Lượt truy cập vào web vi phạm bản quyền cao gấp 29 lần trang chính thống

Lượt truy cập vào web vi phạm bản quyền cao gấp 29 lần trang chính thống

Lượt truy cập vào web vi phạm bản quyền cao gấp 29 lần trang chính thống

Trang web vi phạm bản quyền ở Việt Nam có lượt truy cập cao gấp 29 lần so với trang chính thống. Ảnh minh họa: Internet

Tại Hội thảo về bảo vệ bản quyền nội dung truyền hình trên mạng Internet mới đây, đại diện Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ chia sẻ thông tin quan trọng về xu hướng xem phim và các chương trình truyền hình trên hàng tỷ trang nội dung theo Báo cáo của Muso 2017. Theo đó, xem phim vi phạm bản quyền trực tuyến hiện chiếm hơn 76,5% của toàn bộ các loại hình vi phạm phim và chương trình truyền hình.

Ông Michael Kwan, Giám đốc công nghệ khu vực của MPA cũng đưa ra con số so sánh về lượt truy cập vào 5 trang web có bản quyền nội dung hàng đầu của Việt Nam với 5 trang web vi phạm bản quyền có lượt truy cập cao nhất. Theo đó, số liệu tháng 7/2017 cho thấy tổng lượt truy cập từ nội địa  vào 5 trang vtvgo.vn, netflix.com, vtvcab.vn, kplus.vn, fimplus.vn vào khoảng gần 10 triệu lượt. Trong khi 5 trang vi phạm bản quyền được truy cập cao gấp 29 lần. Cụ thể, tổng lượt truy cập vào 5 trang vi phạm bản quyền là phimmoi.net, bilutv.com, phimbathu.com, hdonline.vn, anime47.com là 292 triệu lượt, cao hơn lượt truy cập vào 5 trang chính thống 29 lần. Trong khi đó, con số chênh lệch giữa lượt truy cập vào trang có bản quyền và không có bản quyền ở Malaysia là 3,85 lần và Thái Lan là 14,3 lần.

Đại diện MPA cũng nêu ra một số nguyên tắc để chống lại hành vi xâm hại bản quyền đó là: Các nhà cung cấp dịch vụ ISP trong một số tình huống cụ thể cần có trách nhiệm ngăn chặn hoặc chấm dứt hành vi bất hợp pháp mà họ biết đến. Các bên quan tâm cần phối hợp phát triển các phương thức nhanh và chắc chắn để gỡ bỏ và ngăn chặn truy cập tới thông tin vi phạm. Các nhà cung cấp dịch vụ cũng cần hành động để bảo vệ tài sản trí tuệ khi đang lưu trữ và cung cấp truy cập tới số lượng lớn các tài sản được bảo vệ bản quyền hoặc các trang nội dung khác được đăng tải bởi người sử dụng.

Về cơ sở pháp lý để chặn trang web vi phạm bản quyền, ở Việt Nam cũng đã có Thông tư liên tịch số 07/2012/TTLT-BTTTT-BVHTTDL quy định trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian trong việc bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan trên môi trường mạng Internet và mạng viễn thông. Tùy từng trường hợp vụ thể và theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, ISP có trách nhiệm: Gỡ bỏ và xóa bỏ các nội dung thông tin số vi phạm bản quyền, cắt và ngừng, tạm dừng đường truyền Internet và đường truyền viễn thông. Cung cấp thông tin về các khách hàng thuê chỗ lưu trữ nội dung thông tin số, trang thông tin điện tử và các khách hàng sử dụng các dịch vụ trung gian khác. Trực tiếp bồi thường thiệt hại cho các bên chủ sở hữu quyền vì lý do vi phạm bản quyền.

Đại diện MPA gợi ý một số phương án hợp tác để xử lý gỡ bỏ và chấm dứt hoạt động của các trang web vi phạm bản quyền. Ví dụ, các chủ sở hữu quyền có thể gửi yêu cầu đến Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử để xem xét, sau đó Cục sẽ gửi yêu cầu tới các ISP để có thêm thông tin về các trang web vi phạm (nếu thấy cần thiết) hoặc Cục và các ISP cùng xem xét, sau đó Cục gửi yêu cầu tới các ISP để nghị đình chỉ, ngăn chặn các trang web được xác nhận là có vi phạm. Thời hạn để xử lý các bước này được nêu rõ trong quy trình là bao nhiêu ngày.

Liên quan đến ngăn chặn các trang web vi phạm bản quyền, mới đây Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử cũng đưa ra một số biện pháp như: Đối với các trang web vi phạm bản quyền trong nước sẽ áp dụng một số biện pháp xử lý như: Xử phạt hành chính đối với các trang web vi phạm khi xác định được trang vi phạm đó do tổ chức, cá nhân trong nước thiết lập. Thu hồi tên miền đối với trang web sử dụng tên miền .vn. Chặn tên miền, chặn địa chỉ IP, yêu cầu các IDC trong nước hủy dịch vụ CDN của trang web vi phạm.

Đối với các trang web vi phạm bản quyền ở nước ngoài sẽ yêu cầu các doanh nghiệp Việt Nam có quảng cáo trên trang web vi phạm không tiếp tục quảng cáo trên trang web đó nữa. Chặn tên miền, chặn hoặc giới hạn dung lượng đường truyền tới mạng lưu trữ website đó thông qua số hiệu mạng (AS number). Phối hợp với các tổ chức quyền tác giả quốc tế để yêu cầu các nước sở tại có mạng lưu trữ đặt website can thiệp.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận