Hà Nội đặt mục tiêu chiếm 20% doanh thu Công nghiệp CNTT cả nước

Hà Nội đặt mục tiêu chiếm 20% doanh thu Công nghiệp CNTT cả nước

Đến năm 2020, doanh thu công nghiệp CNTT của Hà Nội sẽ chiếm 20% tổng doanh thu công nghiệp CNTT cả nước. Trong đó, công nghiệp phần mềm, nội dung số và dịch vụ CNTT của Hà Nội tăng trưởng 20%/năm và góp 30%/năm cho doanh thu lĩnh vực này của cả nước.

Đây là một trong những mục tiêu cụ thể của Kế hoạch phát triển công nghiệp CNTT thành phố Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020 vừa được Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung ký ban hành.

Hà Nội đặt mục tiêu chiếm 20% doanh thu Công nghiệp CNTT cả nước

Trong kế hoạch phát triển Công nghiệp CNTT thành phố giai đoạn 2016 - 2020, với khu CNTT tập trung Cầu Giấy, UBND Thành phố đặt mục tiêu đưa tỷ trọng lao động CNTT trong khu chiếm khoảng 80% và tăng khoảng 5 - 10% doanh thu thuần trong lĩnh vực CNTT (Nguồn ảnh: ict-hanoi.gov.vn)

Hà Nội muốn thành Trung tâm khởi nghiệp CNTT hàng đầu cả nước

Theo Kế hoạch mới được ban hành, Hà Nội muốn phát triển công nghiệp CNTT trở thành ngành kinh tế tri thức, có giá trị gia tăng cao, với trọng tâm là công nghiệp phần mềm, nội dung số và dịch vụ CNTT; là động lực phát triển các ngành kinh tế khác để phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.

Phấn đấu đến năm 2020, các sản phẩm phần mềm, nội dung số và dịch vụ CNTT của Thủ đô đáp ứng tốt yêu cầu cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử phục vụ hiệu quả các tổ chức và công dân, xây dựng Hà Nội thành trung tâm sáng tạo, khởi nghiệp CNTT hàng đầu cả nước.

Bên cạnh mục tiêu chiếm 20% tổng doanh thu công nghiệp CNTT cả nước, Kế hoạch phát triển công nghiệp CNTT thành phố Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020 của UBND TP Hà Nội cũng đưa ra các mục tiêu cụ thể khác như: Thu hút được khoảng 80.000 lao động trực tiếp về CNTT; Nâng cao sức cạnh tranh, duy trì vị trí thuộc nhóm 10 thành phố hấp dẫn nhất về gia công phần mềm toàn cầu; Đưa vào hoạt động 2 khu CNTT tập trung; Phát triển ít nhất 2 nhóm sản phẩm CNTT trọng điểm; đồng thời phấn đấu có 5% số doanh nghiệp CNTT trên địa bàn Hà Nội đạt các chứng chỉ CMM, CMMi, ISO/IEC…, ươm tạo được 70% số doanh nghiệp CNTT khởi nghiệp trong tổng số doanh nghiệp CNTT hoạt động trong Vườn ươm.

Định kỳ hàng năm sẽ khảo sát hiện trạng doanh nghiệp, sản phẩm CNTT

Cũng theo UBND TP Hà Nội, 5 nội dung công việc sẽ được Thành phố tập trung triển khai trong thời gian tới để phát triển công nghiệp CNTT của Thành phố, bao gồm: Phát triển các khu CNTT tập trung; Hỗ trợ nâng cao năng lực hoạt động, sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp CNTT của Hà Nội; Phát triển sản phẩm và dịch vụ CNTT; Phát triển nguồn nhân lực CNTT; và Xúc tiến đầu tư, thương mại và phát triển thị trường.

Trong đó, về phát triển các khu CNTT tập trung, Hà Nội sẽ tập trung triển khai xây dựng và đưa vào hoạt động Khu Công viên phần mềm và nội dung số trọng điểm của thành phố theo mô hình khu CNTT tập trung chuẩn quốc tế, tạo môi trường làm việc hiện đại nhằm thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước, các doanh nghiệp CNTT và nguồn nhân lực chất lượng cao về phần mềm và nội dung số; đồng thời đây cũng là trung tâm sáng tạo, ứng dụng, chuyển giao công nghệ và ươm tạo doanh nghiệp CNTT hàng đầu của cả nước.

Bên cạnh đó, thu hút đầu tư và hoàn thiện khu Công viên công nghệ phần mềm Hà Nội và khu Công viên CNTT Hà Nội với trọng tâm là hoàn thành xây dựng các phân khu chức năng, các phân khu phục vụ sản xuất, cung cấp các sản phẩm và dịch vụ CNTT song song với việc đưa vào hoạt động những phân khu đã hoàn thiện. Đối với khu CNTT tập trung Cầu Giấy, phấn đấu tỷ trọng lao động CNTT trong khu chiếm khoảng 80% và tăng khoảng 5 - 10% doanh thu thuần trong lĩnh vực CNTT. Đồng thời, kết nối các khu CNTT tập trung trên địa bàn thành chuỗi các khu CNTT tập trung của thành phố Hà Nội.

Về hỗ trợ nâng cao năng lực hoạt động, sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp CNTT trên địa bàn thành phố, cùng với việc tổ chức khảo sát, đánh giá hiện trạng doanh nghiệp, sản phẩm CNTT định kỳ hàng năm, cũng sẽ xây dựng Vườn ươm doanh nghiệp CNTT đổi mới sáng tạo Hà Nội để ươm tạo những dự án nhiều tiềm năng, những ý tưởng sáng tạo có tính khả thi, các doanh nghiệp CNTT khởi nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh; tiến tới nhân rộng tạo thành mạng lưới các Vườn ươm doanh nghiệp CNTT trên địa bàn thành phố và kết nối với các vườn ươm trong cả nước.

Cùng với đó, tổ chức các hoạt động cung cấp các dịch vụ phát triển kinh doanh như: đào tạo, tư vấn, thông tin, thị trường... để hỗ trợ doanh nghiệp CNTT vừa và nhỏ trên địa bàn. Hỗ trợ các doanh nghiệp CNTT phát triển thương hiệu, sản phẩm mới, sản phẩm trọng điểm và thương mại hóa sản phẩm. Tổ chức hội nghị đối thoại thường xuyên với cộng đồng doanh nghiệp CNTT để kịp thời nắm bắt và tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp trên địa bàn thành phố; công khai kết quả giải quyết kiến nghị, khiếu nại của các doanh nghiệp trên Cổng Giao tiếp điện tử Thành phố và Trang thông tin điện tử công nghiệp và doanh nghiệp CNTT thành phố Hà Nội.

Đối với việc phát triển sản phẩm và dịch vụ CNTT, kế hoạch của UBND TP Hà Nội nêu rõ, sẽ nghiên cứu phát triển các sản phẩm CNTT trọng điểm của thành phố; lựa chọn tổ chức, doanh nghiệp CNTT tham gia và hỗ trợ đầu tư nghiên cứu, phát triển, sản xuất, triển khai thử nghiệm, trong đó tập trung vào các nhóm sản phẩm: sản phẩm phần mềm và nội dung số đáp ứng yêu cầu xây dựng Chính phủ điện tử, dịch vụ công trực tuyến phục vụ tổ chức và công dân, sản phẩm an toàn an ninh thông tin, các sản phẩm trên nền tảng di động và Internet, mã nguồn mở và công nghiệp mở, các sản phẩn công nghiệp phụ trợ.

Triển khai các hoạt động thúc đẩy thị trường cung cấp các dịch vụ CNTT thông qua hình thức thuê ngoài các dịch vụ CNTT và hình thức hợp tác công tư (PPP), trong đó ưu tiên các dịch vụ trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây, an toàn thông tin, dịch vụ dữ liệu, phân tích dữ liệu, gia công phần mềm, gia công quy trình, đào tạo.

Về phát triển nguồn nhân lực CNTT, Hà Nội sẽ hỗ trợ tổ chức các khóa đào tạo bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng quản lý doanh nghiệp, kỹ năng chuyên môn CNTT, kỹ năng mềm, kiến thức ngoại ngữ cho các doanh nghiệp CNTT; Đào tạo kiến thức kỹ năng về các chuẩn, tiêu chuẩn quốc tế lĩnh vực CNTT; hỗ trợ đào tạo theo chương trình tăng tốc đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; tổ chức kết nối giữa các viện, trường đại học với doanh nghiệp CNTT để đào tạo nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao; Hỗ trợ tổ chức các khóa đào tạo bồi dưỡng kiến thức cho doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế xã hội trên địa bàn về ứng dụng CNTT trong quản lý và sản xuất kinh doanh, thương mại điện tử, kỹ năng khai thác tài nguyên mạng, sử dụng dịch vụ trực tuyến.

Còn với nội dung xúc tiến đầu tư, thương mại và phát triển thị trường, thời gian tới, Hà Nội sẽ tổ chức  các hoạt động khảo sát, nghiên cứu thị trường trong và ngoài nước; tổ chức hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại thu hút các dự án đầu tư trong và ngoài nước vào các khu CNTT tập trung trên địa bàn Thành phố; tổ chức các hoạt động xúc tiến, mở rộng thị trường cho các sản phẩm và dịch vụ CNTT của Thành phố.

Bên cạnh đó, tổ chức các hoạt động giới thiệu, quảng bá các sản phẩm, dịch vụ CNTT của Hà Nội thông qua các hội thảo, triển lãm trong nước và quốc tế; tổ chức các hoạt động hỗ trợ kết nối doanh nghiệp theo cụm liên ngành (liên kết các khu CNTT tập trung, khu công nghệ cao, các cơ quan quản lý nhà nước, các viện, trường đại học…); tổ chức Sàn giao dịch sản phẩm CNTT

Thông tin từ Sở TT&TT Hà Nội cho hay, chương trình "Phát triển công nghiệp CNTT của Thành phố giai đoạn 2016 - 2020" cùng với các đề án "Xây dựng khu Công viên phần mềm và nội dung số trọng điểm Thành phố", "Vườn ươm doanh nghiệp CNTT" đã được Sở này hoàn thành xây dựng, báo cáo tập thể lãnh đạo UBND TP Hà Nội trong nửa đầu năm nay. Trong các tháng cuối năm 2016, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Sở TT&TT Hà Nội là báo cáo UBND Thành phố phê duyệt và tổ chức triển khai các chương trình, đề án trọng tâm gồm: chương trình "Phát triển công nghiệp CNTT thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2020", đề án "Khu Công viên phần mềm và nội dung số trọng điểm Thành phố", đề án "Vườn ươm doanh nghiệp CNTT", đề án "Tôn vinh doanh nghiệp CNTT"; đồng thời đẩy mạnh hoạt động của các khu CNTT tập trung và ứng dụng CNTT trong các doanh nghiệp nhà nước.

Theo ICTnews

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận