Cái chết của sinh viên đại học bị đa cấp lừa đảo gây rúng động Trung Quốc

Cái chết của sinh viên đại học bị đa cấp lừa đảo gây rúng động Trung Quốc

Cái chết của một sinh viên trẻ tốt nghiệp đại học ở Trung Quốc mới đây đã làm dấy lên làn sóng phẫn nộ và cảm thông trên mạng Internet, đồng thời thu hút sự chú ý của báo giới. Sinh viên trẻ này là nạn nhân của "chương trình kim tự tháp" hay còn gọi là kiểu kinh doanh đa cấp trên một website tìm kiếm việc làm.

Li Wenxing, 23 tuổi, bị phát hiện đã tử vong hôm 14/7. Thi thể của anh nổi trong một cái ao nhỏ bên con đường cao tốc ở ngoại ô hẻo lánh thuộc Thiên Tân, một thành phố cảng lớn gần Bắc Kinh.

Cảnh sát cho biết các kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy nguyên nhân tử vong là đuối nước và không hề có dấu hiệu chấn thương.

Cái chết của sinh viên đại học bị đa cấp lừa đảo gây rúng động Trung Quốc

Câu chuyện xung quanh cái chết của Li Wenxing đã gây chấn động lớn một phần vì anh còn quá trẻ tuổi và phần nữa vì câu chuyện của anh rất quen thuộc, hiện thân cho thế hệ những người trẻ tốt nghiệp đại học ở Trung Quốc rời nhà đi tìm việc làm ở các thành phố lớn.

Cái chết của Li cũng gây chấn động vì các chiến thuật tấn công mạnh mẽ của những "băng đảng" kinh doanh đa cấp mọc lên như nấm ở các thành phố của Trung Quốc. Sau cái chết của Li, đã có rất nhiều chỉ trích nhắm vào trang tuyển dụng Boss Zhipin vì không đảm bảo tính xác thực của các quảng cáo tuyển dụng.

Báo chí Trung Quốc đưa tin Li, một sinh viên tốt nghiệp ngành kỹ sư đến từ một gia đình nông thôn tỉnh Sơn Đông, đã đến Thiên Tân sau khi nhận việc làm của một công ty quảng cáo trên trang Boss, một website tuyển dụng nổi tiếng.

Nhưng ngay sau khi đến Thiên Tân hôm 20/5, Li trở nên xa cách với mọi người, rất khó gặp anh qua điện thoại và anh cũng bắt đầu hỏi vay bạn bè.

Ngày 8/7, trong cuộc gọi điện thoại cuối cùng về gia đình, Li đã nói với gia đình: "Cho dù là ai gọi hỏi tiền cũng đừng đưa cho họ".

Cảnh sát Thiên Tân sau đó nói rằng Li đã vướng vào một băng đảng lừa đảo đa cấp và cảnh sát đã bắt giữ hai kẻ tình nghi để điều tra.

Theo hãng tin Reuters, các tổ chức kinh doanh đa cấp lừa đảo tại Trung Quốc thường nhắm đến các nạn nhân kém hiểu biết bằng cách dụ dỗ họ với hứa hẹn về công việc lương cao. Nạn nhân bị theo dõi suốt cả ngày và được chỉ dẫn, thường là thúc ép vay mượn tiền của bạn bè và người thân. Điện thoại, các giấy tờ tùy thân, tiền mặt và thẻ ngân hàng của các nạn nhân cũng thường bị các tổ chức đa cấp lừa đảo thu giữ.

Boss, một startup đang lên, quảng bá họ là một nền tảng mà người tìm việc có thể nói chuyện trực tiếp với nhà tuyển dụng. Boss hiện có hơn 10 triệu người dùng và đã thu hút được đầu tư của Shunwei Capital, công ty do nhà sáng lập Lei Jun của Xiaomi chống lưng, cũng như thu hút được nguồn vốn từ nhà đầu tư mạo hiểm lớn Capital Today.

Trong một thông cáo, giám đốc Zhao Peng của Boss đã lên tiếng xin lỗi và nói công ty đang siết chặt quy trình xác thực quảng cáo tuyển dụng. Ông nói Boss đang hợp tác với cảnh sát để điều tra.

"Đây là một bài học rất đau thương", ông nói. "Việc Li Wenxing qua đời, chúng tôi vô cùng đau buồn và lấy làm tiếc".

Hoàng Lan

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận