Tắt sóng truyền hình analog giai đoạn II từ ngày 30/12/2016

Tắt sóng truyền hình analog giai đoạn II từ ngày 30/12/2016

Lộ trình tắt sóng truyền hình analog giai đoạn II được thực hiện theo phương thức: khu vực nào đủ điều kiện về vùng phủ sóng và hỗ trợ đầu thu cho người nghèo sẽ tắt sóng trước, một số khu vực chưa đủ cả hai điều kiện trên sẽ tắt sóng vào giai đoạn sau.

Tắt sóng truyền hình analog giai đoạn II từ ngày 30/12/2016

Bộ TT&TT đã chính thức quyết định về thời điểm tắt sóng truyền hình analog giai đoạn II.

Văn phòng Bộ TT&TT đã chính thức Thông báo kết luận của Trưởng Ban chỉ đạo Đề án Số hóa truyền hình Việt Nam tại phiên họp lần thứ 12 vào ngày 19/10/2016.

Theo Thông báo này, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn, Trưởng Ban Chỉ đạo đã có ý kiến kết luận về thời điểm ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất giai đoạn II, cụ thể như sau:

Các tỉnh đã được phủ sóng truyền hình số mặt đất, đã hỗ trợ đầu thu truyền hình số mặt đất cho các hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn cũ bao gồm Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Bình Dương, Vĩnh Long, Hậu Giang (8 tỉnh) sẽ ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất từ 0 giờ ngày 30/12/2016.

Các tỉnh thuộc nhóm II đã được phủ sóng truyền hình số mặt đất, đã hỗ trợ STB cho một phần địa bàn theo chuẩn cũ hoặc đã được phủ sóng một phần địa bàn gồm Tiền Giang, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Ninh Bình, Bắc Giang, Phú Thọ, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa Vũng Tàu, Thái Bình, Nam Định, Bình Thuận, Bến Tre, Đồng Tháp, An Giang sẽ ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất (các trạm phát sóng chính) trước ngày 1/7/2017.

Các Đài PT-TH tỉnh có trách nhiệm lựa chọn doanh nghiệp truyền dẫn, phát sóng và đưa các kênh chương trình truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu của địa phương phát sóng không khóa mã trên hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất trước thời điểm ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất.

Các tỉnh Ninh Thuận, Khánh Hòa và các địa bàn được phủ sóng bởi các trạm phát lại truyền hình tương tự mặt đất tại Quảng Ninh, Thái Nguyên, Ninh Bình, Bắc Giang, Phú Thọ, Đồng Nai, Bình Thuận, Bà Rịa Vũng Tàu sẽ ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất sau Giai đoạn II. Thời điểm cụ thể sẽ được Ban Chỉ đạo xem xét, quyết định trong thời gian tới.

Bộ trưởng Bộ TT&TT cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị truyền dẫn phát sóng phải đảm bảo vùng phủ sóng truyền hình số mặt đất DVB-T2, theo đó: VTV có trách nhiệm phủ sóng truyền hình số mặt đất DVB-T2 tại Ninh Bình, Bình Thuận, Bà Rịa Vũng Tàu.

Công ty cổ phần truyền dẫn, phát sóng truyền hình đồng bằng Sông Hồng (RTB) tiếp tục hoàn thiện hạ tầng mạng truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất, đảm bảo vùng phủ sóng và chất lượng phủ sóng địa bàn thuộc các tỉnh các tỉnh Quảng Ninh, Thái Nguyên, Ninh Bình, Bắc Giang, Phú Thọ, Thái Bình, Nam Định trước ngày 1/7/2017.

Công ty TNHH Truyền hình kỹ thuật số Miền Nam (SDTV) tiếp tục hoàn thiện hạ tầng mạng truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất, đảm bảo vùng phủ sóng và chất lượng phủ sóng địa bàn các tỉnh gồm Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Thuận, Long An, Bến Tre, Đồng Tháp, An Giang, Tiền Giang trước ngày 1/7/2017.

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn giao cho Vụ Quản lý Doanh nghiệp chủ trì, phối hợp với các doanh nghiệp để nghiên cứu, đề xuất phương án tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất khu vực khi triển khai phủ sóng truyền hình số mặt đất tại các địa bàn vùng lõm.

Tại phiên họp thứ 12 của Ban chỉ đạo, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn chỉ đạo, đối với 15 tỉnh sẽ tắt sóng truyền hình analog vào 1/7/2017, các doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng cũng như công tác hỗ trợ đầu thu cho người nghèo phải triển khai tích cực. Trong thời gian này, tỉnh nào đã chuẩn bị sẵn sàng và đủ điều kiện sẽ tắt sóng analog sớm, không cần kéo dài đến 1/7/2017. 

Bộ trưởng cũng đề nghị đài PT-TH các tỉnh sớm lựa chọn doanh nghiệp và đưa kênh truyền hình phục vụ nhiệm vụ tuyên truyền thiết yếu của địa phương phát sóng không khóa mã lên hạ tầng truyền dẫn phát sóng số mặt đất trước thời điểm tắt sóng truyền hình analog.

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhấn mạnh: "Việc triển khai thực hiện phải theo đúng tiến độ, làm đúng tiến độ của Thủ tướng đưa ra. Tuy nhiên, không lấy tiến độ làm tiêu chí đánh giá, không vì tiến độ để tắt sóng sớm, không vì tiến độ mà để người dân bị ảnh hưởng. Chỗ nào, khu vực nào chưa chuẩn bị kỹ có thể giãn tiến độ, không thực hiện bằng mọi giá và phải đặc biệt quan tâm đến việc triển khai phủ sóng truyền hình số ở vùng lõm sóng, vùng sâu vùng xa".

Theo ICT News

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận