Facebook, Google có “bỏ” Việt Nam vì quy định đặt máy chủ?

Facebook, Google có “bỏ” Việt Nam vì quy định đặt máy chủ?

Dự thảo Luật An ninh mạng do Bộ Công an xây dựng đã làm dấy lên lo ngại vì có thể dẫn đến nguy cơ các nhà cung cấp ứng dụng Facebook, Google, Viber, Skype… rời bỏ Việt Nam.

Theo quy định tại mục 4 điều 34 Dự luật An ninh mạng, tất cả các dịch vụ của nước ngoài đang cung cấp tại Việt Nam hiện nay như Google, Facebook, Viber, Skype, Gmail, Uber... buộc phải có giấy phép hoạt động, có cơ quan đại diện, có đặt máy chủ quản lý dữ liệu người dùng ở Việt Nam mới được cung cấp dịch vụ tại Việt Nam. 

Nếu quy định trong Dự thảo này được thông qua và trong trường hợp các doanh nghiệp lớn như Google, Facebook không tuân thủ, nhiều người cho rằng sẽ rất thiệt thòi cho sự phát triển của Internet nói riêng, kinh tế số Việt Nam nói chung, đặc biệt trong kỷ nguyên 4.0 hiện nay.

Facebook, Google có “bỏ” Việt Nam vì quy định đặt máy chủ?

Google, YouTube, Facebook, Gmail, Skype, Viber... có thể từ bỏ thị trường Việt Nam?

Tuy nhiên, trên VTC News, Thạc sỹ Luật Kinh tế Nguyễn Phan Anh lại phản bác quan điểm đó và cho rằng hai gã khổng lồ công nghệ nước Mỹ rất khó rời bỏ Việt Nam bởi đây là một trong những thị trường hấp dẫn và tiềm năng nhất của họ.

Thống kê của We Are Social tính đến tháng 7/2017, Việt Nam xếp thứ 7 trong danh sách 10 quốc gia có người dùng Facebook đông nhất thế giới với 64 triệu người dùng, chiếm 3% tổng số người dùng toàn cầu. Những con số này cho thấy sự phổ biến của mạng Facebook trong xã hội Việt Nam, đặc biệt, có tới hơn 60% người sử dụng thuộc lứa tuổi thanh, thiếu niên - thế hệ quyết định tương lai của đất nước.

Trong khi đó, Google gần như trở thành công cụ tìm kiếm mà toàn bộ dân số trên thế giới đều sử dụng, không chỉ riêng tại Việt Nam. "Theo khảo sát của các tổ chức quốc tế thì tốc độ phát triển và phổ cập internet ở Việt Nam là khá cao, đứng trong top 20 quốc gia có nhiều người sử dụng internet nhất trên thế giới. Vì vậy, các doanh nghiệp nước ngoài như Facebook và Google không dễ dàng từ bỏ thị trường Việt Nam như vậy", ông Phan Anh nhận định.

Facebook, Google có “bỏ” Việt Nam vì quy định đặt máy chủ?

Theo ông Phan Anh, yêu cầu Google hay Facebook phải đặt máy chủ ở Việt Nam có thể gây khó khăn cho các doanh nghiệp này, nhưng để đi tới quyết định từ bỏ một thị trường hấp dẫn lại phụ thuộc vào doanh thu thực tế và sự dự đoán chiến lược mang tính dài hạn tại một thị trường nào đó.

Ông Phan Anh trích dẫn số liệu của Vinalink năm 2015 cho thấy Facebook hiện đứng số 1 về doanh thu trực tuyến tại Việt Nam với doanh số khoảng hơn 3.000 tỷ đồng (tương đương 150 triệu USD); Google đứng ở vị trí thứ 2 với 2.200 tỷ đồng (khoảng 100 triệu USD).

Còn lại, các công ty quảng cáo của Việt Nam như Admicro, Adtima, Cốc Cốc… chỉ chiếm tỉ lệ doanh thu khá nhỏ trong "miếng bánh" này với tổng số khoảng 1.900 tỷ đồng. Doanh số trên cho thấy, cán cân chênh lệch rất lớn giữa các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài.

Theo ông Phan Anh, việc đưa ra các tiêu chí về sự hiện diện pháp nhân (văn phòng đại diện) và các yếu tố kỹ thuật (đặt máy chủ và duy trì đội ngũ nhân sự) theo dự luật về lý thuyết sẽ khiến cho các doanh nghiệp nước ngoài phải đầu tư vào Việt Nam, làm gia tăng chi phí, thời gian cho doanh nghiệp nước ngoài. Nhưng điều này lại khá có lợi cho nền kinh tế Việt Nam vì có thêm được các khoản đầu tư lớn vào thị trường trong nước, gián tiếp tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người lao động Việt Nam.

Mặt khác, các trở ngại như vậy cũng khiến cho các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ ở Việt Nam có chút lợi thế cạnh tranh hơn so với các tập đoàn nước ngoài (nếu so sánh với trước đây). Vì thế các doanh nghiệp trong nước nên tận dụng thời điểm này để phát triển thị trường nhanh hơn nếu có điều kiện hoặc tung ra các dịch vụ Internet thay thế cho các dịch vụ đã bị rút lui khỏi thị trường Việt Nam vì các yếu tố pháp lý và phân tích thị trường.

Facebook, Google có “bỏ” Việt Nam vì quy định đặt máy chủ?

Trên báo Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Hồng Văn, Phó viện trưởng Viện An toàn thông tin, sự "phủ sóng" rộng của Facebook, Google cũng kèm theo những phát sinh tiêu cực ngày càng lớn như: tin giả, lừa đảo, xúc phạm lãnh đạo, chống phá Nhà nước, tuyên truyền văn hóa tiêu cực... gây khó khăn rất lớn cho cơ quan quản lý cũng như ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển chung của đất nước. Đó là chưa kể lĩnh vực an ninh mạng ngày càng đóng vai trò sống còn đối với đất nước trong cuộc cách mạng 4.0.

Do đó, ông Văn cho rằng quy định đặt máy chủ tại Việt Nam là cần thiết nếu xét từ góc độ an ninh mạng quốc gia: "Điều gì sẽ xảy ra nếu thông tin cá nhân, vị trí, thói quen của người dân Việt Nam bị thu thập phục vụ mục đích của kẻ xấu thông qua các dịch vụ nêu trên, trong khi chúng ta chẳng hay biết và cũng không quản lý được gì? Giả sử chẳng may có một cuộc chiến tranh mạng tấn công Việt Nam từ những sơ hở nêu trên, hậu quả là khôn lường vì chúng ta không nắm được tình hình. Do vậy, theo tôi, quy định này là cần thiết để cơ quan quản lý kiểm soát các dịch vụ nước ngoài tại Việt Nam. Nó là nền tảng để Nhà nước có thể tiến hành các bước tiếp theo trong việc đảm bảo an ninh mạng quốc gia".

G.L

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận