Kiến nghị thiết lập quy trình xử lý nạn vi phạm bản quyền có sự góp sức của công an

Kiến nghị thiết lập quy trình xử lý nạn vi phạm bản quyền có sự góp sức của công an

Kiến nghị thiết lập quy trình xử lý nạn vi phạm bản quyền có sự góp sức của công an

Cần phải có một quy trình để xử lý nạn vi phạm bản quyền.

Tình trạng vi phạm bản quyền nội dung truyền hình trên Internet  đang gặp khó trong việc xử lý vì các đơn vị vi phạm có nhiều biện pháp lẩn tránh cơ quan chức năng. Ông Trần Văn Úy, Chủ tịch Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam cho rằng, để thiết lập một ngành công nghiệp nội dung lành mạnh, phải có những biện pháp mạnh mẽ hơn nữa để xử lý những đơn vị vi phạm bản quyền. Trong đó, Bộ TT&TT cần có cơ chế kết hợp với Bộ Công an để xử lý là hiệu quả nhất, nếu Bộ Công an vào cuộc ít nhất sẽ giảm được 2/3 số nội dung không bị vi phạm bản quyền.

Theo ông Trần Văn Úy, với sự bùng nổ thông tin trên mạng Internet, ranh giới giữa truyền hình trả tiền và IPTV không còn nữa, mà cái chính là phải bảo vệ bản quyền nội dung một cách hợp pháp và chính đáng. Trước đây SCTV có 1 bộ phim vi phạm bản quyền, khi báo công an vào là bắt được ngay. Trên môi trường số có thể dễ dàng phát hiện được địa chỉ IP nào lấy, nếu đơn vị sở hữu quyền đến làm việc với đơn vị vi phạm mà không làm được, Công an vào cuộc là xử lý được ngay, nhưng chặn được địa chỉ này họ lại mọc đuôi khác. Do đó, phải kết hợp với một số biện pháp khác nữa để giảm nạn vi phạm bản quyền.

Vi phạm bản quyền trên Internet rất dễ nhận biết, thậm chí việc tìm ra người vi phạm và nạn nhân cũng không có gì khó nhưng trên thực tế thì không ai đưa vấn đề ra giải quyết.

Nhiều ý kiến cho rằng, các đơn vị sản xuất nội dung, nhà mạng, nhà quảng cáo và cả cơ quan báo chí truyền thông cần có giải pháp mạnh mẽ để thay đổi được thói quen xem nội dung miễn phí của người dùng.

Rất nhiều người không chịu chi 100.000 đồng phí thuê bao cho truyền hình trả tiền nhưng lại sẵn sàng mua một đầu Android TV Box trị giá 1- 2 triệu đồng để tải các App lậu về xem. Nếu người dùng cứ duy trì mãi thói quen xem miễn phí như thế thì dần dần người Việt sẽ không có những nội dung hay, đạt chất lượng để xem.

Theo các chuyên gia, vi phạm bản quyền đang làm ô nhiễm môi trường mạng, thậm chí còn có khả năng mất kiểm soát, mất chủ quyền trên không gian mạng. Không những doanh nghiệp Việt Nam không kiểm soát được nội dung của mình, mà còn không quyết định được luật ăn chia khi đưa nội dung của mình lên các hạ tầng của YouTube và Facebook.

Các nhà mạng (Telco) được coi là có vai trò quan trọng trong việc phát triển một hạ tầng, một nền tảng nội dung số riêng của người Việt. Telco nắm trong tay hạ tầng truyền dẫn, có trong tay hàng chục triệu khách hàng và hệ thống thanh toán linh hoạt. Do đó, nếu phát triển được một nền tảng nội dung riêng của người Việt thì các đơn vị của Việt Nam hoàn toàn có thể đưa nội dung lên hạ tầng đó tạo một sân chơi giải trí riêng của người Việt Nam, tránh được tình trạng người Việt thanh toán ngược ra nước ngoài.

Giải pháp xây dựng một nền tảng nội dung số riêng của người Việt có lợi ích nhiều mặt, nó không những có thể làm lành mạnh hóa môi trường kinh doanh nội dung số, mà còn có thể chống lại vi phạm bản quyền, chống lại việc tăng giá bản quyền, tăng nguồn thu cho các nhà sản xuất nội dung Việt Nam để bù đắp chi phí bản quyền, bù đắp chi phí sản xuất nội dung.

Theo ông Lê Quang Nguyên, Giám đốc Đài PT-TH Vĩnh Long, ngành giải trí truyền hình đang vô cùng khó khăn, khó khăn từ số liệu ảo phản ánh không đúng về người xem truyền hình, khó khăn từ việc bị mất bản quyền, rồi sự dịch chuyển từ khán giả truyền hình sang công nghệ số ngày càng lớn. Nhà mạng không thể không có trách nhiệm trong việc tiếp tay cho vi phạm bản quyền vì các đơn vị vi phạm là khách hàng thuê server và hosting của  nhà mạng.

Trước ý kiến này, đại diện của VNPT Media, VNPT cho rằng có thể hi sinh nguồn thu từ hosting đó hoặc phối hợp với các Telco khác để ngăn chặn, cắt kết nối hủy hợp đồng với những đơn vị vi phạm bản quyền. Tuy nhiên, VNPT hay các nhà mạng phải làm theo luật, VNPT không thể tự cắt hợp đồng của khách hàng được như vậy sẽ vi phạm Luật Viễn thông, do vậy cần một cơ quan chức năng có thẩm quyền yêu cầu hủy hợp đồng, khi đó nhà mạng sẵn sàng hủy.

Ngăn chặn vi phạm bản quyền không chỉ liên quan đến vấn đề xử lý kỹ thuật, mà còn liên quan đến nhiều chế tài. Nhà nước cần thiết lập một quy trình để xử lý vi phạm bản quyền và cần một đơn vị cầm chịch xử lý vấn đề này. Bên cạnh đó, xử lý phải đồng bộ, ví dụ VNPT cắt thì Viettel và FPT hay bất cứ nhà mạng khác cũng phải cắt để tránh tình trạng nhà mạng này cắt họ lại chạy sang nhà mạng khác.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận