Tại sao một số quốc gia vẫn cấm người đồng tính nam hiến máu?

Tại sao một số quốc gia vẫn cấm người đồng tính nam hiến máu?

Bất chấp tình trạng thiếu máu diễn ra ở khắp mọi nơi, một số nhóm người dù có muốn cũng không được hiến máu vì những quy định "oái oăm" của nhiều quốc gia.

Tại sao một số quốc gia vẫn cấm người đồng tính nam hiến máu?

Có đến 90% người đủ điều kiện hiến máu không hiến tặng, và vì máu có thời hạn sử dụng ngắn nên các bệnh viện và bệnh nhân vẫn phụ thuộc rất nhiều vào các hoạt động hiến tặng thường xuyên. Thế nhưng, một số nhóm người thì lại "có muốn cũng không được hiến máu". Tất nhiên, các bệnh viện không muốn kho máu có thể chứa các bệnh nguy hiểm, như HIV hoặc virus viêm gan, nên những người tiêm chích ma tuý, bán dâm bị loại khỏi danh sách là điều dễ hiểu. Nhưng có một số hạn chế trong hoạt động hiến máu lại gây nhiều tranh cãi. Chẳng hạn, nam giới có quan hệ tình dục đồng giới bị cấm không được hiến máu ở các nước như Áo, Đan Mạch và Hy Lạp. Ở những nơi khác, nam giới phải tránh quan hệ tình dục đồng tính từ 3 tháng đến 5 năm trước khi hiến máu. Tại sao những người đồng tính nam hoặc những người có xu hướng tình dục với cả nam và nữ lại bị cấm như vậy?

Theo The Economist, các chính sách này bắt nguồn từ dịch AIDS vào những năm 1980. Vào thời điểm đó, các xét nghiệm kiểm tra máu không đáng tin cậy. Nguồn máu nhiễm virus gây ra hơn 20.000 trường hợp nhiễm HIV chỉ tính riêng tại Mỹ. Để phòng ngừa, các chính phủ trên toàn thế giới đã cấm những người có nguy cơ bị AIDS cao hiến máu, bao gồm cả đàn ông có quan hệ tình dục đồng giới; không ngoại lệ cả với những người đàn ông hiện đang có quan hệ một vợ một chồng, vẫn tiến hành các biên pháp bảo vệ hoặc không có quan hệ tình dục đồng giới trong nhiều năm. Tuy nhiên, thứ ban đầu chỉ là một biện pháp khẩn cấp đã trở thành một tiêu chuẩn ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người.

Tại sao một số quốc gia vẫn cấm người đồng tính nam hiến máu?

Mặc dù đúng là những người đồng tính nam có nguy cơ cao hơn so với dân số chung trong việc dính phải các loại vi khuẩn hoặc nhiễm trùng do máu, song hiện không có lý do khoa học nào để giải thích việc cấm họ hiến máu. Nhiều tổ chức LGBT lập luận rằng các biện pháp như vậy là phân biệt đối xử và kỳ thị. Nguy cơ nhiễm trùng máu là rất thấp vì các công nghệ mới cho phép kiểm tra nghiêm ngặt việc hiến máu trước khi truyền máu. Các phương pháp xét nghiệm máu mới nhất cũng có thể phát hiện HIV trong vòng một tháng sau nhiễm trùng. Hơn nữa, những người tham gia quan hệ tình dục khác giới dù cũng có yếu tố rủi ro cũng không bị giám sát một cách nghiêm ngặt giống như những người quan hệ đồng giới. Việc cấm nam giới quan hệ tình dục đồng giới hiến máu giống như cho rằng tất cả những người đồng tính và lưỡng tính đều có nguy cơ cao như những người sử dụng ma túy. Trên thực tế thì các lệnh cấm như vậy cũng tỏ ra không hiệu quả. Ở Anh, gần 11% nam giới có quan hệ tình dục đồng giới cho biết họ vẫn hiến máu ngay cả khi bị các quy tắc ngăn cản. 

Nhiều quốc gia đang bỏ lệnh cấm này. Tại Mỹ, lệnh cấm đã bị gỡ bỏ vào năm 2015. Giờ đây, Mỹ yêu cầu đàn ông cần tránh quan hệ tình dục đồng tính trong một năm trước khi hiến máu. Nước Anh cũng đã bỏ lệnh cấm này vào năm 2011, và năm ngoái quốc gia này đã giảm bớt thời gian tối thiểu từ 12 tháng xuống còn 3 tháng. Các chuyên gia thuộc Bộ Y tế Anh phát hiện ra đây là khoảng thời gian đủ lâu để có thể phát hiện ra tất cả các loại virus trong bài kiểm tra. Vào tháng 5 tới, Đài Loan sẽ cho phép những người đồng tính hiến máu nếu họ không quan hệ tình dục đồng giới trong 5 năm. Đây là cách tiếp cận được nhiều nhóm LGBT ưa chuộng, những người luôn vận động để việc đánh giá rủi ro tập trung vào cá nhân chứ không phải nhóm. Một nghiên cứu của UCLA từ năm 2014 ước tính việc dỡ bỏ quy định về hiến máu với những người đồng tính nam ở Mỹ sẽ làm tăng lượng máu hiến của nước này lên 2-4%. Vì các hồng cầu, huyết tương và tiểu cầu của mỗi lần hiến tặng đều có thể được sử dụng riêng, điều này đồng nghĩa với việc hàng triệu người có thể sẽ được cứu sống.

Hoàng Lan

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận