Dân CNTT thích làm việc tại co-working space

Dân CNTT thích làm việc tại co-working space

Mô hình không gian làm việc chung (co-working space) đang lan rộng nhanh chóng tại Việt Nam. Xuất hiện từ 2012 với quy mô nhỏ dưới 300m2, đến năm 2015 các chuỗi bắt đầu mở rộng, đến tháng 6/2017 đã có 17 đơn vị vận hành tại 22 cơ sở, cung cấp khoảng 14.500m2, đa số là các đơn vị trong nước.

Theo Báo cáo của CBRE Việt Nam, vài năm trở lại đây, nguồn cung tại Việt Nam tăng trung bình 58%/năm so với mức tăng trung bình của thế giới là 53%/năm trong 5 năm qua. Các nhà đầu tư khá lạc quan về triển vọng tại Việt Nam, một số quỹ xác nhận rót vốn vào các chuỗi hiện hữu và các công ty nước ngoài khác đang có ý định thâm nhập thị trường.

khởi nghiệp, Thế hệ Y, co-working space, CBRE, thế hệ millenials,

Hiện OpenAsia đã đầu tư vào Toong và Gaw Capitals đầu tư vào Naked Hub.

"Mô hình này vẫn còn khá mới tại Việt Nam, tốc độ phát triển sẽ còn tăng nhanh trong những năm tới khi các đơn vị vận hành quốc tế và khu vực gia nhập thị trường", CBRE nhận định.

Hiện tại, 3 công ty lớn nhất kiểm soát 63% thị trường co-working space Việt Nam và dự kiến giảm xuống 51% đến cuối năm 2017 do có sự tham gia của các đơn vị mới.

Khảo sát cũng cho thấy tại Việt Nam, 91% người sử dụng không gian làm việc chung thuộc thế hệ Y (thế hệ millenials sinh ra từ 1980 - 2000), cao hơn so với mức trung bình thế giới là 67%.

Hơn 55% người sử dụng co-working space làm việc trong ngành công nghệ thông tin, kế tiếp là các ngành du lịch, tài chính, giáo dục, marketing, bất động sản... So với thế giới, ngành công nghệ thông tin chiếm 27% và kế tiếp là ngành tư vấn với 15% - là hai ngành đặc thù công việc có tính linh hoạt, di động và tính độc lập cao. 54% người sử dụng là sáng lập hoặc nhân viên của các công ty khởi nghiệp và gần 14% là người làm việc tự do hoặc tự kinh doanh.

Các yếu tố quan trọng thúc đẩy mô hình co-working space phát triển chính là sự bùng nổ mạnh mẽ của xu hướng khởi nghiệp. Không gian làm việc chung cung cấp giải pháp giúp tiết kiệm chi phí so với văn phòng truyền thống, trong khi mang đến sự linh hoạt, sáng tạo và tiện ích đa dạng đã trở thành sự lựa chọn hợp lý cho các khách thuê.

Nhu cầu thị trường sẽ tiếp tục đến từ các nhà khởi nghiệp và người kinh doanh tự do, các doanh nghiệp nhỏ cả trong nước và quốc tế. CBRE nhận định, nhu cầu tích hợp mô hình co-working space trong các tòa văn phòng truyền thống cũng bắt đầu xuất hiện, đòi hỏi các chủ đầu tư phải cân nhắc yếu tố lợi nhuận và văn hóa làm việc.

Phân khúc này chiếm khoảng 0,5% diện tích văn phòng truyền thống hạng A và B tại Hà Nội và TP.HCM, nếu tốc độ tăng trưởng duy trì 50% mỗi năm như hiện tại thì tổng diện tích cũng chỉ chiếm 2% vào năm 2020.

CBRE dự báo các đơn vị vận hành đã có mặt trên thị trường như Toong, Dreamplex và Up sẽ tiếp tục mở thêm nhiều địa điểm mới để đạt được quy mô lớn, thiết lập mạng lưới và tăng trưởng thị phần.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận