Niềm tin vào tiền mật mã đang rất mong manh?

Niềm tin vào tiền mật mã đang rất mong manh?

Niềm tin vào tiền mật mã đang rất mong manh?

Mới dây, hãng tin Reuters dẫn một báo cáo nói rằng để bất kỳ một dạng tiền nào hoạt động được trong mạng lưới lớn, đều cần phải có niềm tin vào sự ổn định giá trị và khả năng phát triển quy mô một cách hiệu quả của dạng tiền đó.

Nhưng đối với tiền mật mã, niềm tin có thể biến mất tức thì bởi tính chất mong manh của những hệ thống phi tập trung hóa mà tiền mật mã phụ thuộc vào.

Chưa kể, các mạng lưới tiền mật mã thường có khuynh hướng tắc nghẽn khi trở nên lớn hơn. Báo cáo chỉ rõ mức chi phí giao dịch cao của Bitcoin, đồng tiền kỹ thuật số lớn nhất thế giới hiện nay, và số lượng hạn chế các giao dịch mà Bitcoin có thể xử lý mỗi giây đồng hồ.

"Niềm tin có thể biến mất bất kỳ lúc nào bởi tính mong manh của sự đồng thuận phi tập trung mà ở đó các giao dịch được lưu trữ", BIS - tổ chức của các ngân hàng trung ương toàn cầu và có trụ sở ở Thụy Sỹ - nói.

"Điều này không chỉ đặt ra câu hỏi về khả năng hoàn tất các giao dịch riêng lẻ, mà còn đồng nghĩa với việc một đồng tiền ảo có thể dễ dàng ngừng hoạt động, dẫn tới thiệt hại hoàn toàn về giá trị", báo cáo có đoạn viết.

Ông Huyn Song Shin, trưởng bộ phận nghiên cứu của BIS, nói rằng tiền giấy có giá trị là bởi có người sử dụng, trong khi nhiều người nắm giữ tiền mật mã chỉ nhằm mục đích đầu cơ.

"Nếu không có người sử dụng, tiền mật mã sẽ vô giá trị. Điều này đúng với cả một tờ giấy có in một khuôn mặt trên đó và cả với một đồng tiền mật mã", ông Hyun nói.

Báo cáo của BIS cho rằng việc người sử dụng phụ thuộc vào những người "đào" tiền mật mã để lưu trữ và xác thực các giao dịch tiền mật mã cũng là một hạn chế, đòi hỏi mức độ sử dụng năng lượng tốn kém.

Đến nay, BIS đã đưa ra hàng loạt cảnh báo về tiền mật mã, sau khi thị trường tiền kỹ thuật số phát triển bùng nổ trong năm 2017 kéo theo sự chú ý và tham gia của một số lượng lớn nhà đầu tư trên thế giới.

Tổng giám đốc BIS, ông Agustin Carsten đã miêu tả Bitcoin là "một sự kết hợp của bong bóng, chương trình lừa đảo Ponzi, và thảm họa môi trường".

BIS đã đề nghị các ngân hàng trung ương cân nhắc kỹ về tiềm năng rủi ro trước khi phát hành tiền kỹ thuật số của riêng mình.

Hiện chưa có ngân hàng trung ương nào phát hành tiền mật mã, dù ngân hàng trung ương Thụy Điển (Riksbank) đang nghiên cứu phát hành đồng Krona điện tử để dùng cho các giao dịch nhỏ, trong bối cảnh việc sử dụng tiền mặt ở Thụy Điển ngày càng giảm mạnh.

Bản báo cáo thường niên của BIS cũng nói rằng điều tiết hiệu quả tiền mật mã là một sự cần thiết trên toàn cầu, và phải nhằm vào cả các định chế tài chính cũng như các công ty cung cấp các dịch vụ liên quan đến tiền mật mã.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận