“Tập trung tìm giải pháp tạo lập thị trường dịch vụ trên nền IPv6”

“Tập trung tìm giải pháp tạo lập thị trường dịch vụ trên nền IPv6”

“Tập trung tìm giải pháp tạo lập thị trường dịch vụ trên nền IPv6”

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm, Trưởng Ban công tác thúc đẩy phát triển IPv6 chủ trì Hội nghị tổng kết giai đoạn II Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6 và triển khai Kế hoạch công tác năm 2016 của Ban công tác.

Kết luận hội nghị tổng kết giai đoạn II Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6 và triển khai kế hoạch công tác năm 2016 của Ban công tác thúc đẩy phát triển Ipv6 quốc gia diễn ra vào chiều ngày 26/4, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm, Trưởng ban công tác đồng tình với đánh giá khái quát của VNNIC - đơn vị thường trực Ban công tác, đó là: về cơ bản Việt Nam đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra cho giai đoạn II, đã chính thức hiện diện trên bản đồ IPv6 của thế giới, đồng thời đã sẵn sàng về mặt hạ tầng cho việc chuyển đổi sang IPv6.

Theo đại diện VNNIC, mạng IPv6 quốc gia được duy trì ổn định với 9 ISP kết nối với hệ thống VNIX trong nước và hàng chục hướng kết nối đi quốc tế; lưu lượng IPv6 trao đổi qua VNIX đã tăng  dần qua các năm; hàng loạt doanh nghiệp chủ chốt như VNPT, Viettel, FPT Telecom đã triển khai các hoạt động thử nghiệm cung  cấp dịch vụ tới khách hàng trên nền IPv6. Đặc biệt, nếu như các năm trước trên hệ thống thống kê của CISCO, APNIC và Google, tỷ lệ người dùng IPv6 của Việt Nam là 0% thì đến thời điểm hiện tại, các hệ thống này đều ghi nhận tỷ lệ người sử dụng IPv6 của Việt Nam đạt gần 0,03%

Tuy nhiên, báo cáo của Thường trực Ban công tác cho thấy, lưu lượng và sự hiện diện thực tế của IPv6, người sử dụng IPv6 Việt Nam dù đã có nhưng số lượng và mức độ còn rất thấp khi so sánh với con số trung bình của thế giới . Như vậy, tỷ lệ người dùng IPv6 trên thế giới gấp tới hơn 300 lần so với tỷ lệ người dùng IPv6 Việt Nam. Mức độ triển khai IPv6 của các doanh nghiệp chưa đồng đều, kết quả chủ yếu vẫn từ các nhà mạng và ISP; các đối tượng mới được bổ sung vào từ giai đoạn II Kế hoạch quốc gia về IPv6 gồm các doanh nghiệp cung cấp nội dung, các báo điện tử, các nhà đăng ký tên miền đều chưa có kết quả đáng ghi nhận.

Thứ trưởng Phan Tâm phân tích rằng một nguyên nhân là các biện pháp thúc đẩy phát triển IPv6 vẫn chủ yếu mang tính khuyến khích, dựa vào sự tự nguyện, tự giác của các doanh nghiệp là chính. Vì thế kết quả đạt được chưa như mong muốn. Trong khi đó, các chính sách hỗ trợ chưa nhiều  và chưa thật trúng, chưa phát huy hết tác dụng. “Chúng ta chưa có biện pháp thúc đẩy sự hợp tác chặt chẽ giữa các đối tác khác nhau, đặc biệt là giữa các doanh nghiệp viễn thông, Internet và doanh nghiệp nội dung để tạo thành hệ sinh thái bền vững. Cứ doanh nghiệp nọ chờ đợi doanh nghiệp kia. Tóm lại là chưa tạo được sự cộng sinh trong việc thúc đẩy phát triển IPv6, do đó chưa tạo thành nguồn lực tổng hợp để đột phá”, Thứ trưởng nhận định.

Bàn về xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ tạo lập thị trường ứng dụng IPv6, Thứ trưởng Phan Tâm cho rằng , với phần thúc đẩy phát triển hạ tầng cũng như cung cấp dịch vụ trên nền IPv6, đối tượng triển khai chủ yếu là các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp vì lợi nhuận, có lợi thì họ làm, không có lợi thì họ chọn cách ngồi chờ cơ hội tới, thấy có lợi mới làm. “Vì thế, trọng tâm trong giai đoạn tới, chúng ta phải tập trung tìm kiếm các giải pháp mang tính thị trường để tạo lập ra thị trường dịch vụ trên nền IPv6”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Thứ trưởng chỉ đạo VNNIC cần có nghiên cứu chuyên đề về vấn đề này, rà soát lại tổng thể trong các chương trình công tác của các đơn vị thuộc Bộ, xem văn bản nào của các đơn vị đang dự kiến xây dựng và có liên quan đến việc thúc đẩy phát triển, tạo lập thị trường IPv6 để báo cáo lãnh đạo Bộ TT&TT. Trên cơ sở đó, lãnh đạo Bộ sẽ bàn bạc, chỉ đạo các đơn vị chủ trì xây dựng văn bản cố gắng tích hợp những nội dung có thể hỗ trợ tạo lập thị trường dịch vụ trên nền IPv6.

Ban công tác và bản thân các doanh nghiệp cần tìm hướng tận dụng các chương trình dự án lớn, đặc biệt là các dự án liên quan đến Chính phủ điện tử để kích thích sự phát triển của IPv6. Thứ trưởng đề nghị: “Ban công tác cần rà soát xem nội dung nào trong các chương trình, dự án có thể đưa yêu cầu triển khai trên nền tảng IPv6 vào như là một yếu tố bắt buộc. Qua đó sẽ gián tiếp tạo lập ra thị trường dịch vụ IPv6 cho các doanh nghiệp tham gia. Về bản chất, những dự án này sẽ tạo ra "thị trường mồi" để các doanh nghiệp an tâm đầu tư và phát triển, từ đó chúng ta sẽ có cơ hội mở rộng thị trường ra toàn xã hội”.

Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6 được Bộ trưởng Bộ TT&TT ký ban hành vào cuối tháng 3/2011. Theo Kế hoạch này, lộ trình chuyển đổi IPv4/ IPv6 của Việt Nam được triển khai theo 3 giai đoạn: giai đoạn chuẩn bị (2011 - 2012), giai đoạn khởi động (2013 - 2015) và giai đoạn chuyển đổi (2016 - 2019). Mục tiêu lớn nhất của giai đoạn III là hoàn thiện mạng lưới, dịch vụ với IPv6 và Internet Việt Nam hoạt động ổn định, bền vững trên nền công nghệ IPv6.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận