Hà Nội có thể chặt hạ, thay thế toàn bộ cây xà cừ

Hà Nội có thể chặt hạ, thay thế toàn bộ cây xà cừ

Cây xà cừ không thuộc nhóm cây trồng đô thị, giá trị kinh tế thấp, lại dễ gãy đổ trong mùa mưa nên thành phố sẽ tổ chức lấy ý kiến việc thay thế.

Để có cơ sở xây dựng phương án chặt hạ, thay thế toàn bộ cây xà cừ trên địa bàn các quận, Sở Xây dựng Hà Nội vừa đề nghị các đơn vị liên quan nghiên cứu đầy đủ về cây xà cừ, từ đó đưa ra giải pháp. 

Trước mắt, với những cây xà cừ sâu mục, cong nghiêng, u bướu có nguy cơ gây mất an toàn, Sở đề nghị chặt hạ, trồng thay thế bằng các loại cây phù hợp với đô thị. Về lâu dài, toàn bộ xà cừ sẽ được thay thế bằng hệ thống cây xanh có nhiều tính năng, tạo môi trường xanh, không gian sạch cho thành phố.

Hà Nội có thể chặt hạ, thay thế toàn bộ cây xà cừ

Thành phố Hà Nội có trên 4.000 cây xà cừ già cỗi.

Xà cừ được trồng ở Hà Nội chủ yếu từ thời Pháp, từ năm 1960 đến nay thành phố không trồng loại này. Thuộc giống cây gỗ lớn, có bóng mát, màu xanh quanh năm và tuổi thọ hơn 100, hàng cây xà cừ ở Hà Nội là nơi che nắng, che mưa cho học sinh, gắn liền với tuổi thơ của nhiều người. 

Tuy nhiên, xà cừ không phải là cây trồng đô thị, không có khả năng chống chịu tốt trong mùa mưa bão, giá trị kinh tế thấp. Thống kê từ Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội, từ năm 2014 đến 2016 có 132 cây xà cừ bị đổ trong mùa mưa bão, chiếm tỷ trọng lớn lượng cây gãy đổ, gây thiệt hại với người và tài sản. Để đảm bảo an toàn trước mùa mưa bão, đơn vị liên quan đã phải cắt các cành to, tán xòa rộng, mất cân đối, gây nguy hiểm. Vì vậy nhiều cây xà cừ không còn tán che mát, không đảm bảo cảnh quan.

Thống kê chưa đầy đủ, hiện Hà Nội có hơn 4.000 cây xà cừ già cỗi (các quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Hà Đông chưa thống kê), được trồng ở đường phố Hoàng Diệu, Lê Hồng Phong, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Hoa Thám, La Thành, đường Láng, Trần Thánh Tông, Yên Phụ...  

Theo VnExpress

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận