Hiệp hội taxi TP.HCM gửi đơn “thỉnh cầu” Bộ trưởng GTVT trong vụ Grab, Uber

Hiệp hội taxi TP.HCM gửi đơn “thỉnh cầu” Bộ trưởng GTVT trong vụ Grab, Uber

Hiệp hội taxi TP.HCM "thỉnh cầu" đề nghị sớm có giải pháp nhằm cứu vãn khả năng phá sản của hàng trăm doanh nghiệp taxi.

Trong "đơn thỉnh cầu" gửi ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, ngày 12/1, Hiệp hội taxi TP.HCM "đề nghị nhà nước sớm có giải pháp cứu vãn khả năng phá sản của hàng trăm doanh nghiệp taxi chính thống trong cả nước".

Đơn do ông Tạ Long Hỷ, Giám đốc taxi Vinasun, ký tên cho biết, sau hai năm tổ chức thí điểm loại hình xe hợp đồng điện tử từ 09 chỗ ngồi trở xuống theo quy định tại quyết định số 24/QĐ BGTVT ngày 07/01/2016; Ngày 19/12/2017 Bộ Giao thông Vận tải đã tổ chức hội nghị tổng kết, "bên cạnh một số thành quả ở phạm vi hẹp cũng đã bộc lộ quả nhiều thất bại và bất công".

Hiệp hội taxi TP.HCM gửi đơn “thỉnh cầu” Bộ trưởng GTVT trong vụ Grab, Uber

Một phần lá đơn gửi Bộ trưởng GTVT của Hiệp hội taxi TP.HCM

Cụ thể, Hiệp hội taxi TP.HCM cho rằng có bất công về mặt chính sách giữa hai loại hình taxi và hợp đồng điện tử, bởi vì, "quy về bản chất hai loại hình hoạt động như nhau", nhưng Bộ GTVT đã tạo một cơ chế riêng cho loại hình đang thí điểm trong đó nòng cốt và chủ yếu là Grab và Uber.

Để tham gia làm đối tác của Uber hay Grab, các xe phải thuộc các hợp tác xã có chức năng kinh doanh vận tải. Tuy nhiên Hiệp hội cho rằng quan hệ giữa chủ xe, lái xe với doanh nghiệp hợp tác xã chỉ là hình thức, thực tế Uber, Grab chỉ đạo trực tiếp đến các chủ xe và lái xe.

Đơn cũng cho rằng hầu hết xe chạy cho Grab, Uber đều không có đèn mui, không có đặc điểm nhận dạng thương hiệu, không dán logo, riêng phù hiệu có xe dán xe không từ đó dễ dàng "tàng hình" để giành khách và qua mặt các cơ quan chức năng.

Sự bất công và thiếu công bằng về mặt chính sách, đơn viết, đã đẩy hàng trăm hãng taxi chính thống đang lụi tàn, nguy cơ phá sản cao.

Đơn của Hiệp hội taxi TP.HCM cho biết lĩnh vực taxi có thể sẽ bị thôn tính nếu không được Nhà nước kịp thời giải cứu.

Hiệp hội taxi ủng hộ quan điểm cho rằng Grab, Uber đã và đang hoạt động kinh doanh vận tải như taxi, cần quản lý như taxi. Đồng thời dẫn phán quyết của Tòa án công lý Châu Âu khẳng định loại hình kinh doanh nói trên là hoạt động vận tải cần quản lý như một doanh nghiệp kinh doanh vận tải.

Hiệp hội taxi TP.HCM gửi đơn “thỉnh cầu” Bộ trưởng GTVT trong vụ Grab, Uber

Một taxi của Vinasun quảng cáo ứng dụng gọi xe của hãng

Trước đơn thỉnh cầu này, 3 Hiệp hội taxi lớn gồm Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM cũng đồng ký tên trên lá đơn hôm 9/1, gửi Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể, nhằm thể hiện sự bất bình với loại hình kinh doanh Grab và Uber với nội dung gần giống được Hiệp hội taxi TP.HCM nêu như trên.

Grab, Uber là các ứng dụng gọi xe phổ biến ở nhiều khu vực trên thế giới, giúp kết nối lái xe và người gọi xe. Do nhiều yếu tố cạnh tranh hơn so với taxi truyền thống, khách hàng đã chuyển dịch rất nhiều sang gọi xe dạng này, khiến ngành taxi truyền thống ở nhiều nước lao đao.

Cả Grab, Uber đều bị phản đối mạnh mẽ bởi giới taxi toàn thế giới, tuy nhiên chính quyền mỗi quốc gia nơi hai ứng dụng này triển khai đều có chính sách khác nhau đối với loại hình kinh doanh mới mẻ này. Tại Việt Nam, hiện Grab và Uber được triển khai thử nghiệm tại chủ yếu các thành phố lớn là Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng.

Theo ICTnews

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận