Sau GPU, đến lượt CPU sẽ là "trâu cày" tiếp theo của dân đào tiền ảo

Sau GPU, đến lượt CPU sẽ là "trâu cày" tiếp theo của dân đào tiền ảo

Ngày nay, xây dựng một cỗ máy PC chiến game trở nên cực kỳ khó khăn, mà nguyên nhân chính là bởi việc đào tiền mã hoá. Phần cứng chơi game, trong đó có card đồ hoạ, cực kỳ dễ tìm kiếm trên thị trường, và trớ trêu thay lại là một sản phẩm rất thích hợp để đào tiền mã hoá.

Sau GPU, đến lượt CPU sẽ là trâu cày tiếp theo của dân đào tiền ảo

Theo WCCFTech, tiền mã hoá (còn gọi là tiền ảo) ngày càng phổ biến, giá trị ngày càng tăng cao, cũng là lúc nhiều người dù không phải game thủ vẫn sẵn sàng vung tiền sắm các card đồ hoạ chuyên về game của AMD/NVIDIA để lao vào "canh bạc lớn". Điều này dẫn đến sự thiếu hụt trầm trọng nguồn cung GPU, làm ảnh hưởng toàn bộ thị trường card đồ hoạ rời. Không chỉ "hết hàng", giá card đồ hoạ cũng tăng một cách điên rồi, có lúc gấp đôi so với giá bán đề xuất của hãng. Nhưng GPU không phải là phần cứng PC duy nhất bị ảnh hưởng về lâu dài - theo nghiên cứu mới nhất của HardOCP, các vi xử lý (CPU) đa nhân mạnh mẽ cũng sẽ có thể...làm trâu cày và số tiền chúng kiếm được trong chưa đầy một năm sẽ bằng với giá bán ban đầu, hay nói cách khác, CPU cày tiền mã hoá sẽ có khả năng tự chi trả cho chính nó!

CPU Ryzen Threadripper của AMD dành cho đào tiền mã hoá, có khả năng tự chi trả cho chính mình trong chưa đầy một năm. Liệu các thợ đào có chuyển hướng đầu tư từ GPU sang CPU?

2017 là một năm thú vị đối với phần cứng PC. AMD trở lại chiến trường CPU sau nhiều năm trời bị Intel bỏ lại phía sau; NVIDIA thống trị ngành công nghiệp GPU với các sản phẩm cực kỳ ấn tượng; vô số cuộc tranh cãi nổ ra xung quanh các GPU AMD Vega khiến người dùng phát sốt; và gần đây nhất là lỗ hổng CPU Meltdown và Spectra gây ảnh hưởng lên cả Intel lẫn AMD.

Cuối năm 2017 cũng xuất hiện nhiều phần cứng PC chất lượng, thế nhưng vào thời điểm đó, những phần cứng chơi game tốt nhất lại không được trang bị cho các cỗ máy PC chơi game, mà lại xuất hiện trên một thứ khác - thứ sẽ sớm khiến toàn bộ ngành công nghiệp GPU trì trệ. Tiền mã hoá chạm ngưỡng cao kỷ lục, sau đó tụt dốc không phanh nhưng vẫn nằm trên mốc đầu năm 2017. Các game thủ rơi vào cảnh "đói khát" các GPU chơi game tuyệt đỉnh được tung ra bởi AMD và NVIDIA. Ngay cả các card đồ hoạ bình dân như GTX 1050 Ti và TX 570 cũng được bán với giá "cắt cổ" lên đến 300 USD và 650 USD, cao gấp nhiều lần so với mức giá đề xuất 140 USD và 170 USD.

Sau GPU, đến lượt CPU sẽ là trâu cày tiếp theo của dân đào tiền ảo

Bên cạnh giá GPU, một yếu tố khác khiến việc xây dựng một dàn PC chơi game trở nên cực kỳ khó khăn là nguồn cung DRAM, đặc biệt là DDR4, cũng khan hiếm và giá RAM cũng tăng cao từ giữa năm 2017. Do đó, các game thủ muốn xây dựng một dàn PC chơi game ở thời điểm hiện tại rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan: sắm GPU không được, sắm RAM cũng không xong, và theo dự đoán có lẽ sẽ sớm thôi, các linh kiện PC quan trọng khác cũng sẽ gặp tình cảnh tương tự.

Một CPU Threadripper đơn lẻ có thể đạt hiệu suất 1.500 Hash/s với mức tiêu thụ điện năng hệ thống chỉ 246W

Từ các bài thử nghiệm của HardOCP, người ta nhận thấy một CPU AMD Ryzen Threadripper 1950X đơn lẻ có khả năng đạt tần số đào 1483 Hash/s trong khi cả hệ thống chỉ tiêu thụ điện năng ở mức 246W. Cần chú ý là trong quá trình đào, CPU này chỉ tiêu thụ 160W, trong khi cũng CPU này nếu chạy bài kiểm tra Prime95 lại tiêu thụ đến đến mức 350W. Combo gồm CPU Threadripper 1950X và GPU GTX 1080 đạt hiệu suất đào 2005 Hash/s và tiêu thụ 335W điện.

Trong bài thử nghiệm của HardOCP, người ta đã thử đào đồng tiền mã hoá Monero, và CPU Threadripper hoạt động cực tốt với thuật toán đào CryptoNight. Dựa trên kết quả đào và khả năng sinh lợi tổng quát, CPU 1950X có khả năng tự chi trả cho chính nó (mức giá của CPU này là 999 USD) trong chưa đầy một năm rưỡi, nhưng chúng ta không bàn về điều đó ở đây.

Thực tế thì AMD biết rằng Ryzen Threadripper có tiềm năng lớn trong đào tiền mã hoá, và hãng đã cung cấp các số liệu chi tiết cho thấy Threadripper hiệu quả như thế nào trong việc này. Theo quản lý marketing kỹ thuật của AMD là Damien Triolet, lý do Threadripper hoạt động tốt đến vậy không phải là do nó nhanh hơn các GPU dùng trong đào tiền mã hoá, mà là bởi các thuật toán được tối ưu cho kiến trúc CPU - ở đây là thuật toán CryptoNight.

Sau GPU, đến lượt CPU sẽ là trâu cày tiếp theo của dân đào tiền ảo

CryptoNight làm gì? Về cơ bản, nó sử dụng 2MB bộ nhớ đệm L3 cho mỗi luồng CPU đào tiền mã hoá. AMD Ryzen Threadripper 1950X và một số con chip khác có tổng cộng 32MB bộ nhớ đệm L3. Tỉ số bộ nhớ đệm L3 trên mỗi nhân là yếu tố khiến thuật toán CryptoNight mang lại hash rate cực cao như đã nói ở trên.

"CPU có thể được sử dụng trong đào tiền mã hoá nếu nó có thể xử lý rất ít luồng nhưng với tốc độ rất nhanh, và đó chính xác là những gì Threadripper có khả năng thực hiện" - Triolet nói. CPU này có 32MB bộ nhớ đệm L3 có khả năng chạy 15 luồng với tốc độ rất nhanh, kết hợp với thuật toán CryptoNight cho ta hiệu suất gần như ngang bằng với RX Vega. Vega có thể cao hơn, nhưng bạn sẽ phải chỉnh sửa bộ nhớ đôi chút. Còn nếu bạn không muốn chỉnh sửa thứ gì, thì Threadripper là một lựa chọn hợp lý, nhanh hơn so với 1080 Ti khi chạy CryptoNight.

Với Ryzen Threadripper, bạn có thể kiếm được 90 USD/tháng thông qua nền tảng NiceHash, và xét với mức giá của con chip và giá điện hiện tại, bạn có thể sẽ hoàn vốn trong chưa đầy một năm. Dù đào tiền mã hoá bằng CPU nghe có vẻ thú vị, nhưng lại đắt đỏ hơn đào bằng GPU, bởi một bo mạch chủ chỉ có thể có 1 CPU và bạn sẽ cần một giải pháp tản nhiệt và bộ nhớ hệ thống riêng biệt cho mỗi dàn máy đào tiền mã hoá.

Đào tiền mã hoá bằng GPU không yêu cầu nhiều như vậy, và một bo mạch chủ có thể hỗ trợ nhiều GPU một lúc. Thêm vào đó, các vi xử lý đa nhân và bộ nhớ đệm cao có giá rất đắt, như Ryzen Threadripper có giá khởi điểm 599USD và có thể tăng lên đến 999USD.

AMD không thể giải quyết tình trạng tăng giá GPU vì đào tiền mã hoá

Đào tiền mã hoá bằng CPU có vẻ không được hấp dẫn ở thời điểm hiện tại, nhưng trong tương lai rất gần, khi mà AMD đã chỉ ra trong các cuộc họp cổ đông của mình, đó sẽ là lựa chọn của nhiều thợ đào. Theo Triolet, AMD không thể làm gì về vấn đề thiếu hụt và tăng giá của GPU vào lúc này. Tức là trong năm 2018, chúng ta sẽ ít có khả năng thấy GPU của AMD có sự dịch chuyển về giá trên thị trường.

Nói là vậy, nhưng AMD cũng đang chống lưng toàn bộ hệ sinh thái đào tiền mã hoá khi "dụ dỗ" người dùng rằng họ có thể thu lợi từ đào tiền mã hoá nếu trang bị một dàn PC cao cấp, hoặc một GPU cao cấp. AMD khá nổi tiếng trong lĩnh vực đào tiền mã hoá bởi các sản phẩm của họ đã cho thấy tiềm năng tốt khi so sánh với các đối thủ khác vào những ngày đầu của cuộc đua đào tiền mã hoá. Gần đây, NVIDIA cũng đã tham gia cuộc đua điên rồi với nhiều dòng GPU tốt và có khả năng sinh lời cao.

Sau GPU, đến lượt CPU sẽ là trâu cày tiếp theo của dân đào tiền ảo

Cả AMD và NVIDIA đều hưởng lợi từ "cơn bão điên rồ" của tiền mã hoá, và các con số tài chính của họ đã cho thấy điều đó. Nhưng điều họ cần lo lắng lúc này là có nên tiếp tục đẩy mạnh hướng đi này hay không. NVIDIA có vẻ đã đưa ra lựa chọn: gần đây, công ty đã khuyên các nhà bán lẻ nên quảng bá và bán các card đồ hoạ cho game thủ thay vì thợ đào. Lựa chọn của AMD sẽ là gì? Và liệu CPU có thay thế GPU trở thành món hàng được săn đón hàng đầu trên thị trường tiền mã hoá hay không?

Minh.T.T

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận