Khác biệt giữa Internet Trung Quốc và thế giới qua một biểu đồ

Khác biệt giữa Internet Trung Quốc và thế giới qua một biểu đồ

Trang thống kê Statista chia sẻ bảng so sánh các dịch vụ Internet thịnh hành tại Trung Quốc với thế giới. Trong mảng tìm kiếm, Baidu thống trị với 77%, còn ở mảng thương mại điện tử, Tmall là số một. WeChat dẫn đầu mạng xã hội với hơn 920 triệu người dùng mỗi tháng.

Trong khi đó, Google, Facebook hay Amazon chỉ chiếm thị phần một con số ở quốc gia đông dân nhất.

khac-biet-giua-internet-trung-quoc-va-the-gioi-qua-mot-bieu-do

Chính phủ Trung Quốc đã áp dụng nhiều biện pháp quản lý Internet nghiêm ngặt và vận hành hệ thống kiểm duyệt trực tuyến có tên Vạn Lý Tường Lửa (Great Firewall) từ nhiều năm nay. Đa số người dân buộc phải sử dụng dịch vụ trong nước do không thể truy cập các dịch vụ quốc tế. Facebook bị chặn ở Trung Quốc từ năm 2009 và Google chịu chung số phận một năm sau đó. Amazon vẫn hoạt động được ở đây nhưng không hề dễ thở trước sự bành trướng của Tmall thuộc Alibaba.

Các thống kê khác nhau cho thấy khoảng vài chục triệu tới vài trăm triệu người Trung Quốc đang phải sử dụng mạng riêng ảo VPN và các phần mềm tương tự để vượt qua Great Firewall. Tuy nhiên, việc "đi vòng" ngày càng khó khăn hơn.

Khoảng hai tháng qua, nhiều VPN phổ biến ở nước này bất ngờ ngừng hoạt động. Cuối tháng 7, Reuters cho biết Apple đã nhượng bộ Trung Quốc khi âm thầm loại bỏ ứng dụng VPN phổ biến như ExpressVPN, StarVPN... trên kho ứng dụng của họ ở quốc gia này với lý do "nội dung bất hợp pháp". Bloomberg cũng đưa tin, chính phủ Trung Quốc yêu cầu ba nhà mạng lớn là China Mobile, China Telecom và China Unicom triển khai giải pháp để chặn tất cả các VPN cá nhân, bắt đầu từ tháng 2/2018.

Tuy nhiên, báo Shanghaiist dẫn lời Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc bác bỏ thông tin trên và khẳng định chính phủ chỉ cân nhắc dừng hoạt động những mạng VPN trái phép - vốn là công cụ cho những thương vụ bất hợp pháp - mà thôi.

"Nếu chính phủ muốn, họ hoàn toàn có thể đánh sập nhiều hệ thống VPN hơn", phát ngôn viên một công ty trực tuyến chia sẻ và từ chối công khai tên do tính chất nhạy cảm. "Nhưng họ chưa làm vậy có thể vì người dùng và nhất là doanh nghiệp vẫn cần được nới lỏng không gian để hoạt động".

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận