Tiến sỹ Lê Thống Nhất: "Trả phí cho bài học mới làm động lực sáng tạo cho người người “đứng lớp” online"

Tiến sỹ Lê Thống Nhất: "Trả phí cho bài học mới làm động lực sáng tạo cho người người “đứng lớp” online"

Tiến sỹ Lê Thống Nhất: Trả phí cho bài học mới làm động lực sáng tạo cho người người “đứng lớp” online

Các diễn giả trao đổi tại sự kiện.

Nhiều tiềm năng nhưng khó thu phí

Trao đổi tại sự kiện “Tăng thu nhập với nghề đào tạo trực tuyến” do Học viện Đào tạo trực tuyến Unica tổ chức ngày 26/7, ông Nguyễn Trọng Thơ, nhà sáng lập Unica cho rằng chưa khi nào cơ hội cho nghề đào tạo trực tuyến lại lớn như hiện nay. Các lớp học online liên tục được mở ra, nhiều giảng viên sử dụng video để phục vụ hàng triệu người, kiếm được nhiều hơn so với việc chạy “sô” tại các lớp học thực tế tốn nhiều công sức.

Thậm chí theo ông Thơ, có những người đóng gói khóa học về tin học văn phòng (Word, Excell…) cũng có thể thu về hàng tỷ đồng mỗi năm.

Trên thế giới, hiện có khoảng 8% doanh nghiệp dùng giải pháp học tập trực tuyến, 7% thử nghiệm và dự báo 2 năm tới có 28% doanh nghiệp sử dụng elearning vào đào tạo. Dự báo thị trường đào tạo trực tuyến sẽ tăng trưởng 17% trong năm 2017. Tại Mỹ, 77% công ty đưa ra các chương trình đào tạo online để cải thiện kỹ năng của nhân viên. Riêng công ty như Google có 80.000 nhân viên tham gia học trực tuyến trên Udacity.

Còn tại Việt Nam, một số doanh nghiệp cũng đã bắt đầu quan tâm đến đào tạo trực tuyến do chi phí hợp lý hơn. Có những khóa đào tạo trực tuyến chỉ khoảng 20 triệu đồng/năm cho hàng nghìn nhân viên, giúp tiết kiệm được rất nhiều cho doanh nghiệp nếu so với đào tạo cho từng nhân viên thông qua các lớp học truyền thống.

Đồng quan điểm, ông Lê Đăng Khương, sáng lập Dodaihoc.com cho rằng tiềm năng của đào tạo trực tuyến tại Việt Nam rất lớn. Bởi ngoài các đô thị thì những địa phương vùng xa chất lượng đào tạo còn hạn chế và đào tạo trực tuyến sẽ góp phần giải được bài toán này.

Tuy nhiên theo ông Lê Thống Nhất, người sáng lập BigSchool.vn, thực tế hiện nay việc học trực tuyến của học sinh trong nước còn rất hạn chế do phần nhiều phụ huynh vẫn có tâm lý phải có lớp thật, thầy thật “bằng xương bằng thịt” dạy con mình, còn “thầy ảo” trên mạng chưa đủ độ tin cậy. Cùng đó còn là xu hướng chỉ muốn dùng miễn phí, không trả tiền khiến cho đào tạo trực tuyến khó phát triển.

Ông Phạm Ngọc Anh, sáng lập vf.edu.vn (Viet Future) cho hay nếu như tại nước ngoài, văn hóa sẵn sàng trả tiền cho đào tạo trực tuyến đã phổ biến thì tại Việt Nam còn rất khó khăn. Đây là thách thức lớn đối với cộng đồng e-learning trong nước.

Trao đổi thêm, ông Lê Thống Nhất cho rằng để vượt qua thách thức đó, những người làm đào tạo trực tuyến phải dần tạo ra được thói quen học online và trả phí cho bài học, như vậy mới khuyến khích được sự sáng tạo, là động lực để những người “đứng lớp” online có thể đóng góp, phát triển hơn.

Nói về cách đi của BigSchool, ông Lê Thống Nhất cho hay khi mới ra mắt BigSchool đã cung cấp dịch vụ miễn phí 8 tháng và sau đó thu phí một phần. Ví dụ, với phần thi khảo thí, BigSchool chỉ thu 1000 đồng đối với mỗi học sinh để tạo cho cộng đồng có thói quen trả tiền cho dịch vụ.

Bên cạnh đó, những người làm đào tạo trực tuyến cũng nên cung cấp dịch vụ theo hình thức “bán buôn” và “bán lẻ”. Tức là thay vì chỉ cung cấp các gói chương trình dài (như video dài tới 2 giờ đồng hồ, cung cấp rất nhiều kiến thức) thì có thể đưa ra những khóa học đơn lẻ đáp ứng theo nhu cầu của học sinh muốn bổ sung những kiến thức còn hổng, để tránh tình trạng học sinh phải chi nhiều tiền lãng phí.

Xem xét cung cấp dịch vụ ra nước ngoài

Trao đổi tại tọa đàm, ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet cho rằng những người làm nghề đào tạo trực tuyến nên mạnh dạn cung cấp dịch vụ ra ngoài Việt Nam. Ngay cả việc dạy tiếng Anh, cơ hội tại nước ngoài vẫn rất tiềm năng.

“Hãy tự tin với thị trường như châu Âu – Mỹ. Trong xu hướng hiện nay, với sự biến động nhanh của công nghệ và nhu cầu thì hoàn toàn có cơ hội kinh doanh e-learning ra ngoài thị trường Việt Nam”, ông Vũ Hoàng Liên nói.

Ông Liên cũng lưu ý, trong sự phát triển đó cần chú ý tới công nghệ mới trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như Cloud, BigData… khi mọi thứ sẽ thông minh hơn, sự phát triển mạnh mẽ của môi trường ảo, khả năng liên kết và tương tác với nhiều đối tượng sẽ rộng lớn hơn, mở ra cơ hội lớn trong đào tạo, giáo dục.

Với vai trò của mình, Hiệp hội Internet cùng các thành viên của Hiệp hội sẵn sàng có biện pháp hỗ trợ đẩy mạnh lĩnh vực đào tạo trực tuyến trong thời gian tới. Hiệp hội cũng khuyến khích các ý tưởng, đề xuất, để gỡ các bất cập, vướng mắc (nhất là khi ra ngoài Việt Nam, vướng mắc về ngôn ngữ, pháp lý…).

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Trọng Thơ cũng cho rằng cơ hội cho e-learning tại nước ngoài rất tiềm năng. Lấy ví dụ với phần mềm học tiếng Anh Monkey Junior hiện được nhiều người dùng tại các nước sử dụng, thậm chí người Mỹ còn dùng nhiều hơn người Việt.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận