Phụ huynh và học sinh của phương pháp "tròn vuông tam giác" nói gì?

Phụ huynh và học sinh của phương pháp "tròn vuông tam giác" nói gì?

Những ngày qua trên mạng xã hội có trào lưu "tròn vuông tam giác", bắt nguồn từ các đoạn clip ghi lại cảnh học sinh tiểu học tập đọc mà thay vì nhìn vào câu thơ thì các bé nhìn vào những biểu tượng hình tròn, hình vuông, hình tam giác...

Từ clip này mà nhiều thành viên trên mạng đã chế ra được vô số chuyện cười, ví dụ như clip chế các bài hát V-pop được chuyển lời hết sang "tròn vuông tam giác", hay như những bức ảnh chế mà ngay cả người mua bán ngoài chợ cũng giao tiếp bằng "tròn vuông tam giác".

a1-phu-huynh-va-hoc-sinh-cua-phuong-phap-tron-vuong-tam-giac-len-tieng-giao-an-nhan-biet-hinh-tron-vuong-tam-giac-la-gi-cong-nghe-giao-duc-lop-1.jpg

Những ngày qua trên mạng xã hội có trào lưu "tròn vuông tam giác", bắt nguồn từ các đoạn clip ghi lại cảnh học sinh tiểu học tập đọc mà thay vì nhìn vào câu thơ thì các bé nhìn vào những biểu tượng hình tròn, hình vuông, hình tam giác...

a2-phu-huynh-va-hoc-sinh-cua-phuong-phap-tron-vuong-tam-giac-len-tieng-giao-an-nhan-biet-hinh-tron-vuong-tam-giac-la-gi-cong-nghe-giao-duc-lop-1.jpg

Nhiều thành viên trên mạng đã chế ra được vô số chuyện cười, ví dụ như clip chế các bài hát V-pop được chuyển lời hết sang "tròn vuông tam giác".

Nhưng câu chuyện trở nên nghiêm trọng hơn nhiều khi cùng với phương pháp đánh vần mới lạ (k, c, q đều đánh vần là "cờ") ở một số trường được lan truyền trước đó, phương pháp tập đọc "tròn vuông tam giác" bị dư luận công kích như một hiểm họa của nền giáo dục nước nhà.

Trong làn sóng công kích này không ít người còn đem lẫn cả đề xuất cải cách tiếng Việt thành "tiếq Việt" của PGS.TS Bùi Hiền, từ đó nâng cao quan điểm nặng nề hơn, bao gồm cả sự công kích thậm chí phỉ báng cá nhân đối với những người biên soạn chương trình dạy học mới lạ.

Được biết phương pháp tập đọc bằng hình khối "tròn vuông tam giác" và phương pháp đánh vần mới lạ là kiến thức trong cuốn sách Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ Giáo dục của GS. Hồ Ngọc Đại. Đây là cuốn sách đã được áp dụng khá lâu ở trường Thực Nghiệm (CGD) thuộc Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam và một số trường khác.

Trong làn sóng tranh cãi trên mạng xã hội hiện nay cũng có những ý kiến rất đáng tham khảo từ chính những vị phụ huynh có con em đang học ở trường Thực Nghiệm, hoặc từ chính những cựu học sinh của trường từng học qua phương pháp giáo dục của cuốn sách Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ Giáo dục. Qua đó, chúng ta có thể có nhận định chính xác hơn.

Anh Nguyễn Thế Hùng, một người làm trong lĩnh vực CNTT, viết trên Facebook: "Công chúa lớn nhà tớ, sản phẩm của giáo dục đánh vần tiếng Việt kiểu mới: xong lớp 1 đọc thông viết thạo (đẹp hơn chữ bố mẹ), vậy là ok. Bố mẹ chỉ check, không phải dạy đánh vần".

Vị phụ huynh này cũng chia sẻ: "Tôi đi họp phụ huynh cho con, tất cả các lần họp phụ huynh cô giáo có dạy phụ huynh cách đánh vần kiểu mới và có nói phương pháp dạy đánh vần mới của GS. Hồ Ngọc Đại đã được các trường tự nguyện áp dụng từ mấy năm nay tại trường con mình".

"Phương pháp này cô thấy nhiều ưu điểm, rất ok,... Mình biết vậy, cũng ko thấy phụ huynh nào ý kiến gì. Hết học kỳ 1 mình thấy con đọc được cả cuốn sách, nửa học kỳ 2 lại biết tóm tắt câu chuyện vừa đọc, thế là hài lòng. Thế thôi, cần gì nhiều".

"Tôi thấy các ông các bà dân mạng xem cái video rồi chửi bới GS. Hồ Ngọc Đại, bất chấp ông là người được rất nhiều thế hệ học sinh và giáo viên tôn kính; chưa kể về tuổi tác thì ông đã 82 tuổi, lớn tuổi hơn cả ông bà, bố mẹ họ; về khả năng và chuyên môn sư phạm, các công trình khoa học, các giải thưởng danh giá mà ông đã được trao tặng...", phụ huynh này đánh giá thêm.

Một vị phụ huynh khác của trường Thực Nghiệm có tài khoản Facebook là Hằng Linh cũng bình luận: "Năm ngoái tôi phải mất 1 ngày để nghiên cứu và tìnm hiểu để mà dạy con... Sách còn nhiều lỗi nên sửa, nhưng mình cũng thấy có sự sáng tạo, bọn trẻ học nhanh, bạn nào học chậm hơi khó nhưng theo kịp cũng tốt, tạo cho trẻ con một tư duy khác với mình ngày xưa".

Phụ huynh Hằng Linh này góp ý thêm: "Mọi người có thể bớt theo phong trào mà góp ý sửa đổi nội dung và cách trình bày thì quyển sách đó sẽ càng hay... ví dụ thay cái ô vuông tượng trưng cho tiếng thì ghi cái chữ ấy vào ô vuông thì chả ai thắc mắc làm gì".

Nhìn chung nếu theo những gì mà những người tiếp nhận phương pháp giáo dục của GS. Hồ Ngọc Đại chia sẻ thì phương pháp giáo dục này khá tốt, có chuyên môn, không có gì đáng đặt ra nghi vấn và càng không nên phản bác dữ dội như thời gian qua.

Phương pháp giáo dục này đã đào tạo ra nhiều thế hệ học sinh thành đạt khác nhau, và minh họa cho điều này là ý kiến của một cựu học sinh trường Thực Nghiệm có Facebook là Ha Vietanh. Ý kiến này có thể giúp cho chúng ta có cái nhìn rộng mở và kỹ lưỡng hơn đối với những câu chuyện phương pháp dạy và học.

Thành viên Ha Vietanh viết: "Đã có ít nhất 40 khóa học sinh của trường Thực Nghiệm theo học phương pháp này và chúng tôi không hề gặp bất cứ vấn đề gì, cha mẹ chúng tôi cũng hoàn toàn happy với việc học của chúng tôi, chúng tôi vẫn sử dụng tiếng Việt trong đời sống và công việc hằng ngày rất bình thường, hiệu quả".

"Xin hỏi các vị, khi có con đến tuổi đi học, cha mẹ mong nhất điều gì? Theo tôi có 2 điều. Một là mong con được vui vẻ hạnh phúc, thích đi học, yêu trường, yêu lớp, yêu thầy cô, bạn bè. Hai là mong con biết tự lập, tự tin để vững vàng bước vào cuộc sống cam go; cả 2 điều ấy CGD đã làm được một cách xuất sắc".

"Hồi tôi còn bé, lúc nào chị em tôi cũng chỉ mong đến trường, mong gặp thầy, gặp bạn. Nhiều chục năm sau các con và cháu ruột tôi dù sốt 39 độ cũng nằng nặc đòi đi học; có thể chúng tôi chưa nổi tiếng và thành công như nhà toán học Ngô Bảo Châu, như bác sĩ - Đại biểu quốc hội Nguyễn Lân Hiếu hay nhiều học trò Thực Nghiệm khác nhưng chúng tôi luôn tự tin vào bản thân, luôn sống tử tế và chan hòa với mọi người".

"Dù đi đâu làm gì chúng tôi cũng nhớ về những bài học về tình yêu thương, lòng biết ơn, tinh thần trách nhiệm, dám nói, dám làm... mà thầy Đại và các thầy cô giáo dù là dạy môn gì cũng luôn nuôi dưỡng trong chúng tôi những giá trị sống nhân văn qua từng tiết học"...

"Dù ai có phủ nhận thì đó là quyền của họ; chỉ biết rằng từ cách đây chẵn 40 năm, nếu khẩu hiệu của các trường học là "Tiên học lễ - Hậu học Văn", thì khẩu hiệu của trường Thực Nghiệm chúng tôi là "ĐI HỌC LÀ HẠNH PHÚC - MỖI NGÀY ĐẾN TRƯỜNG NÁO NỨC MỘT NGÀY VUI"; khi các bạn cùng trang lứa ở trường khác còn đang ê a đánh vần thì học sinh Thực Nghiệm chúng tôi đã đọc thơ lục bát".

"Khi các bạn trường khác đánh vật với việc tả người, tả cây, tả mưa thì chúng tôi cùng nhau đọc Paustovsky, Chekhov, Balzac, Hugo...; khi trường trường lớp lớp viết theo văn mẫu thì với một đề Văn, trong lớp tôi người viết văn, người viết đồng dao, người làm thơ, thậm chí có người vẽ để trả bài cho cô; khi cả nước học 1 buổi rồi về nhà nửa ngày thì chúng tôi vác cặp lồng cơm đi học y như công chức nhà nước;"...

"Khi các bạn trường khác tối về vẫn phải làm bài tập thì chúng tôi chơi, đọc sách, vẽ vời vì trong ngày đã có tiết tự học để giải quyết hết bài vở; khi trong suốt mấy chục năm trời Bộ Giáo dục không thể quyết định nổi cho trẻ học ngoại ngữ từ lớp mấy thì chúng tôi đã học ngoại ngữ từ khi bắt đầu bước chân vào cổng trường tiểu học; khi chưa thực sự hài lòng về phương pháp giáo dục hay thái độ của thầy cô với học trò chúng tôi sẵn sàng lên gặp Ban giám hiệu để phản ánh, nói lên tiếng nói của mình - điều mà chỉ có thể gặp (may ra) ở các ngôi trường dân lập tiên tiến ngày nay...".

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận