Bí quyết đăng trạng thái hút người xem của Donald Trump

Bí quyết đăng trạng thái hút người xem của Donald Trump

Hầu hết Tổng thống trước đây của Mỹ đều có chiến dịch tranh cử thông qua những cuộc họp trực tiếp, những buổi tiếp xúc cũng như qua báo chí, truyền hình.... Nhưng với Trump thì khác, ông chủ yếu dựa vào mạng xã hội (cụ thể là Twitter và Facebook) và nó cũng góp phần vào chiến thắng các ứng viên khác để trở thành ông chủ Nhà Trắng.

bi-quyet-dang-trang-thai-hut-nguoi-xem-cua-donald-trump

Trump trở thành Tổng thống Mỹ một phần nhờ vào mạng xã hội.

Theo IBTimes, để các tweet thành công trong việc lôi kéo đám đông đến với mình, Trump đã sử dụng chiến lược rất riêng. Trong đoạn trạng thái, ông đề cập vấn đề rất cụ thể, như một tình huống mà ai đọc cũng cảm thấy bị xúc phạm, hay nói đến tình hình "rất buồn" của ông hiện tại.

Bên cạnh đó, ông tận dụng triệt để các ngôn từ thiên về đạo nghĩa, cảm xúc, đôi khi viết hoa chúng nhằm nhấn mạnh vấn đề. Theo thống kê, Tổng thống đương nhiệm của Mỹ không ít lần dùng các cụm từ như "Keep America" (Giữ cho nước Mỹ), "SAFE" (an toàn), "Witch Hunt" (săn phù thủy), "FAKE NEWS" (tin tức giả), "WIN" (chiến thắng), "Nice!" (tốt đẹp), "WHY?" (tại sao)...

Dù không phải là người đầu tiên phát hiện sức mạnh của ngôn từ, nhưng Trump đã ứng dụng nó một cách triệt để. Theo nghiên cứu của một nhóm các nhà tâm lý học Đại học New York mang tên "Cảm xúc hình thành khi khuếch tán nội dung đạo đức trên mạng xã hội" đăng trên tạp chí Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ (PNAS), ngôn ngữ cảm xúc và đạo đức có tác động rất lớn, thu hút sự theo dõi và chia sẻ đối với nhiều người cùng một nhóm hệ tư tưởng, dù cho họ thuộc trường phái tự do hay bảo thủ. Đồng thời, trạng thái thuộc dạng này cũng ít khi nhận phản ứng tiêu cực từ người có quan điểm phản đối.

Bên cạnh đó, những tweet sử dụng ngôn ngữ để truyền đạt tình cảm của tình yêu hay sự tức giận đã được chia sẻ nhiều hơn những tweet truyền đạt nỗi buồn hoặc sự ghê tởm. Kết quả này có được sau khi PNAS phân tích 563.312 bài viết chia sẻ liên quan đến các nội dung gây tranh cãi như kiểm soát súng, thay đổi khí hậu, hôn nhân đồng giới...

Trong khi nhiều nhà phê bình chính trị cho rằng tweet của Trump là "hung hăng", chúng lại được nhiều người biết tới hơn. Theo các nhà nghiên cứu, lí do đơn giản là bởi nó thể hiện được các cảm xúc thiên về đạo đức, từ đó giúp người đọc suy nghĩ theo hướng tích cực, sau đó chia sẻ nó cho những người khác biết.

"Nghiên cứu này cho thấy tầm quan trọng của cảm xúc trong việc truyền thông điệp, từ đó có thể áp dụng vào các lĩnh vực khác trong cuộc sống", đại diện nhóm nghiên cứu cho biết.

Bảo Lâm

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận