Ericsson trình diễn các bước tiến của công nghệ 5G tại Việt Nam

Ericsson trình diễn các bước tiến của công nghệ 5G tại Việt Nam

Sáng nay, Cục tần số vô tuyến điện, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Công ty Ericsson tổ chức hội thảo về công nghệ 5G và lần đầu trình diễn công nghệ 5G ở Việt Nam. Đây cũng là hội thảo đầu tiên về 5G được tổ chức tại khu vực Đông Dương.

Sự kiện quan trọng này là một phần trong cam kết của Ericsson đối với Việt Nam trong việc liên tục giới thiệu những sáng kiến mới nhất và ủng hộ tầm nhìn của Chính phủ Việt Nam trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Ericsson hiện là nhà cung cấp công nghệ băng rộng di động lớn nhất tại Việt Nam.

Ericsson trình diễn các bước tiến của công nghệ 5G tại Việt Nam

Bộ trưởng TT-TT Trương Minh Tuấn cùng các đại biểu nghe trình bày về công nghệ 5G. Ảnh: Nguyễn Hoài

Ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện cho biết, mạng 4G chỉ mới được cấp phép và đưa vào sử dụng tại Việt Nam, nên nhiều người băn khoăn liệu việc đề cập đến 5G có là quá sớm? Tuy nhiên, theo ông Hoan, 5G là xu hướng tất yếu của tương lai bởi nó đáp ứng nhu cầu sử dụng dữ liệu tốc độ cao của xã hội số Internet of Things, và có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của nhiều ngành kinh tế quan trọng trong Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Theo báo cáo di động mới nhất của Ericsson, công nghệ 5G đang phát triển nhanh chóng và sẽ có nửa tỷ thuê bao vào năm 2022. Nếu như mạng di động thế hệ đầu tiên 1G chỉ đơn thuần cung cấp dịch vụ thoại, mạng 2G cung cấp dịch vụ thoại+nhắn tin, mạng 3G cung cấp dịch vụ thoại+nhắn tin+dữ liệu, mạng 4G cung cấp các dịch vụ 3G với tốc độ cao hơn thì mạng 5G sẽ là sự đột phá về mọi mặt: 5G cung cấp tốc độ dữ liệu nhanh hơn tới 100 lần với độ trễ mạng giảm 5 lần, lượng dữ liệu di động tăng lên hàng nghìn lần và tuổi thọ pin tốt hơn hàng chục lần. 5G sẽ mở ra nhiều cơ hội kinh doanh mới cho các doanh nghiệp, cung cấp băng thông rộng và dữ liệu đa phương tiện ở mọi nơi cho người dùng cuối. Xã hội kết nối IoT sẽ không thể thành công nếu không có 5G. Ericsson khuyên Việt Nam nên triển khai sớm mạng 5G.

Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cho rằng, Việt Nam đã ứng dụng 4G chậm hơn nhiều nước trong khu vực, do đó cần sớm tìm hiểu về 5G để Việt Nam là một trong những nước ứng dụng sớm 5G ở khu vực. Bộ trưởng cho biết, hiện nay nhiều thành phố của Việt Nam quan tâm tới việc triển khai thành phố thông minh, một nội dung mà Thủ tưởng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo các bộ, ngành phải quan tâm thực hiện. Muốn thúc đẩy IoT và phát triển thành phố thông minh thì việc đẩy nhanh đưa 5G vào ứng dụng thực tế là rất quan trọng. Bộ trưởng hoan nghênh và đánh giá cao buổi trình diễn công nghệ 5G của Ericsson.

Ông Denis Brunetti, Tổng Giám đốc công ty Ericsson Việt Nam và Myanmar cho biết: "Tầm nhìn của Việt Nam về ICT sẽ chứng kiến việc giới thiệu công nghệ 5G quy mô lớn trên toàn quốc, mang lại khả năng cung cấp các dịch vụ băng rộng di động tốc độ cao, độ trễ thấp, bao gồm cả việc truyền trực tiếp tín hiệu video 4K đến các thiết bị di động. Nó còn cho phép triển khai các dịch vụ tiên tiến dành cho người dân, từ khả năng truy cập với chất lượng tốt hơn tới dịch vụ y tế trên cả nước, hệ thống giao thông thông minh, bao gồm cả xe ô tô tự lái, cùng với những sáng tạo mới trong nhiều lĩnh vực như dịch vụ tài chính, năng lượng và an toàn xã hội".

"Trong nghiên cứu của Ericsson mang tên Tiềm năng Kinh doanh 5G, chúng tôi đã xác định được cơ hội to lớn cho các nhà khai thác viễn thông, những doanh nghiệp sẽ giải quyết vấn đề số hóa ngành công nghiệp này bằng việc ứng dụng công nghệ 5G; và dự báo tiềm năng doanh thu trên toàn cầu là 582 tỷ USD vào năm 2026. Báo cáo cho thấy ngành sản xuất, năng lượng/dịch vụ công cộng và an toàn xã hội có cơ hội cao nhất để đẩy mạnh và tạo doanh thu nhờ 5G tại Việt Nam. Để nắm bắt được tiềm năng thị trường, bên cạnh việc đầu tư vào công nghệ 5G và lập kế hoạch sớm, cần phát triển kinh doanh, các mô hình khả thi với thị trường và sự thích ứng của các tổ chức", ông Denis chia sẻ.

Tại buổi trình diễn sáng nay, Ericsson đã trình diễn hệ thống thử nghiệm 5G thực tế với công nghệ Massive MIMO đạt tốc độ tải 5G và độ trễ cực thấp. Nội dung trình diễn gồm ứng dụng thực tế ảo tăng cường, trong đó người tham dự được quan sát và trực tiếp trải nghiệm cánh tay robot cảm nhận cử chỉ của Ericsson. Người tham gia có thể điều khiển cánh tay robot theo thời gian thực thông qua sử dụng cử chỉ của bàn tay và ngón tay. Các ứng dụng này có thể được sử dụng trong nhiều công việc, bao gồm phẫu thuật từ xa, quản lý tai nạn đường bộ, các tình huống mà sự có mặt của con người có thể không an toàn. Ericsson cũng trình diễn khả năng 5G hỗ trợ phát trực tuyến hình ảnh video 4K với tốc độ cao, không bị trễ, ngắt quãng. Các trình diễn khác bao gồm những sáng kiến trong các lĩnh vực mạng, các ngành công nghiệp kết nối và các giải pháp kinh doanh số hóa…

M.A

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận