Bộ TT&TT sẽ đôn đốc nhà mạng đẩy nhanh 4G

Bộ TT&TT sẽ đôn đốc nhà mạng đẩy nhanh 4G

Bộ Thông tin và truyền thông sẽ đôn đốc các nhà mạng đẩy nhanh tiến độ xây dựng mạng lưới để cung cấp 4G trong năm 2017.

Trả phỏng vấn các cơ quan báo chí vừa diễn ra tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn cho hay đã từ vài năm nay, doanh thu của các nhà mạng viễn thông lớn đã bắt đầu có sự chuyển dịch. Trước đây, các dịch vụ truyền thống như thoại và tin nhắn chiếm phần lớn doanh thu thì nay với sự phát triển của 3G, 4G các dịch vụ GTGT, dịch vụ nội dung trên nền công nghệ số đã dần chiếm tỉ trọng lớn doanh thu của các nhà mạng.

Việc triển khai mạng 4G sẽ tạo nên một nền tảng kết nối dữ liệu tốc độ cao, tạo cơ sở cho sự phát triển mạnh mẽ các dịch vụ nội dung. Cùng với việc tốc độ kết nối truy cập dữ liệu tăng, nhu cầu sử dụng các dịch vụ này của người sử dụng sẽ ngày càng phát triển, tạo cơ hội thuận lợi để các doanh nghiệp có thể thu được doanh thu ngày càng lớn hơn."Chính vì lý do này, trong năm 2017, Bộ TT&TT sẽ đôn đốc các nhà mạng đẩy nhanh tiến độ xây dựng mạng lưới để cung cấp 4G trong năm 2017, đảm bảo cơ sở hạ tầng tốt cho việc phát triển các dịch vụ nội dung trên nền tảng này", Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho hay.

Bộ TT&TT sẽ đôn đốc nhà mạng đẩy nhanh 4G

Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn

Tại Việt Nam, các nhà mạng viễn thông đã quan tâm từ khá sớm việc phát triển các dịch vụ nội dung và xu thế hội tụ đa dịch vụ. Tuy nhiên, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho hay vẫn chưa thấy sự quyết tâm của các doanh nghiệp trong triển khai các dịch vụ này. Hiện các nhà mạng viễn thông mặc dù có lợi thế về nhân lực, bộ máy, trang thiết bị CNTT, có mạng lưới viễn thông rộng khắp bao phủ tới từng xã, từng thôn nhưng việc cung cấp nội dung và các loại hình dịch vụ nội dung chưa tương xứng với quy mô mạng lưới, chưa tận dụng được thế mạnh sẵn có. Các sản phẩm nội dung chưa có nhiều đột phá, các dịch vụ GTGT chưa có sự sáng tạo, chưa đáp ứng được các nhu cầu thiết thực trong thực tế cuộc sống.

Việc hội tụ đa dịch vụ trên một đường truyền dẫn của các nhà mạng cũng được triển khai thực hiện nhưng thị trường vẫn thiếu vắng các loại hình dịch vụ phù hợp với khu vực nông thôn và đại đa số các hộ dân; các dịch vụ truyền hình dựa trên nền tảng internet đã có nhưng giá thành còn cao và chưa phù hợp với khả năng chi tiêu ở nhiều vùng miền. Đây là một số khó khăn vướng mắc cần giải quyết trong ngắn hạn. "Trong dài hạn, tôi hi vọng các nhà mạng sẽ đẩy nhanh tốc độ để nghiên cứu, phát triển làm chủ được các nền tảng khoa học, công nghệ, tiến tới việc cung cấp các dịch vụ viễn thông, CNTT trọn gói, đảm bảo an ninh, an toàn thông tin không chỉ cho các cơ quan của Chính phủ mà còn cho các doanh nghiệp", Bộ trưởng Trương Minh Tuấn chia sẻ.

Bộ TT&TT sẽ đôn đốc nhà mạng đẩy nhanh 4G

Việc triển khai 4G cần sự quyết tâm của các nhà mạng

Việc phát triển mạnh các sản phẩm, dịch vụ IoT (internet vạn vật) với các ứng dụng đơn cử như các ngôi nhà thông minh dựa trên các kết nối internet tạo nên tiện ích điều khiển từ xa bật tắt thiết bị điện gia dụng và ngắt khi đã sử dụng xong để tiết kiệm năng lượng, hay như hệ thống an ninh khi phát hiện sự nguy hiểm sẽ cảnh báo cho con người cũng như có một số biện pháp chủ động ứng phó để bảo vệ ngôi nhà hoặc thông báo tới công an địa phương. Từ ngôi nhà kết nối thông minh, cùng với việc kết nối tới các dịch vụ quản lý của chính quyền như dịch vụ công cộng như điều khiển hệ thống ánh sáng thành phố, điều hướng giao thông thông minh, đến liên kết xử lý thông minh hệ thống báo cháy, báo khói, liên kết các hệ thống giám sát, và rất nhiều dịch vụ trong nhiều lĩnh vực khác nhau sẽ hình thành một thành phố thông minh. Tất cả đều cần sự kết nối, sự tham gia sáng tạo và thực hiện của các doanh nghiệp trong lĩnh vực TT&TT mà đặc biệt là các nhà mạng viễn thông cần đi tiên phong, đóng vai trò chủ đạo.

Bộ TT&TT sẽ đôn đốc nhà mạng đẩy nhanh 4G

Bên cạnh các nội dung về 4G và IOT, Bộ TT&TT sẽ nghiên cứu phương án hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp. Thay bằng việc đưa ra các khẩu hiệu chung chung mang tính hình thức, Bộ sẽ chỉ đạo các doanh nghiệp trong lĩnh vực TT&TT triển khai bằng việc đưa ra các biện pháp cụ thể, có những không gian sáng tạo với cơ chế linh hoạt và ngân sách đầu tư thích hợp để ứng dụng các sáng kiến vào thực tế quản lý, phát triển sản phẩm, dịch vụ kinh doanh cũng như khởi tạo những sản phẩm có tính đột phá, đặc biệt các sản phẩm có tính mở với phạm vi ứng dụng trên toàn cầu.

Trong năm 2017, Bộ TT&TT cũng sẽ tiến hành sửa đổi Nghị định số 26/2007/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số để tạo hành lang pháp lý thuận lợi hơn cho hoạt động này. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước.

Song song với việc phát triển các dịch vụ, ứng dụng theo chiều sâu đi vào phục vụ người dân và an sinh xã hội, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cũng đề cập tới việc đưa CNTT, viễn thông của Việt Nam ra toàn cầu: "Chúng ta cần đẩy nhanh, mạnh việc phát triển các dịch vụ viễn thông, CNTT có tính sáng tạo, đặc trưng của Việt Nam để có thể đón đầu xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, tạo ra nền tảng để đưa ngành Viễn thông, CNTT của Việt Nam vươn tầm ra thế giới. Việc các doanh nghiệp của Việt Nam đi ra nước ngoài không chỉ với mục đích phát triển kinh doanh mà sẽ còn là cầu nối truyền tải được văn hóa, hình ảnh con người Việt Nam một cách thuyết phục và sắc nét nhất đến với bạn bè trên thế giới".

G.L

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận