Kế hoạch giảm nửa dân số thế giới của Thanos trong Avengers: Infinity War đã từng có tiền lệ trong lịch sử

Kế hoạch giảm nửa dân số thế giới của Thanos trong Avengers: Infinity War đã từng có tiền lệ trong lịch sử

Nổi bật nhất trong phim Avengers: Infinity War có lẽ không ai khác ngoài Thanos, nhân vật phản diện cực mạnh trong thế giới Marvel. Ông ta hầu như khác hoàn toàn với những nhân vật phản diện trước đó: trầm tĩnh hơn, điềm đạm hơn và luôn nung nấu mục tiêu "giảm một nữa dân số toàn vũ trụ".

Kế hoạch giảm nửa dân số thế giới của Thanos trong Avengers: Infinity War đã từng có tiền lệ trong lịch sử

Cho rằng điều mình làm sẽ giúp vũ trụ thoát khỏi thảm cảnh suy tàn vì cạn kiệt nguồn tài nguyên, Thanos đã tìm mọi cách để thu thập cho được 6 viên đá Vô Cực. Và ngay sau khi đã đủ 6 viên đá toàn năng, Thanos đã thực hiện điều ông ta muốn - một nữa dân số toàn vũ trụ đã biến mất. Đối với các siêu anh hùng Marvel, điều này thật điên rồ, nhưng tại sao Thanos vẫn luôn cho rằng điều này là cần thiết? Kể cả khi phải hy sinh chính người con nuôi yêu quý của mình?

Trong rất nhiều cảnh, các siêu anh hùng lẫn con gái nuôi của Thanos là Gamora cũng đều cho rằng việc hủy diệt một nữa dân số trên toàn vũ trụ là một điều cực kỳ điên rồ, tàn ác. Nhưng Thanos vẫn luôn cho rằng đó là một sự "cứu rỗi", cứu rỗi những hành tinh thoát khỏi cảnh diệt vong khi người dân sử dụng vô tội vạ nguồn tài nguyên – vốn hữu hạn. Bạn nghĩ rằng ý tưởng này chỉ có trên các phim khoa học viễn tưởng? Thực tế thì ý tưởng này đã từng xuất hiện trước đó trong lịch sử loại người. Đã có rất nhiều các nhà nghiên cứu quan tâm đến vấn đề quá tải dân số và sự cạn kiệt nguồn tài nguyên này.

Triết lý của Thanos gợi nhớ đến một lý thuyết của một nhà kinh tế chính trị người Anh - Thomas Malthus. Năm 1798, ông đã xuất bản một quyển sách với tên "Essay on the Principle of Population" (tạm dịch – Kinh nghiệm về quy luật dân số). Các lập luận của ông dựa trên các quan sát về tình hình gia tăng dân số của Anh những năm 1700, ông cho rằng nếu mọi người cứ tiếp tục sinh con, dân số sẽ tăng và đến một lúc nào đó sẽ không còn đủ tài nguyên, lương thực cho con người nữa. Điều này sẽ dẫn đến đói nghèo, bệnh tật và môi trường bị hủy hoại. Giải pháp của Malthus chính là hạn chế sinh con và trì hoãn hôn nhân để kiềm hãm sự gia tăng dân số quá mức, đặc biệt ở các khu vực nghèo.

"Đó là mô hình của Malthus, và điều đó đã kết thúc," David Weil, giáo sư và chủ tịch kinh tế học tại Đại học Brown nói. "Đó không phải là thế giới chúng ta đang sống nữa."

Điều mà Malthus không ngờ tới, đó các cuộc cách mạng công nghiệp lẫn những tiến bộ vượt bậc trong khoa học công nghệ đã đưa dân số của trái đất lên 7,5 tỷ người, và còn đang tiếp tục tăng. Malthus lo lắng về số lượng đất mà chúng ta có thể canh tác để duy trì dân số ngày càng tăng, nhưng ngày nay, việc sử dụng phân bón, máy móc và cây trồng được thiết kế để khai thác nhiều hơn từ vùng đất đó. Ví dụ như khi xưa những vùng đầm lầy, chua phèn không thế canh tác được, nay đã có thể được cải tạo để có thể phục vụ cho nông nghiệp. Có thể thời đại của Malthus đã làm cho ông không nhận ra được những tiến bộ này, ông chỉ thấy một tương lai u ám cho nhân loại, nhưng hiện nay nhân loại đang vượt qua hầu hết những trở ngại đó.

Thanos, thì không muốn nói nhiều, ông ta tự tay hành động bằng cách diệt chủng một nữa dân số. Nhưng Malthus thì không, Malthus không kêu gọi giết người để giảm tải cho các nguồn tài nguyên. Ông chỉ đưa ra những cảnh báo.

Trong Avengers: Infinity War, rõ ràng Thanos đã "vận dụng" lý thuyết của Malthus vào mục tiêu và hành động của mình. Nó ngẫu nhiên giống với các cuộc diệt chủng của các độc tài trong lịch sử, Jeff Nekola, một nhà sinh vật học tại Đại học New Mexico, người đã viết về Malthus và tăng trưởng kinh tế cho hay. Các ví dụ như: Holocaust – thảm họa lớn nhất của dân tộc Do Thái cuối những năm 1930 trong Thế Chiến II, khi sáu triệu người Do Thái trên khắp châu Âu bị giết hại. Vụ thảm sát của Khmer Đỏ ở Campuchia vào những năm 1970 khiến 2 triệu người thiệt mạng (khoảng 20% dân số Campuchia lấy bấy giờ). Cuộc diệt chủng ở Rwanda năm 1994 khiến gần 1 triệu người thiệt mạng…

Tuy nhiên, cũng phải xem xét một khía cạnh tích cực trong lý tưởng của Thanos, ta hãy nhìn về lịch sử - đợt đại dịch hạch Cái Chết Đen tại Châu Âu thời Trung cổ, đã xóa sổ gần 50% dân số châu Âu lúc bấy giờ. Trước khi đại dịch xảy ra, con người đông đúc, chen chúc trong một môi trường đầy ô nhiễm, nghèo đói. Thật bất ngờ, sau đại dịch, số lượng lương thực tăng lên, giá cả giảm xuống và đời sống con người được cải thiện. Có thể chúng ta sẽ biết ngay nguyên nhân – do dân số đã giảm.

Tuy nhiên sự kiện trên có thể sẽ khó xảy ra một lần nữa trong thời đại hiện nay, thời đại của khoa học kỹ thuật. Xã hội ngày càng nhiều người hơn, nhưng đi đôi với nó là những tiến bộ vượt bậc về kỹ thuật. Nơi những con người làm việc cùng nhau, cùng đóng góp trí tuệ nhằm giúp con người vượt qua được những khó khăn, ngày càng phát triển. "Nếu không có áp lực về dân số, những tòa nhà chọc trời có lẽ sẽ không tồn tại".

Sự biến mất một nửa dân số, điều Thanos mong muốn, hoàn toàn không có lợi cho sự phát triển của xã hội, nơi mà người tài đã ít mà lại còn bị giảm 50% cơ hội xuất hiện. Sự biến mất của những yếu nhân thì xã hội sẽ đi về đâu? Và rồi liệu Thanos có nghĩ đến trường hợp rằng chỉ vài thế kỷ sau, dân số lại trở về như cũ? Mặc dù tỏ ra thông minh, nhưng kế hoạch của Thanos thật quá "ngây thơ".

Tuy nhiên, hãy bớt chỉ trích Thanos lại, cũng như bớt "ảo tưởng" về sức mạnh chinh phục thiên nhiên của con người, chúng ta hãy nhìn vào những sự kiện gần đây.

Ước tính dân số trái đất sẽ lên 10 tỷ người vào năm 2050, một con số khổng lồ. Tình hình thiên tai đang ngày càng khắc nghiệt, do phá rừng, do thải khí carbon, do khai thác tài nguyên thiên nhiên vô tội vạ dẫn đến rất nhiều hậu quả khủng khiếp. Cháy rừng, lũ lụt, hạn hán, nước biển dâng…, tất cả rồi sẽ đẩy con người vào một tình cảnh vô cùng tồi tệ. Mặc dù còn vài ý kiến lạc quan như hiệu ứng nhà kính đang được kiểm soát, tình trạng sinh con tại các quốc gia đói nghèo đang giảm. Nhưng, dân số vẫn cứ tăng chóng mặt, còn các động thực vật thì mỗi ngày lại tuyệt chủng nhanh hơn bao giờ hết. Nếu chúng ta cứ tiếp tục như vậy, mà không hành động gì, thì cái gì đến sẽ đến, như quê hương của Thanos, sẽ suy tàn.

Trong một bài báo xuất bản năm 2011, Nekola đã tính toán rằng nếu chúng ta tiếp tục tiêu thụ nhiều năng lượng như hiện nay và dân số thế giới đạt 10 tỉ vào năm 2050, mức sống của chúng ta sẽ bằng trung bình của Uganda ngày nay, khoảng 20% dân số sống dưới mức nghèo khổ.

Lý tưởng về một xã hội, nơi mà con người và nguồn tài nguyên được cân bằng, xã hội hạnh phúc và phát triển của Thanos rất đáng trân trọng. Nhưng cách ông ta thực hiện thì sai hoàn toàn. Tuy nhiên bạn có thể cũng sẽ như tôi, đi ra khỏi rạp phim và suy nghĩ "Không làm giống Thanos được, thì chúng ta sẽ phải làm gì?"

Trí Nguyễn

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận