Tại sao hầu hết các trợ lý ảo lại có giọng nói phụ nữ?

Tại sao hầu hết các trợ lý ảo lại có giọng nói phụ nữ?

Tại sao hầu hết các trợ lý ảo lại có giọng nói phụ nữ

Hội thảo của MIT có sự tham dự của đại diện Microsoft, Samsung, Đại học Carnegie Mellon và công ty X.AI. Câu hỏi nói trên của người tham dự có lẽ nhắm vào công ty X.AI, bởi vì công ty này trước đó đã giới thiệu một ứng dụng trợ lý ảo có tên là Amy.

Theo Huffington Post, hiện Amy vẫn đang ở trong phiên bản beta (đang được thử nghiệm), nhưng "cô ấy" đủ thông minh để sắp xếp những cuộc liên lạc giữa hai người thông qua email. Bạn "CC" địa chỉ email của "cô ấy" khi gửi email liên lạc cho đối tác. "Cô ấy" sẽ kiểm tra lịch làm việc của bạn sau đó phối hợp với đối tác của bạn để sắp xếp một thời gian làm việc chung thuận tiện.

Dennis Mortensen, Giám đốc điều hành của X.AI phủ nhận trợ lý ảo của ông có liên quan đến vấn đề về giới tính. "Không phải vì tôi có hai cô con gái nhỏ mà tôi thích tạo ra trợ lý ảo là phụ nữ". Mortensen cho biết. "Đã có nhiều nghiên cứu về xu hướng lựa chọn đối tác giao tiếp. Kết quả cho thấy nếu giọng nói là phụ nữ thì khả năng thành công sẽ cao hơn". Dẫu vậy, công ty của Mortensan cũng đang phát triển một mẫu trợ lý ảo "nam giới" đặt tên là Andrew để người dùng có thêm một sự lựa chọn theo ý thích.

Trợ lý ảo đều là nữ?

Apple lần đầu tiên cho ra mắt trợ lý ảo Siri là thời điểm giới thiệu iPhone 4s với hệ điều hành iOS 5. Đối với nhiều người, Siri không chỉ là một trợ lý ảo giúp họ xếp lịch hẹn, tìm cửa hàng pizza gần nhất, dự báo trời sắp mưa, mà Siri còn là một "phụ nữ" đích thực. Sau khi Siri ra mắt không lâu, trên một số blog và diễn đàn trực tuyến một số người đã gợi ý đặt những câu hỏi mang tính chất giới tính với Siri như: "Hôm nay cô mặc gì?". Và câu trả lời của Siri là: "Tại sao mọi người lại toàn hỏi tôi câu này nhỉ?".

Sự ồn ào về giới tính của Siri cũng làm dấy lên một câu hỏi: tại sao từ các hệ thống trả lời thư tự động, các thiết bị GPS cho đến Siri và một số ứng dụng máy tính khác đều mang giọng nói phụ nữ?

Câu trả lời có lẽ nằm ở lĩnh vực sinh vật học. Một số nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng con người nói chung nghe giọng phụ nữ dễ chịu hơn nam giới. Giáo sư Clifford Nass, thuộc trường Đại học Stanford nhận định: "Thật dễ dàng tìm thấy một giọng nói phụ nữ được mọi người yêu thích hơn là giọng một nam giới. Não bộ con người được phát triển để yêu thích giọng nói nhẹ nhàng của nữ giới ". Giáo sư Nass giải thích rằng, quá trình này đã bắt đầu từ khi đứa trẻ còn ở trong bụng mẹ. Bào thai có thể nhận biết được giọng nói của người mẹ. Nó sẽ không có phản ứng đối với âm thanh từ những người phụ nữ khác ngoài mẹ.

Một câu trả lời khác có lẽ đến từ lịch sử. Theo một số tài liệu mà CNN thu thập được, việc sử dụng giọng nói phụ nữ trong các thiết bị dẫn đường đã có từ thời Thế chiến thứ 2. Giọng nói phụ nữ vang lên trong buồng lái phi công để họ dễ dàng phân biệt giữa các giọng phi công nam giới. Ở lĩnh vực khác, theo truyền thống những người trả lời điện thoại thường là phụ nữ, khiến cho mọi người có thói quen nghe các chỉ dẫn với giọng nói phụ nữ.

Trong lĩnh vực chế tạo xe hơi, khi các hãng áp dụng công nghệ lời nhắc tự động, chẳng hạn như "cửa xe của bạn chưa đóng hẳn", họ đã nghiên cứu và nhận thấy mọi người thích nghe giọng nữ hơn là giọng nam. Điều này giải thích vì sao phần lớn các hệ thống dẫn đường GPS trên thị trường hiện nay đều có giọng nữ. Chỉ có một ngoại lệ đến từ Đức, khi hãng xe hơi BMW vào cuối thập kỷ 90 đã buộc phải thu hồi hệ thống dẫn đường có giọng nữ trên dòng xe series 5, bởi vì họ nhận được rất nhiều cuộc gọi từ lái xe nam giới người Đức nói rằng không thích nghe phụ nữ dẫn đường!.

Tại sao hầu hết các trợ lý ảo lại có giọng nói phụ nữ

Cách đây vài năm, một phân tích cho rằng chính giọng nói nam giới gây sởn gai ốc của siêu máy tính giết người HAL 9000 trong phim "2001 A Space Odyssey" sản xuất năm 1968 bởi đạo diễn Stanley Kubrick đã khiến nhiều người mất cảm tình với giọng nói phái mạnh. Bajarin, một nhà phân tích công nghệ của Silicon Valley tin rằng các giọng nói của máy tính lẽ ra là giọng nam giới nếu như không có sự xuất hiện đầy kinh dị của HAL 9000.   

Còn một nghiên cứu gần đây của BRQ Business về quảng cáo trên sóng radio thì kết luận: "Hiệu quả của giọng phụ nữ tốt hơn nhiều so với giọng nam giới, khi mà quảng cáo nhắm đến việc tạo ra một sợi dây cảm xúc giữa thương hiệu với người xem, cũng như đáp ứng được yêu cầu của nhà quảng cáo là để thay đổi hoặc kích hoạt một thói quen tiêu dùng".

Giọng nam hay nữ tùy theo nhu cầu xã hội

Theo bà Rebecca Zorach, Giám đốc dự án truyền thông xã hội của Đại học Chicago, thì những giọng nói thể hiện uy quyền, mệnh lệnh thì sẽ là giọng nam giới, còn giọng nữ nghiêng về sự phục vụ. Tất nhiên có những lời than phiền rằng sử dụng giọng nữ gây thành kiến về giới tính, nhưng bản thân công nghệ trợ lý ảo chính là truyền thông và các mối quan hệ - những lĩnh vực mà phụ nữ làm tốt hơn nam giới. "Tôi không khẳng định rằng sự lựa chọn của các công ty khi đưa ra ứng dụng trợ lý ảo là mang thành kiến giới tính của công ty ấy. Sự lựa chọn của họ hoàn toàn căn cứ vào các nghiên cứu thị trường. Nó phản ánh rằng sự thành kiến về giới tính đã tồn tại sẵn trong xã hội".

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận