Cách Donald Trump chiến thắng nhờ những thông tin "ma" trên mạng xã hội

Cách Donald Trump chiến thắng nhờ những thông tin "ma" trên mạng xã hội

20 tin bài giả mạo có lượng tương tác cao nhất trong ba tháng cuối có 8.710.000 shares, tương tác và bình luận trên Facebook - một con số rất lớn. Một số tin giả như Giáo hoàng Francis ủng hộ Trump có tới gần 1 triệu tương tác. 

Paul Horner, 38 tuổi, là người chuyên tạo ra những bản tin giả trên mạng và đẩy nó lan truyền trên Facebook với tốc độ chóng mặt. Một số bản tin của anh, đặc biệt khi liên quan đến Donald Trump, ngày càng có ảnh hưởng, tiếp cận được đông đảo người dùng Internet hơn.

Cách Donald Trump chiến thắng nhờ những thông tin

Cử tri của Trump không thèm kiểm chứng tin

Horner chính là tác giả của những bản tin được chia sẻ nhiều trên Facebook như "Người Amish tại Mỹ cam kết bỏ phiếu cho Trump", hoặc "Tổng thống Obama ký sắc lệnh cấm hát quốc ca tại các sự kiện thể thao toàn quốc". Không bản tin nào có nội dung đúng sự thật. 

Các trang tin giả do Horner tạo ra được thiết kế với địa chỉ và giao diện giống với những website thật của các hãng thông tấn, như abcnews.go.com (website thật) so với abcnews.com.co (website giả), nên dễ gây nhầm lẫn.

Tuy nhiên, nó thậm chí xuất hiện trong bộ lọc tin của Google, Facebook. Hồi tháng 3, con trai Eric của Trump và quản lý chiến dịch cũ của vị tỷ phú là Corey Lewandowski thậm chí còn chia sẻ đường dẫn về bản tin giả của Horner lên Twitter.

"Người ta chỉ đọc dạo và lướt nhanh chứ chẳng ai kiểm tra tính xác thực của nó. Đó chính là cách mà Trump đắc cử. Ông ấy nói những gì ông muốn và người ta tin vào mọi điều mà Trump phát biểu. Khi nhiều ý kiến chỉ ra rằng các tuyên bố này không chính xác thì họ cũng chẳng quan tâm, vì đằng nào họ cũng chấp nhận Trump rồi. Đó quả là điều đáng sợ mà tôi chưa bao giờ thấy", Horner nói.

Horner thừa nhận các trang tin của anh rất được cử tri của Trump yêu thích. "Tôi nghĩ mình đã góp phần đưa Trump và Nhà Trắng. Người ủng hộ Trump chia sẻ tất cả, tin vào tất cả".

Horner nói quản lý chiến dịch của Trump thậm chí còn đăng bài viết của anh về việc người biểu tình chống đối Trump nói họ được trả tiền để làm điều này. "Nhưng đó là giả mạo, tôi dựng lên chuyện đó rồi đăng trên Craigslist".

Muốn chơi xấu nhưng lại thành giúp đỡ

Khi được hỏi về động cơ, Horner nói "tôi rất ghét Trump" và khẳng định không tạo ra các thông tin giả nhằm vào những ứng viên khác như bà Clinton hoặc ông Gary Johnson.

Tuy nhiên, Horner rút ra rằng những nỗ lực của anh nhằm cản trở chiến dịch bầu cử Tổng thống của Trump hóa ra lại thành giúp đỡ vị tỷ phú. "Tôi đã nghĩ Trump không thể nào thắng được và tôi muốn bộ máy của ông ta rối loạn. Hóa ra tôi không làm được như vậy mà còn tiếp tay cho Trump. Nhưng khi đó tất cả mọi người đều mặc định rằng bà Hillary sẽ thắng, thế mà bây giờ Trump lại sắp thành tổng thống".

Bên cạnh đó, nhiệm kỳ tổng thống của Trump được cho là sẽ giúp công việc của những người chuyên tạo ra các tin châm biếm hoặc tin giả như Horner thuận lợi hơn. 

"Bây giờ tôi có thể chế ra các nội dung điên rồ nhất về Trump và mọi người sẽ tiếp tục tin nó. Trước đây tôi đã đăng vài câu chuyện dựa trên ý tưởng bài xích Hồi giáo của ông ấy, như việc Trump muốn người theo đạo Hồi phải đeo phù hiệu, hoặc ông ấy cấm họ ra sân bay... Mọi người thì vẫn cứ tin theo", Horner nói.

Thời gian gần đây, Facebook và Google đều thông báo sẽ đẩy mạnh cơ chế loại trừ những trang tin giả mạo xuất hiện trên bộ lọc tin của các dịch vụ này. "Đây là thông tin đáng lo ngại vì tôi kiếm được rất nhiều tiền từ Google AdSense, khoảng 10.000 USD mỗi tháng. Nếu họ tìm cách ngăn chặn thì tôi sẽ thử những trang khác".

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận