Một doanh nghiệp bị phạt 28,5 triệu đồng vì quảng cáo, bán thiết bị kích sóng di động

Một doanh nghiệp bị phạt 28,5 triệu đồng vì quảng cáo, bán thiết bị kích sóng di động

Với 2 hành vi sai phạm là quảng cáo (trên trang web www.ngaydem.vn) và bán ra thị trường các thiết bị kích sóng di động chưa được chứng nhận, công bố hợp quy theo quy định, Công ty CP Phát triển công nghệ Ngày đêm vừa bị Sở TT&TT Hà Nội xử phạt 28,5 triệu đồng.

Một doanh nghiệp bị phạt 28,5 triệu đồng vì quảng cáo, bán thiết bị kích sóng di động

Theo Thanh tra Sở TT&TT Hà Nội, việc Công ty Ngày đêm kinh doanh các thiết bị kích sóng di động chưa được chứng nhận và công bố hợp quy là trái với các quy định của pháp luật, gây can nhiễu, ảnh hưởng đến chất lượng sóng viễn thông di động của các nhà mạng viễn thông

Theo Cổng thông tin điện tử Sở TT&TT Hà Nội, Thanh tra Sở này mới đây đã tiến hành thanh tra và xử phạt vi phạm hành chính với Công ty CP Phát triển công nghệ Ngày đêm (Công ty Ngày đêm) vì đã có các hành vi sai phạm: "Bán thiết bị thuộc danh mục sản phẩm, hàng hóa chuyên ngành CNTT&TT bắt buộc phải chứng nhận và công bố hợp quy mà không có chứng nhận hợp quy hoặc không công bố hợp quy hoặc không gắn dấu hợp quy"; và "Không có các tài liệu chứng minh về sự hợp chuẩn, hợp quy theo quy định khi quảng cáo cho các loại sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ".

Cụ thể, Thanh tra Sở TT&TT Hà Nội cho hay, Công ty Ngày đêm đã quảng cáo (trên website www.ngaydem.vn) và bán ra thị trường các thiết bị kích sóng di động chưa được chứng nhận và công bố hợp quy theo quy định tại Thông tư 42 ngày 26/12/2016 của Bộ TT&TT quy định Danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ.

Trong khoảng 2 tháng, từ đầu tháng 8/2017 đến ngày 26/10/2017, Công ty Ngày đêm đã bán và lắp đặt tổng số 66 thiết bị kích sóng di động cho các đối tượng là tổ chức, cá nhân trên địa bàn cả nước, trong đó có 24 thiết bị trên địa bàn Hà Nội, 12 thiết bị trên địa bàn TP.HCM, còn lại ở các địa phương khác.

Thiết bị kích sóng di động là loại thiết bị vô tuyến điện theo quy định tại Thông tư 18/2014 của Bộ TT&TT hướng dẫn Nghị định 187/2013 của Chính phủ đối với việc cấp giấy phép nhập khẩu thiết bị phát, thu - phát sóng vô tuyến điện khi nhập khẩu vào Việt Nam phải có giấy phép nhập khẩu và chỉ các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thông tin di động có giấy phép sử dụng tần số mới được lắp đặt và khai thác thiết bị này.

Hiện nay, chỉ có 5 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông di động gồm Viettel, VinaPhone, MobiFone, Vietnamobile và Gtel được phép sử dụng tần số của các thiết bị kích sóng di động để lắp đặt tại các khu vực sóng yếu nhằm nâng cao dịch vụ thông tin di động. Vì vậy, việc Công ty Ngày đêm kinh doanh các thiết bị kích sóng di động chưa được chứng nhận và công bố hợp quy là trái với các quy định của pháp luật, gây can nhiễu, ảnh hưởng đến chất lượng sóng viễn thông di động của các nhà mạng viễn thông.

Cũng theo Cổng thông tin điện tử Sở TT&TT Hà Nội, tìm hiểu nguyên nhân các tổ chức, cá nhân đã mua và sử dụng thiết bị kích sóng điện thoại di động, Thanh tra Sở TT&TT đước biết, tại địa điểm các tổ chức, cá nhân đang sinh sống, kinh doanh, sóng điện thoại di động rất yếu, không đảm bảo chất lượng cuộc gọi và các dịch vụ giá trị gia tăng khác trên mạng viễn thông mà các chủ thuê bao đã phải chi trả.

"Đặc biệt, hiện nay các nhà mạng đang trong quá trình triển khai mạng 4G, việc phát triển hạ tầng viễn thông của các doanh nghiệp viễn thông ở một số vùng còn gặp nhiều khó khăn do sự cản trở của người dân, dẫn đến việc chất lượng sóng điện thoại di động không được đảm bảo, từ đó nảy sinh nhu cầu sử dụng các thiết bị kích sóng điện thoại. Người dân do không nắm rõ các quy định của pháp luật nên đã tự ý mua các thiết bị này về để lắp đặt và sử dụng, gây nhiễu có hại, làm mất an toàn, an ninh cho mạng viễn thông di động", Thanh tra Sở TT&TT Hà Nội thông tin.

Theo ICTnews

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận