Internet Day 2017: Người dùng Việt cần hạn chế tâm lý “kỳ thị ngược”

Internet Day 2017: Người dùng Việt cần hạn chế tâm lý “kỳ thị ngược”

Internet Day 2017: Người dùng Việt cần hạn chế tâm lý “kỳ thị ngược”

Sự kiện Internet Day 2017 và Lễ kỷ niệm 20 năm Internet Việt Nam vừa được Hiệp hội Internet Việt Nam tổ chức ngày 22/11/2017 tại Hà Nội.

Hiệp hội Internet Việt Nam vừa công bố thông điệp của tọa đàm “Internet - Nền tảng cho doanh nghiệp Việt hội nhập kinh tế số”, trong khuôn khổ sự kiện Internet Day 2017 và Lễ kỷ niệm 20 năm Internet Việt Nam vừa diễn ra ngày 22/11/2017 tại Hà Nội.

VIA cho biết, nội dung thông điệp được thống nhất trên cơ sở tiếp thu ý kiến phát biểu chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ TT&TT cùng rất nhiều ý kiến đóng góp của các diễn giả tại tọa đàm “Internet - Nền tảng cho doanh nghiệp Việt hội nhập kinh tế số”.

Theo VIA, nhờ chính sách thông thoáng và thu hút đầu tư nước ngoài hiệu quả, Việt Nam đang là điểm đến tích cực của rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp Internet lớn, phạm vi toàn cầu như Google, Facebook, Alibaba, Uber, Grab, Netflix... Sự hiện diện của họ đã mang lại nhiều tiện ích cho người dùng, đồng thời góp phần thúc đẩy sự phát triển của đời sống xã hội Việt Nam.

Song mặt khác, nhiều bài toán cũng đang được đặt ra cho Chính phủ, các cơ quan quản lý và các doanh nghiệp trong nước. Sự mạnh lên của taxi công nghệ khiến cho nhiều hãng taxi truyền thống đứng bên bờ vực phá sản, Facebook, YouTube kiểm soát tới 80% thị phần quảng cáo tại Việt Nam (tương đương doanh thu hơn 350 triệu USD), 98% thị phần công cụ tìm kiếm trong tay Google, 98% thị phần mạng xã hội thuộc về Facebook, YouTube, 95% thị phần email thuộc về Yahoo, Gmail...

Internet Day 2017: Người dùng Việt cần hạn chế tâm lý “kỳ thị ngược”

Tọa đàm “Internet - Nền tảng cho doanh nghiệp Việt hội nhập kinh tế số” tập trung thảo luận, phân tích các cơ hội và thách thức đang đặt ra cho hệ sinh thái Internet của Việt Nam.

Diễn ra trong khuôn khổ Internet Day 2017, tọa đàm “Internet - Nền tảng cho doanh nghiệp Việt hội nhập kinh tế số” đã tập trung thảo luận, phân tích các cơ hội và thách thức đang đặt ra cho hệ sinh thái Internet của Việt Nam, bao gồm hạ tầng viễn thông - Internet, các ngành nội dung số và dịch vụ giá trị gia tăng trên nền Internet. Trên cơ sở đó, đưa ra những kiến nghị, đề xuất xác đáng với lãnh đạo Chính phủ, Bộ TT&TT về những chính sách, giải pháp đảm bảo và tăng cường sự cạnh tranh trên thị trường, cải thiện năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam, tạo sân chơi công bằng để giá trị mà các doanh nghiệp trong và ngoài nước có thể cùng tạo ra cho nền kinh tế Việt Nam tăng lên.

Thông điệp mới được VIA công bố đã nêu rõ 7 nội dung chính đã được tọa đàm “Internet - Nền tảng cho doanh nghiệp Việt hội nhập kinh tế số” thống nhất đưa ra.

Cụ thể, hạ tầng Internet - viễn thông được xác định luôn là “xương sống” của sự phát triển Internet trong 20 năm qua tại Việt Nam. Trong giai đoạn tiếp theo, phát triển, hiện đại hóa hạ tầng, phổ cập Internet di động tới tất cả người dân cần tiếp tục là ưu tiên quan trọng của Chính phủ.

Đồng thời, Internet không còn bó hẹp trong nội dung số, với khả năng tác động 2 - 3% GDP. Thay vào đó, Internet đã không thể tách rời với các ngành thương mại dịch vụ như ngân hàng, giao thông, y tế… với khả năng tác động tới 40 - 50% GDP Việt Nam. Vì vậy, doanh nghiệp Việt nên cân nhắc lựa chọn những ngành dịch vụ mới, có nhiều tiềm năng, như thanh toán, Smart City, Smart Solutions,  IoT... để đầu tư, đón đầu xu hướng thế giới.

Thông điệp cũng đưa ra đề xuất, cần sớm ban hành, triển khai vào thực tế các quy định hỗ trợ, “giảm bớt sự chồng chéo, ràng buộc”, tháo gỡ bớt các ràng buộc cho doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái Internet trong nước phát triển (về thuế, điều kiện kinh doanh, thủ tục cấp phép hiện hành…), tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước được cạnh tranh bình đẳng, công bằng hơn với các doanh nghiệp nước ngoài, cụ thể là doanh nghiệp Internet xuyên biên giới, hạn chế tình trạng bảo hộ ngược, miễn là các giải pháp đó phù hợp với thông lệ và cam kết quốc tế.

Bên cạnh đó, cần đẩy nhanh tốc độ cải thiện môi trường kinh doanh cho khu vực kinh tế tư nhân – động lực chính của nền kinh tế số hội nhập. Càng nhiều rào cản cho doanh nghiệp nói chung và ngành Internet nói riêng thì tốc độ cuộc chơi, tốc độ thay đổi và đạt đến mục tiêu của doanh nghiệp Việt Nam sẽ càng chậm.

Internet Day 2017: Người dùng Việt cần hạn chế tâm lý “kỳ thị ngược”

Thông điệp mới được VIA công bố nêu rõ, người dùng cần hạn chế tâm lý “kỳ thị ngược” - chỉ chuộng và khen sản phẩm ngoại, quay lưng với sản phẩm, doanh nghiệp Việt, dù rất nhiều công ty Việt, sản phẩm Việt lại được đón nhận nhiệt tình ở thị trường quốc tế (Ảnh minh họa)

Tại Thông điệp, VIA cũng cho rằng, việc mở cửa thị trường cho đầu tư nước ngoài cần một lộ trình phù hợp, khoa học, dài hạn để đảm bảo các doanh nghiệp Việt Nam có đủ nội lực cạnh tranh và cạnh tranh lâu dài với các doanh nghiệp nước ngoài. Tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại các doanh nghiệp Việt Nam, đặt biệt trong các ngành kinh doanh có điều kiện thuộc lĩnh vực tài chính ngân hàng như trung gian thanh toán cần được quy định, khống chế ở mức hợp lý, đảm bảo sự bền vững và ổn định cho nền kinh tế vĩ mô. “Bài học mở cửa thị trường viễn thông - Internet có giá trị tham khảo rất lớn cho các ngành kinh tế trọng yếu khác của Việt Nam”, thông điệp nêu. 

Thông điệp chỉ rõ, trong kỷ nguyên số, luôn cần một sự kết nối chặt chẽ giữa Nhà nước, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp và doanh nghiệp. Cả ba phía cần cởi mở, chia sẻ, trao đổi và thảo luận nhiều hơn, để cùng đồng hành trên hành trình này, cùng hướng tới phục vụ Quốc gia và người dân Việt Nam. Các doanh nghiệp Việt cũng cần liên kết, liên minh với nhau mạnh hơn, cùng hướng tới những mục tiêu chung, cùng cất lên tiếng nói đến Chính phủ để tháo gỡ các vấn đề chính sách.

Đáng chú ý, tại thông điệp tọa đàm “Internet - Nền tảng cho doanh nghiệp Việt hội nhập kinh tế số”, VIA nhấn mạnh, truyền thông cũng cần nhập cuộc, dành cái nhìn thiện chí và đánh giá công bằng hơn cho các nỗ lực, sản phẩm và doanh nghiệp Việt Nam. Đồng thời, báo chí truyền thông cần tích cực tuyên truyền tới người dân, xã hội, kêu gọi cộng đồng ủng hộ các sản phẩm, sáng tạo, doanh nghiệp Việt Nam: “Người dùng cần hạn chế tâm lý “kỳ thị ngược”: Chỉ chuộng và khen sản phẩm ngoại, quay lưng với sản phẩm, doanh nghiệp Việt, dù rất nhiều công ty Việt, sản phẩm Việt lại được đón nhận nhiệt tình ở thị trường quốc tế”.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận