"Số dân Việt Nam được tiếp cận với Internet sẽ tăng nhanh trong những năm tới"

"Số dân Việt Nam được tiếp cận với Internet sẽ tăng nhanh trong những năm tới"

Số dân Việt Nam được tiếp cận với Internet sẽ tăng nhanh trong những năm tới

Ông Vũ Thế Bình, Tổng giám đốc NetNam, Tổng thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam - VIA.

Hôm nay, ngày 22/11/2017, Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) sẽ phối hợp cùng Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) - Bộ TT&TT tổ chức sự kiện Internet Day 2017 và lễ kỷ niệm 20 năm Internet Việt Nam (1997 - 2017).

Nhân dịp này, ICTnews đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Thế Bình, Tổng thư ký VIA về những thành tựu trong hành trình 20 năm phát triển vừa qua cũng như dự báo về các xu hướng phát triển, tương lai của Internet Việt Nam trong chặng đường sắp tới:

Nhìn lại chặng đường 20 năm qua, theo ông Internet Việt Nam đã đạt được những thành tựu nổi bật gì?

Có thể khẳng định rằng, sau 20 năm hòa mạng toàn cầu, Internet Việt Nam đã đạt được rất nhiều thành tựu, được thể hiện qua những chỉ số rất đáng khích lệ. Đầu tiên phải kể đến số lượng người dùng Internet Việt Nam đã vượt qua con số 50 triệu người, chiếm khoảng 54% dân số - đây là một tỷ lệ rất cao trong khu vực. Đồng thời, tốc độ tăng trưởng người dùng Internet tại Việt Nam cũng rất cao.

Cùng với đó, Internet đã trở thành thứ rất quen thuộc với phần lớn người dân Việt Nam trong cuộc sống hàng ngày, trong giao tiếp, trong giải trí, kể cả trong làm kinh tế cũng như trong các vấn đề khác liên quan đến giáo dục, văn hóa. Người dùng Internet người Việt Nam có điểm nổi bật là trẻ, sử dụng mạng xã hội cũng như các ứng dụng trên mạng rất phổ biến, rất nhiều.

Đặc biệt, sau 20 năm, đến nay chúng ta có thể nhận thấy chi phí để sử dụng Internet Việt Nam thuộc loại thấp nhất trong khu vực, tạo điều kiện cho số đông người dân Việt Nam có thể sử dụng.

Là người đã nhiều năm gắn bó với lĩnh vực Internet, ông đánh giá như thế nào về xu hướng phát triển của Internet Việt Nam trong thời gian tới?

Tại Việt Nam, hiện nay Chính phủ cũng như các doanh nghiệp vẫn đang nỗ lực để tiếp tục mở rộng số người sử dụng Internet. Chúng ta hiện có hơn 50 triệu người dùng Internet, như vậy vẫn còn có hàng chục triệu người chưa được kết nối với mạng Internet, đặc biệt là người dân ở những vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Tôi cho rằng, với sự phát triển của 3G và đặc biệt là 4G, trong những năm tới, số lượng người dân Việt Nam được tiếp cận với Internet dựa trên những công nghệ truy cập di động sẽ tăng trưởng rất nhanh.

Xu hướng thứ hai, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có sự chuyển đổi, cố gắng đưa hoạt động kinh doanh của đơn vị mình lên mạng, dựa vào các nền tảng có sẵn trên mạng để khởi sự và phát triển kinh doanh. Số lượng dân số trẻ, người dùng Internet trẻ cùng với sự đam mê công nghệ và tinh thần khởi nghiệp đang được hun đúc rất mạnh mẽ những năm gần đây, chúng tôi cho rằng trong 5 - 10 năm tới, làn sóng những người trẻ tận dụng lợi ích của mạng Internet để khởi sự, làm một việc gì đó cho mình, đóng góp cho xã hội là xu thế rất rõ rệt.

Xu hướng thứ ba có thể nhận thấy, đó là Việt Nam rất tích cực trong việc ứng dụng các công nghệ mới, các làn sóng công nghệ mới như IoT, trí tuệ nhân tạo… cũng như những thứ rất “nóng” trên thế giới sẽ về Việt Nam rất nhanh, tạo ra những “cú huých” cho cộng đồng doanh nghiệp cũng như cho giới trẻ.

Xu hướng thứ tư chúng tôi nhận thấy là tốc độ tăng trưởng nhanh của người dùng Internet Việt Nam cũng sẽ đưa đến những thách thức về an toàn, an ninh thông tin, về bảo mật thông tin cá nhân. Chắc chắn, chúng ta sẽ phải đối mặt với nhiều sự cố, gặp phải những vấn đề xảy ra liên quan đến mất an toàn, an ninh thông tin. Xu hướng này sẽ ngày càng rõ nét, kéo theo đó là thách thức trong việc nâng cao nhận thức cho người dùng Internet. Cùng với đó, các doanh nghiệp cũng sẽ phải đầu tư nhiều hơn cho việc bảo vệ hệ thống thông tin, bảo vệ khách hàng của doanh nghiệp mình.

Xu hướng thứ năm có thể kể đến, đó là trong 5 - 10 năm tới, tỷ lệ người dùng Internet trẻ tại Việt Nam vẫn rất nhiều, sẽ là nền tảng tốt cho nền công nghiệp dịch vụ nội dung số, giá trị gia tăng ở  nước ta có những bước phát triển mạnh. Những năm gần đây, các ứng dụng trên mạng, dịch vụ giá trị gia tăng đã có bước phát triển tốt. Bên cạnh đó, thời gian qua, Chính phủ cũng đã có những nỗ lực rất lớn trong việc thúc đẩy, đưa các dịch vụ công lên mạng Internet. Với quyết tâm của Chính phủ, tôi cho rằng, trong vài năm tới, số lượng dịch vụ trực tuyến mức 3, 4 sẽ ngày càng nhiều, tạo thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp trong việc dùng các dịch vụ công do chính quyền cung cấp; đồng thời giúp tăng tính minh bạch, góp phần để xã hội phát triển lành mạnh hơn, giảm chi phí hoạt động cho các doanh nghiệp.

Một xu hướng nữa mà tôi nghĩ sẽ phát triển tại Việt Nam thời gian tới, đó là sẽ hình thành các nhóm, cộng đồng trên mạng để thúc đẩy trách nhiệm xã hội. Đó là những những nhóm người trẻ tham gia hoạt động từ thiện, hỗ trợ các cộng đồng dân cư khó khăn ... Mặc dù xu hướng này hiện mới chỉ bắt đầu nhưng tôi tin rằng khi mà người sử dụng Internet Việt Nam đông hơn, trưởng thành hơn, có kinh nghiệm hơn thì những xu hướng như vậy sẽ rất rõ rệt.

Vậy để đưa Internet Việt Nam tiếp tục phát triển trong chặng đường mới, ông có thể cho biết thời gian tới cần tập trung triển khai những giải pháp gì?

Chúng tôi nghĩ rằng trong khoảng 5 - 10 năm tới, Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm để thực sự đưa Internet đóng góp tích cực và cụ thể hơn nữa cho sự phát triển kinh tế và cuộc sống của người dân.

Thực tế, hiện vẫn còn hàng chục triệu người dân Việt Nam chưa có điều kiện tiếp cận với Internet, đặc biệt là người dân vùng sâu, vùng xa, hay nhóm người dân có hoàn cảnh khó khăn. 54% người dân Việt Nam đang sử dụng Internet là con số lớn, tuy nhiên ở Việt Nam sự phân bổ về địa lý chưa đều. Trong  5 - 10 năm tới, cơ quan nhà nước cũng như các doanh nghiệp sẽ phải nỗ lực để tăng được nhanh nhất và nhiều nhất có thể tỷ lệ người dân được tiếp cận với Internet.

Số dân Việt Nam được tiếp cận với Internet sẽ tăng nhanh trong những năm tới

Tổng thư ký VIA Vũ Thế Bình cho rằng, trong khoảng 5 - 10 năm tới, Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm để thực sự đưa Internet đóng góp tích cực và cụ thể hơn nữa cho sự phát triển kinh tế và cuộc sống của người dân (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

Bên cạnh đó, mặc dù hạ tầng Internet Việt Nam rất phát triển nhưng đến nay phần nội dung, dịch vụ giá trị gia tăng ứng dụng trên mạng Internet nước ta hầu hết là nằm trong tay các công ty, các hãng nước ngoài. Đây là thách thức nhưng đồng thời cũng là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam tập trung thúc đẩy phát triển các ứng dụng phục vụ người dân Việt Nam; dần dần đưa nền công nghiệp nội dung số, các dịch vụ giá trị gia tăng trên mạng tăng trưởng cả về thị phần cũng như độ quan trọng với người dùng Internet Việt Nam.

Một điểm cũng cần đặc biệt lưu ý trong quá trình phát triển Internet tại Việt Nam, đó là vấn để đảm bảo an toàn thông itn, bảo mật thông tin cá nhân. Theo các báo cáo thống kê, hiện nay phong cách sử dụng máy tính cũng như các dịch vụ Internet của đa số người dân Việt Nam vẫn khá thoải mái, dễ dãi; do đó dễ tạo ra các nguy cơ, rủi ro về mất an toàn thông tin, lộ lọt thông tin cá nhân, dễ bị lừa đảo và đồng thời có nhiều nguy cơ bị lợi dụng các máy tính, điện thoại của mình để làm “bàn đạp” tấn công các khu vực khác trên Internet.

Tôi cho rằng đây cũng là một vấn đề rất lớn, không thể giải quyết trong một sớm một chiều; mà cần có sự nỗ lực của không chỉ cơ quan nhà nước, mà cả các doanh nghiệp cũng như các lĩnh vực về giáo dục, huấn luyện, nâng cao ý thức sử dụng các thiết bị công nghệ cũng như dịch vụ Internet của người dân.

Cùng với đó, để giúp cho Internet Việt Nam phát triển và thực sự đóng góp nhiều vào phát triển kinh tế một cách bền vững, chúng tôi nghĩ rằng, chính quyền cũng như các doanh nghiệp cần coi Internet là một nền tảng để trên đó phát triển các hệ thống, các nền tảng CNTT nhằm giúp cho hàng trăm, thậm chí là hàng triệu doanh nghiệp dựa vào đó để khởi sự kinh doanh, thử nghiệm cung cấp dịch vụ cho hàng chục triệu người dùng Internet Việt Nam cũng như tiến dần ra các khu vực xung quanh; qua đó giúp cho nền kinh tế Việt Nam có những bước phát triển bền vững hơn, hội nhập với khu vực một cách hiệu quả và an toàn hơn.

Xin cảm ơn ông!

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận