phẩm, Apple sẽ có trách nhiệm tái chế chúng một cách an toàn, thân thiện với môi trường", Apple đưa ra tuyên bố.

Thế nhưng, tất cả gần như chỉ là lời nói suông. Apple (và nhiều công ty lớn khác) không ưu tiên việc bảo vệ môi trường, một phần vì tập hợp của họ quá lớn và mức ảnh hưởng khổng lồ. Lấy ví dụ, trong một tọa đàm về vấn đề sử dụng nguyên vật liệu thân thiện với môi trường, có tới 41% thành phần tham dự là doanh nghiệp, 28% là các tập đoàn công nghiệp bên thứ ba và chỉ 7% đại diện cho công chúng.

Sarah Westervelt, giám đốc chính sách của Basel Action Network (tổ chức phi lợi nhuận chống đối việc xuất khẩu rác thải công nghiệp độc hại tới các nước đang phát triển), cho biết: "Tôi không còn tham gia vào các cuộc họp và bỏ phiếu nữa, vì nó làm lãng phí thời gian của tôi". Điều đó cho thấy, sự áp đảo của doanh nghiệp sản xuất thiết bị như Apple là quá lớn và các tổ chức khác khó có thể xoay chuyển tình hình.

Vậy tại sao các hãng điện thoại không muốn tái chế hoặc làm cho các thiết bị dễ sửa chữa?

Lý do đơn giản nhưng trọng tâm vấn đề, đó là các tập đoàn công nghệ muốn "trung thành" với các tiêu chuẩn có sẵn, không muốn gặp thêm rắc rồi từ các tiêu chuẩn mới đối với sản phẩm của họ. Bên cạnh đó, các sản phẩm ra thị trường thường dán nhãn xanh là đủ chuẩn EPEAT, nếu chỉnh sửa hoặc thêm vào họ sẽ gặp rắc rối lớn, nhất là các đơn hàng từ tổ chức lớn hoặc chính phủ - vốn là những bản hợp đồng kếch xù.

apple-dang-xem-nhe-bao-ve-moi-truong-2

Nhiều nơi đang nỗ lực tái chế đồ điện tử cũ.

Do đó, các hãng công nghệ thường tìm cách lách luật càng nhiều càng tốt, bằng việc tìm cách dán nhãn màu vàng - tiêu chuẩn cao nhất của sản phẩm thân thiện môi trường theo EPEAT. Như Macbook Pro, trước đây Apple vẫn đưa vào khả năng nâng cấp cho thiết bị này, nhưng gần đây lại trang bị loại ổ cứng SSD độc quyền, thanh RAM không thể nâng cấp, cục pin Lithi-Ion đính chặt và nó cũng dán nhãn vàng.

Việc tạo một thiết bị dễ tái chế là điều các hãng không muốn làm, đơn giản là bởi nếu dễ nâng cấp cũng đồng nghĩa với người dùng trung thành với thiết bị của mình hơn. Điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh số bán hàng, từ đó khiến doanh thu và lợi nhuận giảm.

Tất nhiên, việc tạo một thiết bị không thể tái chế, hoặc khả năng tái chế bị giới hạn đồng nghĩa với việc môi trường phải "đón nhận" một lượng lớn rác thải điện tử - thứ rất khó bị phân hủy. "Người ta vẫn dán nhãn vàng cho sản phẩm của mình nhưng đưa vào pin cố định trên sản phẩm. Điều này không hợp lý, nhưng họ vẫn làm, đơn giản là vì lợi nhuận", Wiens kết luận.

Bảo Lâm

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận