Bị siết chặt hầu bao, nhiều tài xế Grab thở dài thời... hậu Uber

Bị siết chặt hầu bao, nhiều tài xế Grab thở dài thời... hậu Uber

Sau khi thâu tóm mảng dịch vụ gọi xe của Uber tại Đông Nam Á, Grab gần như độc quyền trong lĩnh vực này tại Việt Nam khi mà các đối thủ trong nước vẫn còn tỏ ra quá yếu thế và chậm chạp. Điều này dẫn tới cảnh các tài xế Grab bị cắt giảm hàng loạt khoản thu nhập thêm từ dịch vụ gọi xe này.

Bị siết chặt hầu bao, nhiều tài xế Grab thở dài thời... hậu Uber

Trong chuyến công tác tại Hà Nội, phóng viên VnReview.vn đã có dịp sử dụng dịch vụ GrabBike và GrabCar thường xuyên và đã nhận được không ít tâm sự buồn của cánh tài xế về dịch vụ gọi xe mà họ đang tham gia sau sự ra đi của... đối thủ.

Chạy Grab thời hậu Uber

Theo một tài xế tên M người Hà Nội hiện đang chạy GrabBike cho biết, "từ ngày có thông tin Uber sát nhập về Grab thì họ đã cắt hết các khoản "tăng ca" của tài xế". Cụ thể, giờ đây không còn các khoản "cộng thêm" khi chạy trong giờ cao điểm hay tắc đường như trước, cũng không có các khoản thưởng nào trong các ngày lễ. Anh M cho biết thêm, trước giờ anh cũng chỉ chạy Grab và chưa từng thử sức với dịch vụ khác nhưng anh muốn có cơ hội được tham gia thêm để tăng thu nhập.

Trước đây, khi đặt xe trong các giờ cao điểm, Grab (và Uber) sẽ tính thêm phí cho người đặt xe do nhu cầu xe tăng cao và tắc đường, ví dụ chặng đi từ điểm A đến điểm B thông thường chỉ hết 20 ngàn đồng nhưng trong giờ cao điểm - nhất là các điểm ùn ứ về giao thông - thì Grab sẽ tính phí cao hơn, có thể lên tới 40-50 ngàn. Điều này khá hợp lý bởi giờ cao điểm nhu cầu đi lại cao và lượng xe gần như không đủ, các tài xế (và khách hàng) phải chấp nhận bỏ ra nhiều thời gian hơn cho mỗi chuyến đi do tắc đường và lượng nhiên liệu cũng tiêu hao nhiều hơn. Thay vì nhận được 2-3 "cuốc" xe thì giờ tài xế chỉ đủ thời gian để chạy một "cuốc". Tất nhiên, dù có tăng gấp đôi thì tài xế vẫn phải chi thêm chiết khấu cho dịch vụ gọi xe mà họ đang chạy là 20% với GrabBike và 28% với GrabCar, suy cho cùng thì Grab vẫn kiếm thêm kha khá khi thu thêm khoản phí "giờ cao điểm" từ túi của khách hàng.

Bị siết chặt hầu bao, nhiều tài xế Grab thở dài thời... hậu Uber

Dịch vụ Grab bắt đầu bộc lộ rõ những mặt trái của thời độc quyền sau khi Uber rời khỏi Việt Nam

Một tài xế khác là anh H (nhân vật xin được giấu tên) hiện chạy GrabCar cũng xác nhận với VnReview về việc "cắt giảm" này của Grab. Anh cho biết thêm, hiện nay Grab chỉ thưởng thêm cho tài xế trong các tình huống bất khả kháng về thời tiết như lũ lụt hoặc mưa gió ngập đường, những lúc này thường là dịch vụ gọi xe này tăng giá lên gấp đôi hoặc gấp ba. Tất nhiên bản thân Grab cũng thu về gấp đôi gấp ba do họ vẫn duy trì chiết khấu 20-28% trên tổng số tiền mà tài xế nhận được thay vì lấy chiết khấu dựa trên chi phí gốc. 

Tuy than phiền là vậy nhưng cả M và H đều cho biết họ vẫn duy trì chạy Grab do đang phải vật lộn với bài toán chi phí sinh hoạt cũng như trả góp do lỡ mua xe để tham gia dịch vụ.

Khách hàng cũng thở dài

Không chỉ cánh tài xế, ngay cả những khách hàng thường xuyên sử dụng dịch vụ Grab cũng bắt đầu kêu trời. Chị Ngọc Anh - một nhân viên văn phòng ở Q1, TP.HCM thường xuyên sử dụng Grab thay cho xe bus do chị sợ chạy xe - cho biết, trước đây chị đi làm với quãng đường từ nhà tới công ty chỉ hết 50.000 - 80.000 đồng tiền GrabCar, nhưng giờ đây mức giá thường đội lên tới 80-100.000 đồng/chuyến dù vẫn chạy cùng một quãng đường.

Không chỉ chị Ngọc Anh, nhiều người dùng cũng có chung nhận định khi cho biết họ bắt đầu cảm thấy "hơi thở thời độc quyền" của Grab khi dịch vụ này đang âm thầm tăng giá cước. Trong khi đó, các nhà quản lý vẫn đang bỏ ngỏ về khả năng điều tra về thương vụ mua lại mảng gọi xe Uber của Grab, cũng như về các nghi vấn lợi dụng thế độc quyền để tự ý tăng giá dịch vụ của Grab. Điều này càng khiến một số khách hàng thường xuyên sử dụng dịch vụ này cảm thấy bức xúc.

Trước đó, Bộ Tài chính cho biết hiện Uber đang nợ tới hơn 53 tỷ đồng tiền thuế tại Cục Thuế TP.HCM và theo đại diện của cơ quan này thì nếu Uber sát nhập vào Grab tại Việt Nam thì đơn vị này phải có trách nhiệm trả khoản nợ đó thay cho Uber. Trong khi Cục cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cũng đang yêu cầu Grab cung cấp thông tin để làm rõ về việc thương vụ mua lại Uber của họ có vi phạm luật cạnh tranh/độc quyền hay không.

Các đối thủ vẫn quá chậm chạp để bắt kịp Grab? 

Sau sự ra đi không kèn không trống của Uber, thế độc quyền của Grab gần như vẫn đang được duy trì khi dịch vụ gọi xe của họ vẫn đang chiếm thế thượng phong và phủ kín mọi nẻo đường, trong khi các đối thủ trong nước vẫn tỏ ra quá chậm chạp, kể cả Mai Linh Bike và gần đây là VATO. Vậy đâu là nguyên nhân?

Bị siết chặt hầu bao, nhiều tài xế Grab thở dài thời... hậu Uber

Nhiều tài xế dù không thực sự hài lòng nhưng vẫn phải chạy cho Grab vì các dịch vụ gọi xe trong nước chưa hút khách.

Theo anh L - một tài xế hiện chạy GrabBike từng tham gia cả hai dịch vụ (Uber và Grab) cho biết, anh vẫn thích Grab hơn do giao diện phần mềm của dịch vụ này thân thiện và dễ sử dụng. Trong khi các dịch vụ gọi xe trong nước - đơn cử là VATO - có giao diện khá giống Uber và không thực sự thân thiện với cánh tài xế, kể cả việc nhắn tin và gọi điện cho khách để xác nhận chuyến đi.  Khác với anh L, anh H cho rằng anh thích Uber hơn vì Uber sẽ tính chi phí dựa trên quãng đường đi thực tế thay vì sử dụng mức phí cố định như Grab, chưa kể anh còn được thưởng thêm hàng tuần nếu đạt chỉ tiêu "chạy xe tích cực" dựa theo số km.

Nói thêm về dịch vụ gọi xe trong nước mới nổi gần đây là VATO, anh L cho biết anh có cài thử phần mềm của VATO nhưng thấy lượng khách sử dụng quá ít nên anh chỉ tham gia "cho vui" chứ chưa nhận được cuốc xe nào từ dịch vụ này. Trước đó, VATO đã được Công ty vận tải xe khách Phương Trang tuyên bố rót khoản đầu tư khủng lên tới gần 100 triệu USD với tham vọng biến VATO thành một "hệ sinh thái" chứ không chỉ dừng lại ở một dịch vụ gọi xe thông thường, trong khi CEO Trần Hoài Nam của VATO cũng cho biết dịch vụ này đã thu hút được hơn 8.000 tài xế (xe máy và ô tô) tham gia tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM.

TM

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận