Hiểm hoạ từ mạng xã hội: Im lặng hay lên tiếng?

Hiểm hoạ từ mạng xã hội: Im lặng hay lên tiếng?

Nhận “trái đắng” từ mạng xã hội

Thời gian vừa qua, vụ việc em H.T.L (Học sinh lớp 11, Trường THPT Nguyễn Mậu Đức, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) tự tử do bị phát tán ảnh riêng tư lên mạng xã hội đã dấy lên làn sóng bức xúc mạnh mẽ trong công chúng.

Theo lời kể lại của ông Hồ Hữu Tân – bố nạn nhân, tối ngày 10/03, gia đình ăn cơm tối xong thì L và 2 người em ruột cùng vào học bài; lúc này thấy tâm trạng của L vẫn vui vẻ bình thường, còn chỉ dạy cho các em học. Khoảng 21 giờ, vợ chồng đi sang bên nhà người thân có công việc, đến 23 giờ quay về nhà thì không thấy L đâu. Sau một hồi tìm kiếm, mọi người quay vào trong căn nhà nhỏ, nơi gia đình ở tạm để xây nhà thì thấy một tờ giấy gấp kẹp vào cánh cửa tủ lạnh với nội dung: “Chào bố mẹ, bố mẹ nuôi con ăn học đói khổ cũng vì con; đến bây giờ lớn khôn rồi mà chưa giúp gì cho bố mẹ. Giờ con mắc lỗi không muốn gặp bố mẹ nữa, chào bố mẹ, con đi đây, kiếp sau con sẽ đền đáp công ơn! Con xin lỗi bố mẹ”. Sáng hôm sau, cả gia đình tìm thấy cháu ngay dưới ao trước nhà.

Hiểm hoạ từ mạng xã hội: Im lặng hay lên tiếng?
Hình ảnh của em H.T.L được đăng tải trên trang Songlamplus,vn

Tìm hiểu kĩ nguyên nhân, ông không khỏi xót xa vì cái chết ở tuổi còn xanh của con gái mình xuất phát từ clip ghi lại cảnh L và một bạn nam trong lớp hôn nhau bị lan truyền trên mạng xã hội. Điều đáng nói là trong số đó có những fanpage, trang thông tin có hơn 1 triệu lượt người theo dõi như songlamplus.vn đã đăng tải clip của L không che mặt. Chiều tối ngày 11/03, các trang mạng nói trên đã gỡ bỏ clip.

Đây không phải là trường hợp đầu tiên và duy nhất nhận trái đắng từ mặt trái của mạng xã hội. Tháng 06/2013, nữ sinh N.T.C.L mới tốt nghiệp lớp 12 Trường THPT Hai Bà Trưng (Thạch Thất, Hà Nội) bị bạn cùng lớp ghép ảnh chân dung vào tấm ảnh quảng cáo có một cô gái mặc áo rộng cổ rồi tung lên Facebook. Bức ảnh ghép trở thành tâm điểm bị bạn bè trêu đùa, khiến L xấu hổ và uống thuốc diệt cỏ. Gia đình phát hiện và đưa em đi cấp cứu những do uống quá nhiều thuốc, em đã tử vong sau đó vài ngày.

Một trường hợp xót xa khác là câu chuyện nữ sinh Đồng Nai cũng uống thuốc diệt cỏ tự tử vì bị tung clip sex. Tháng 06/2015, sau khi cãi nhau với bạn trai, N.T.A.T phát hiện clip quay cảnh ân ái của mình với bạn trai bị tung lên Facebook. Quá xấu hổ trước những bình luận ác ý của cư dân mạng, T đã uống thuốc diệt cỏ để tìm đến cái chết. Gia đình phát hiện, đưa đến viện nhưng do chất độc quá mạnh dẫn đến tử vong.

Im lặng hay lên tiếng?

Câu chuyện “kẻ đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh” vẫn được tiếp nối khi mạng xã hội trở thành một không gian sống thứ hai của con người. Ở đó, con người thoải mái thể hiện mình, kết giao với bạn bè, tìm kiếm công việc nhưng cũng là nơi để họ đăng tải những thông tin nhạy cảm và không ngần ngại đả kích người khác bằng hàng trăm bình luận ác ý.

Thế giới trên mạng xã hội là một thế giới ảo nhưng những hậu quả mà nó gây ra lại là thật. Trở lại với gia đình em H.T.L, bố em không kìm được nước mắt: “Đau đớn quá! Gia đình không ngờ cháu lại dại dột tự vẫn như thế. Sau khi sự việc xảy ra, tôi mới hỏi dò chị gái ruột của L (tên Hồ Thị Xinh) mới biết nguyên nhân khiến cháu tự vẫn là vì trang mạng xã hội chia sẻ clip giữa cháu và một học sinh nam lên mạng. Chúng tôi không muốn làm to chuyện, chỉ mong các cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm trang songlamplus.vn để tránh những hậu quả về sau”.

Hiểm hoạ từ mạng xã hội: Im lặng hay lên tiếng?
Hiện trường nơi phát hiện ra thi thể em L

Có những công cụ “giết” người không bằng dao, kéo mà “giết” chết con người ta bằng chính những câu chữ, hình ảnh được phát tán ở trên đó. Nỗi đau sẽ còn mãi với “những gia đình có đứa con tự tử” vì không thể chịu nổi áp lực khi bản thân mình trở thành trò đùa trên mạng xã hội.

Nhưng, im lặng chịu đựng nỗi mất mát lớn lao khi đứa con đang ở tuổi ăn tuổi lớn, phụ giúp đỡ đần được bố mẹ như gia đình em L hay nên đi đến tận cùng của sự việc để trừng phạt những kẻ đã gây ra nỗi đau cho gia đình? Đâu mới là cách giải quyết tốt nhất?

Chị Phạm Hương Trà – Giảng viên chuyên ngành Xã hội học (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) chia sẻ: “Trước khi đưa ra quyết định nên lên tiếng hay không, cần tìm hiểu nguyên nhân rõ ràng của sự việc ở nhiều khía cạnh và dựa vào luật pháp để làm rõ. Dưới góc độ là một nhà nghiên cứu xã hội học, theo chị bố mẹ cần có quá trình nói chuyện với con cái ngay từ đầu để chuẩn bị tâm lý cho con, tránh tình trạng lúc sự việc xảy ra rồi mới giải quyết hậu quả cuối cùng. Tuy nhiên, việc này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như nhận thức của từng gia đình, bố mẹ có thời gian hay không hoặc mức độ chia sẻ của bố mẹ với con cái”.

Luật sư Trịnh Công Thanh cũng trả lời khi được hỏi về vấn đề này: “Gia đình nạn nhân hoàn toàn có cơ sở pháp luật để truy cứu trách nhiệm những kẻ đã sử dụng và phát tán hình ảnh nhạy cảm của cô bé, bởi hậu quả của hành vi này rất nặng nề, cần lên án và răn đe (dựa vào Điều 155 – Tội làm nhục người khác thuộc Bộ luật Hình sự năm 2015). Trong trường hợp đó, bố mẹ của các nạn nhân có thể nhận được sự hỗ trợ về mặt pháp luật tại các Trung tâm trợ giúp pháp lý của nhà nước, thuộc các Sở Tư Pháp các Tỉnh/ Thành phố trực thuộc trung ương, vì đối tượng được trợ giúp pháp lý bao gồm trẻ em, người chưa thành niên. Khi làm việc với Trung tâm trợ giúp pháp lý, trung tâm sẽ cử trợ giúp viên pháp luật hoặc luật sư để hỗ trợ cho gia đình các nạn nhân”.

Nhìn lại sự việc, gia đình nạn nhân vì không muốn khơi lại nỗi đau quá lớn cho bạn bè và người thân, chỉ muốn lo cho tốt hậu sự của cháu L để cháu được yên nghỉ. Nhưng chính sự im lặng này đôi khi lại khiến những vụ việc tương tự lại tiếp diễn ở những gia đình khác khi đứa con trở thành nạn nhân của mạng xã hội.

Em Hoàng Anh Minh – Học sinh lớp 10 Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) cho biết: “Theo em, khi đăng tải những hình ảnh cá nhân lên mạng xã hội cần có sự cho phép của chính những người có mặt trong đó vì lứa tuổi bọn em rất bốc đồng, dễ tủi thân và hay xấu hổ. Nếu gặp phải trường hợp tương tự, em nghĩ mình sẽ hỏi ý kiến bố mẹ đầu tiên để tìm hướng giải quyết”.

Cô Hồ Thị Hải Yến – mẹ em Minh chia sẻ: “Từ cấp 1, cô đã luôn cố gắng tâm sự với con những vấn đề trong cuộc sống và cùng con tìm ra cách tốt nhất để con tự giải quyết. Càng lớn, con càng có những biến chuyển tâm lý nhưng cô vẫn để ý con sát sao từ xa, chứ không bắt ép con nên con vẫn cảm thấy có sự riêng tư cá nhân. Chính vì vậy, dù có chuyện gì nó cũng tìm cô chia sẻ đầu tiên. Cô nghĩ đây là cách tốt nhất để tránh những trường hợp xấu do các trang mạng xã hội gây ra như thời gian gần đây”.

Trao đổi với ông Lê Văn Quyết – Phó chủ tịch UBND xã An Hòa cho biết, sau khi sự việc xảy ra, chính quyền đã cử công an xã về nắm bắt tình hình, hiện nay phía gia đình nạn nhân đang lo công việc và không muốn làm đơn khởi kiện. Tuy nhiên, chúng tôi cũng mong muốn các ngành chức năng cần quản lý chặt hơn các trang mạng xã hội, không để phát tán những clip “nhạy cảm” nhằm tránh những sự việc đau lòng xảy ra.

Những câu chuyện nói trên cũng là hồi chuông cảnh tỉnh cho những bạn trẻ khi tham gia mạng xã hội nên tỉnh táo và có chừng mực. Những bình luận vô tình của mình có thể trở thành lưỡi dao giết chết một con người. Đó cũng bài học thực tế cay đắng cho các bậc phụ huynh nên chia sẻ, nắm bắt kịp thời những tâm lý và sự việc xảy ra xung quanh con, cả trong cuộc sống lẫn trên mạng xã hội. Đặc biệt, các trang tin khi đưa thông tin đến với công chúng nên cân nhắc nặng – nhẹ, những hậu quả mà mình có thể gây ra với chính nhân vật xuất hiện trong bài viết của mình để những nỗi đau mất người thân không còn tiếp diễn.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận