Cuộc sống và cái chết tại nơi gia công iPhone

Cuộc sống và cái chết tại nơi gia công iPhone

Bên trong khu vực sản xuất iPhone tại khu Long Hoa (Thẩm Quyến, Trung Quốc), tác giả Brian Merchant, phóng viên của The Guardian, đã có trải nghiệm sống động nhưng cũng để lại nhiều nỗi ám ảnh. Ông gọi nơi này là "Thành phố chết" bởi nhiều công nhân trong đó đã tự kết liễu đời mình vì nhiều lý do khác nhau. Dưới đây là bài viết của ông:

 Bên trong một nhà máy lắp ráp iPhone

"Long Hoa (Longhua) là nơi Foxconn đặt nhà máy sản xuất iPhone lớn nhất thế giới. Đây cũng là nơi bí mật nhất, có những quy định cực kỳ khắt khe: bảo vệ túc trực 24/24, nhân viên không thể ra vào nếu không có thẻ với bất cứ lý do gì, lái xe ra vào phải được kiểm tra bằng máy quét vân tay... Bên ngoài, một cảnh báo rất lớn mà ai đi vào đều nhìn thấy: Khu vực này được thành lập hợp pháp, có sự chấp thuận của nhà nước. Nghiêm cấm các hành vi xâm phạm trái phép. Ai vi phạm sẽ bị cảnh sát bắt giam và khởi tố.

Với quy định đó, không ai có thể làm trái những điều đã cảnh báo. Đã có trường hợp nhà báo của Reuters chỉ vì muốn chụp lại bức tường bên ngoài nhà máy mà bị kéo ra ngoài và bị đánh.

Trên chiếc iPhone, hẳn nhiên bạn sẽ thấy dòng chữ "Designed by Apple in California. Assembled in China" (Thiết kế bởi Apple tại California, sản xuất tại Trung Quốc). Như vậy, những phát kiến, những ý tưởng đột phá xuất phát từ Mỹ, nhưng nó không thể biến thành sản phẩm nếu không có bàn tay của các công nhân Trung Quốc.

Điều đó có nghĩa rằng, các nhà máy gia công tại Trung Quốc cực kỳ quan trọng. Apple lựa chọn đất nước này dựa trên ưu điểm về lượng nhân công đông đảo và có giá rẻ bậc nhất thế giới - điều kiện lý tưởng nhất để tiết kiệm chi phí sản xuất. Theo Cục thống kê lao động Mỹ, đến năm 2009, đã có 99 triệu nhân công Trung Quốc đang làm việc, giúp quốc gia này trở thành nền kinh tế đứng thứ 2 thế giới.

Foxconn là đối tác gia công lớn nhất của Apple và cũng là nhà tuyển dụng công nhân lớn nhất Trung Quốc. Hiện tập đoàn này đang có hơn 1,3 triệu người nằm trong biên chế, chỉ thua Walmart và McDonald's, tương đương dân số Estonia.

 Bên trong nhà máy Apple qua lời kể một sinh viên làm thêm tên Dejian Zeng

Foxconn đang có khoảng 450.000 công nhân tập trung lắp ráp iPhone, chủ yếu nằm trong một khu đất rộng 1,4 dặm vuông (hơn 3,6 km vuông) nằm bên ngoài Thâm Quyến, tức khu Long Hoa đã đề cập đầu bài viết. Nơi đây nổi tiếng như là khu vực sản xuất iPhone lớn nhất, nhưng cũng là nơi được biết tới nhiều về số ca tự tử.

Các vụ tự tử diễn ra âm thầm và bị che giấu, nhưng bắt đầu được chú ý từ năm 2010 sau khi một công nhân gieo mình từ ban công ký túc xá vì làm việc thời gian dài trong điều kiện hà khắc, dẫn đến trầm cảm, căng thẳng và tìm đến cái chết. Nó nhanh chóng biến thành "dịch bệnh" và năm đó, có 18 báo cáo về tự tử, 14 người xác nhận đã chết.

Những năm sau đó, số lượng người chết không hề giảm. Những bức thư tuyệt mệnh để lại đều gần như có cùng nội dung: họ căng thẳng, bị quản lý theo cách khắc nghiệt nhất, những bất công khi làm việc, bị trừ tiền lương nếu chẳng may sai phạm (nhiều trong số đó là oan ức) và những lời hứa "vẫn chỉ là lời hứa" của giới lãnh đạo.

cuoc-song-va-cai-chet-tai-noi-gia-cong-iphone

Cảnh công nhân Foxconn ăn trưa.

Công nhân tự tử khiến lãnh đạo Foxconn hết sức lo lắng. Nhưng thay vì chăm lo cho đời sống của họ tốt hơn, giám đốc Terry Gou bắt đầu lắp đặt các tấm lưới chống tự tử bên ngoài khu ký túc, yêu cầu đội ngũ tuyển dụng buộc công nhân ký vào thỏa thuận không được tự tử khi vào làm việc.

Steve Jobs khi còn sống cũng từng yêu cầu điều tra về vấn đề này. Tuy nhiên, kết luận từ phía Foxconn là "tỷ lệ tự tử nằm trong mức trung bình so với toàn quốc". Kết luận này không sai, nhưng nó cho thấy sự vô tâm của giới chủ.

Một lái xe chở chúng tôi ra phía trước nhà máy. Trên lối vào là hộp thư góp ý màu xanh. Các nhân viên an ninh nhìn chúng tôi với thái độ nửa buồn chán, nửa nghi ngờ.

Rời khỏi khu vực đó, nhờ cố vấn của tôi, Wang Yang - một nhà báo ở Thượng Hải, tôi được nói chuyện với một số công nhân từng làm ở Foxconn. Đầu tiên tôi gặp hai người mới thôi việc 2 tháng trước.

"Đây không phải là nơi tốt cho con người, điều kiện bên trong đó tệ quá mức tưởng tượng, không có sự cải thiện nào kể từ khi truyền thông đưa tin (về các vụ tự tử)", một thanh niên tên Xu nói.

Xu cho biết, anh và các đồng nghiệp thường xuyên làm việc với áp lực rất cao, phải tăng ca tới 12 giờ mỗi ngày. Riêng hai quản lý của anh được miêu tả là hiếu chiến và lừa đảo" khi công khai la mắng công nhân làm chậm, nhưng không giữ lời hứa. Một người bạn của Xu chia sẻ, quản lý đã hứa sẽ tăng lương cho anh, nhưng những tháng sau đó mức tiền vẫn giữ nguyên, trong khi khối lượng công việc liên tục tăng.

cuoc-song-va-cai-chet-tai-noi-gia-cong-iphone-1

Đoàn người xếp hàng để được Foxconn tuyển dụng.

iPhone là thiết bị nhỏ gọn, do đó đòi hỏi người lắp ráp chúng cũng phải tỉ mỉ. Theo chia sẻ của một nữ công nhân, một dây chuyền lắp ráp iPhone hoàn chỉnh cần tới hàng trăm người, bao gồm lắp ráp, kiểm thử, đóng gói... Cô chỉ phụ trách mảng sơn dầu lên màn hình, nhưng mỗi ngày làm tới 600 đến 700 chiếc, tương đương 3 màn hình mỗi phút.

"Nó không dễ dàng với những người đã làm việc lâu và càng khó đối với người mới vào, nhất là nữ giới", cô gái cho biết.

Trong rất nhiều công nhân tôi từng tiếp xúc, họ làm việc với các mục đích khác nhau và tâm lý mỗi người cũng khác nhau. Có người nhẫn nhịn vì mưu sinh, có người phẫn nộ trước những gì mình đang bị đối xử, lại có người vào làm chỉ để kiếm bạn gái... Nhưng họ có điểm chung, đó là sự nghèo khó trước khi vào.

"Hầu hết người vào làm chỉ khoảng 1 năm rồi rời đi", một công nhân giấu tên chia sẻ.

Điều kiện ăn ở cũng là thứ mà công nhân Long Hoa cảm thấy ác mộng. 'Họ hứa cho chúng tôi ở miễn phí, nhưng sau đó đòi tiền điện nước với giá cắt cổ. Ký túc xá quy định tối đa 8 người mỗi phòng, nhưng chúng tôi khi nào cũng phải ở tới 12 người. Không những thế, Foxconn còn cố tình không đóng bảo hiểm xã hội, và còn trừ nhiều tiền nếu chấm dứt hợp đồng sớm", một công nhân bức xúc.

cuoc-song-va-cai-chet-tai-noi-gia-cong-iphone-2

Khu ký túc xá ẩm thấp và chứa nhiều người hơn so với tiêu chuẩn.

"Không có người chết không phải là Foxconn. Hàng năm, rất nhiều người tự tìm đến cái chết như để giải thoát. Những người khác coi đó là bình thường", Xu kể lại.

Với tất cả những gì công nhân đã phải trải qua, số lượng người tự tử ngày một nhiều hơn. Năm 2015, có khoảng 150 công nhân đứng trên mái nhà và đòi tự tử tập thể. Điều đó lặp lại với một số nhóm công nhân khác vào 2016 và cách đây một tháng. Họ làm điều này là để thỏa hiệp với Foxconn. Hãng cũng tỏ ý nhượng bộ, song một thời gian thì đâu lại vào đó.

Tôi đã có dịp tham quan khu nhà máy của Foxconn, kể cả khu gia công lẫn ký túc xá. Quả thật, tôi đã được các nhân viên an ninh 'chăm chút' từ đầu tới chân, được mọi người xung quanh nhìn bằng ánh mắt rất lạ, cảm giác được sự căng thẳng của công nhân. Nhưng, điều bất ngờ nhất là sau khi kiểm tra lại ảnh chụp ở phòng làm việc, tôi giật mình vì không hề một người nào trong các bức ảnh đã chụp nở nụ cười.

"Chúng tôi không đổ lỗi cho Apple, chính Foxconn đã gây ra điều đó! Bạn sẽ không thay đổi được điều gì đâu, không bao giờ!', người bạn đi theo Xu khẳng định.

Tôi nhớ lại câu nói của Xu: "Đây không phải là nơi tốt cho con người'. Câu nói này sẽ còn văng vẳng trong đầu tôi thêm nhiều thời gian nữa.".

Bảo Lâm

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận