Bộ TT&TT đề xuất giải pháp ngăn chặn video xấu, độc trên Youtube, Google

Bộ TT&TT đề xuất giải pháp ngăn chặn video xấu, độc trên Youtube, Google

Ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử, Bộ TT&TT cho hay, hiện giải pháp của Bộ TT&TT được các đại lý quảng cáo và các nhãn hàng trong nước ủng hộ.

Tại buổi tọa đàm "An toàn thương hiệu trong thời đại kinh tế số" diễn ra vào sáng 30/1, ông Lê Quang Tự Do đánh giá cao việc các trang thông tin điện tử và mạng xã hội thời gian qua đã góp phần vào việc truyền tải kịp thời thông tin về chủ trương, đường lối chính sách, tình hình kinh tế - xã hội trong, ngoài nước. Nhiều doanh nghiệp cũng đã có đóng góp đáng kể cho sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam.

Nhưng có một thực tế là nhiều nhãn hàng lớn của Việt Nam cũng như nhãn hàng quốc tế tại Việt Nam đều bị gắn với những clip xấu, độc (nội dung phản cảm, khiêu dâm, bạo lực, tuyên truyền thông tin lệch lạc…) trên Youtube. Và khi Bộ TT&TT phát hiện ra vấn đề, đồng thời yêu cầu báo cáo giải trình vi phạm thì cả doanh nghiệp (đối tượng đang sở hữu sản phẩm), đại lý quảng cáo (đối tượng đi quảng cáo cho doanh nghiệp) và kể cả Google (đơn vị quảng cáo Youtube) đều bất ngờ và thậm chí đổ lỗi trách nhiệm cho nhau.

Bộ TT&TT đề xuất giải pháp ngăn chặn video xấu, độc trên Youtube, Google

Ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử, Bộ TT&TT

Sự việc không dừng ở Việt Nam, các nước Mỹ, Úc, Áo, Thái Lan sau đó cũng phát hiện nhiều clip vi phạm trên Youtube. Nhiều tập đoàn lớn như Vinamilk, VinGroup, Ford, Yamaha, FPT… và các doanh nghiệp nước ngoài như Cocacola, Pepsi, AT&T… đều đã ngừng quảng cáo trên YouTube. Hậu quả là tới tháng 4/2017, Google thông báo giá trị vốn hóa đã giảm 6%, tương đương 25 tỷ USD do cuộc khủng hoảng này. Và tính cả năm 2017 thì Google đã giảm doanh thu 750 tỷ USD do bị các đối tác ngừng quảng cáo.

Bộ TT&TT đã nhiều lần làm việc với phía Google để khắc phục tình trạng này. Gã khổng lồ tìm kiếm đã sử dụng nhiều thuật toán, AI cùng nhiều điều chỉnh nhưng tới tháng tháng 1/2018 thì tình trạng clip xấu, độc vẫn chưa được khắc phục triệt để. "Nguyên nhân là bởi trí tuệ nhân tạo mà Google đang sử dụng trong các thuật toán của mình chưa thể thông minh hơn những người tạo ra nội dung xấu, độc. Khi Google tăng cường các bộ lọc để phát hiện các video clip xấu độc, thì những người đăng tải các clip đó lại tìm ra những mánh khóe mới để đối phó, và điều đó khiến Google loay hoay trong gần một năm qua nhưng vẫn chưa tìm ra được giải pháp khắc phục", ông Lê Quang Tự Do nhận định.

Vị đại diện Bộ TT&TT đã hé lộ một giải pháp cho tình trạng này, đó là tạo ra Whitelist –một danh sách các kênh có nội dung "sạch". Trước đây Bộ TT&TT mới chỉ lập Blacklist - danh sách các kênh xấu, độc để các doanh nghiệp tránh không quảng cáo vào đó. Nhưng hiện chúng ta gần như không thể kiểm soát được danh sách xấu, độc này vì các video clip vẫn hàng ngày hàng giờ xuất hiện. Bộ đã phối hợp với Google và gỡ bỏ hàng ngàn video, nhưng trong thời gian đó thì vẫn có thêm các thông tin xấu xuất hiện. Do đó nếu chỉ sử dụng Blacklist thì không thể ngăn chặn được các video xấu độc, và thực tế một năm qua tình trạng này vẫn tiếp diễn.

Bộ TT&TT đề xuất giải pháp ngăn chặn video xấu, độc trên Youtube, Google

Nhiều clip xấu, độc trên Youtube vẫn chưa bị gỡ bỏ

Thống kê của Google cho hay Youtube hiện có 350 triệu kênh video, cứ mỗi phút lại có 400 giờ video được đăng tải. Và tất cả những video đều sẽ được hậu kiểm sau khi đăng tải, không được kiểm duyệt trước nội dung như với các cơ quan báo chí, truyền hình. Với đặc điểm đó, công tác hậu kiểm nội dung luôn trở nên quá tải đối với Google và các chính quyền trên thế giới.

Do đó giải pháp của Bộ TT&TT là tạo ra những kênh "sạch" từ những tổ chức, cá nhân có uy tín đã cam kết và được Bộ TT&TT kiểm chứng. "Giải pháp này hướng tới những đối tượng kinh doanh trên Youtube, những đối tượng sản xuất nội dung để lấy tiền quảng cáo. Bộ sẽ kiểm chứng và gửi danh sách các kênh "sạch" cho các đối tác quảng cáo, các doanh nghiệp để họ lựa chọn quảng cáo ở đó. Đó là những địa chỉ Bộ có thể quản lý và kiểm soát được nội dung thông tin. Và khi có sai phạm Bộ có thể nhanh chóng liên hệ để giải quyết", ông Lê Quang Tự Do cho hay.

Giải pháp Whitelist tuy chưa được Google ủng hộ nhưng đã nhận được sự đồng tình của đông đảo đại lý quảng cáo và các nhãn hàng trong nước. Vị Phó Cục trưởng tiết lộ, dự kiến cuối tháng 2/2018 sẽ bắt đầu được Bộ TT&TT triển khai. Đây cũng sẽ là giải pháp giúp nhà nước thu thuế những người làm nội dung trên môi trường mạng xã hội.

G.L

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận