Tin fake "dắt mũi" hàng loạt Facebooker tại Việt Nam: Ném trứng gà vào... xe hơi

Tin fake "dắt mũi" hàng loạt Facebooker tại Việt Nam: Ném trứng gà vào... xe hơi

Tin fake dắt mũi hàng loạt Facebooker tại Việt Nam: Ném trứng gà vào... xe hơi

Thông tin giả mạo thông điệp từ cảnh sát của một fanpage taxi gia đình ở Hải Phòng (Ảnh chụp màn hình)

Không nằm ngoài xu hướng tạo tin giả để câu view, gần đây thêm một thông tin lừa đảo gán mác "tử tế" đã được đăng tải trên một trang fanpage taxi gia đình ở Hải Phòng, thậm chí trang Facebook của công ty taxi này còn dám dùng cả mác "Thông điệp chính thức từ cảnh sát" để tăng độ tin cậy và dẫn dắt cư dân mạng.

Nếu không để ý kỹ, bạn sẽ rất dễ bị kích động và chia sẻ thông tin của chúng, bởi thoạt nhiên đọc các thông tin trong bài rất có lý: "Nếu bạn đang lái xe trong đêm và một quả trứng được ném vào kính chắn gió, đừng dừng lại để kiểm tra, đừng bật cần gạt và đừng xịt nước, bởi vì trứng đánh lên với nước sẽ trở nên trắng đục và che mất đến 92.5% tầm nhìn của bạn, và buộc bạn phải dừng lại ven đường và trở thành nạn nhân của những tên tội phạm".

Tuy nhiên, nếu để ý kỹ bạn sẽ phải tự hỏi liệu thực trạng này đã phổ biến tới mức cảnh sát phải phát đi thông điệp này hay chưa? Nếu có thì các thông điệp này phải xuất hiện đầu tiên trên các kênh truyền thông, truyền hình và báo chí uy tín chứ không phải xuất phát từ một page... vô danh tiểu tốt như thế. Hơn nữa, thông điệp này chỉ nêu chung chung "trở thành nạn nhân của những tên tội phạm" mà không thể biết khi xuống xe thì chúng sẽ làm gì? Thậm chí với cần lau kính của xe hơi hiện nay vốn có thể lau sạch cả... phân chim thông qua chức năng vừa xịt nước vừa lau chùi tự động thì ném vài quả trứng lên xe chưa "xi nhê" gì.

Tin fake dắt mũi hàng loạt Facebooker tại Việt Nam: Ném trứng gà vào... xe hơi

Hàng chục nghìn người share và bình luận, tag bạn bè vào và comment để cảnh báo, góp phần lan truyền một thông tin không đúng sự thực

Đáng tiếc là không phải ai cũng đủ tỉnh táo để nhận ra điều đó, khiến tin fake này đã "dắt mũi" được vô số cư dân mạng và tính đến thời điểm này (sau 2 ngày đăng tải), bài viết đã được 25 ngàn lượt tương tác, hơn 60 ngàn lượt chia sẻ và 14 ngàn lượt bình luận, với kiểu tag tên bạn bè vào bài thì hiệu ứng "làm điều tốt" này sẽ còn lan rộng sang nhiều người. Trong khi nếu họ đủ tỉnh táo, chỉ cần "Google" vài từ khóa là có thể kiểm chứng thông tin kia đưa ra là giả, tuy nhiên nhiều người thực sự đã bị kích động khiến "tay nhanh hơn não", góp phần lan truyền tin giả này trên mạng.

Ví dụ này lại một lần nữa cho thấy cư dân mạng ở Việt Nam dễ bị lừa gạt và "dắt mũi" như thế nào, gần như gặp điều gì cũng bức xúc và sẵn sàng "chia sẻ" dù chưa hề kiểm chứng hoặc xem kỹ thông tin được người khác đưa ra, góp phần lan truyền các tin giả (fake news) trên mạng xã hội, qua đó gián tiếp giúp các kẻ tung tin fake trục lợi.

Trên môi trường mạng xã hội, các trang (page) và các facebooker bán hàng đã nhận thấy các thông tin có tính "đe dọa" người dùng kiểu "không nên ăn kết hợp A với B", "cảnh giác với trò lừa đảo ABC",... sẽ được nhiều người quan tâm vì trực tiếp đánh vào lợi ích/tính mạng và nỗi sợ của con người, nên họ lợi dụng "nỗi sợ hãi" và "tính hướng thiện" (thông qua chia sẻ bài viết mà người ta nghĩ là có ích cho người khác) của cư dân mạng để "sáng tác" hoặc "thêm mắm, thêm muối" vào các câu chuyện giật gân trên trang Facebook của họ, từ đó thu hút hàng ngàn lượt chia sẻ và bình luận, qua đó tự quảng bá trang bán hàng hay Facebook của mình để thu lợi...

Điều đáng nói là các thông tin kiểu này hầu hết được phóng đại hoặc chăm chăm phân tích theo hướng tiêu cực, khiến người xem cảm giác nguy cơ ấy hiện hữu quanh họ và cần phải chia sẻ ngay. Thậm chí, nếu đọc những thông tin bắt cóc/lừa đảo/cướp xe... như chúng rêu rao trên mạng thì có lẽ không ai dám ra ngoài đường nữa. Nếu để ý kỹ, không phải ngẫu nhiên mà - những người vốn dành thời gian ở nhà ngồi trước màn hình bán hàng hơn là ra ngoài, do vậy các thông tin họ đưa ra đều ở dạng tiêu cực và thiếu thực tế... Mục đích duy nhất của họ phía sau câu chuyện đó là câu view và thu hút lượt share trên Facebook để tiếp cận nhiều khách hàng hơn.

Dù Facebook và các ông lớn khác cũng như các nhà quản lý đã đưa ra hàng loạt công cụ và biện pháp để ngăn chặn tin giả, nhưng vẫn không thể chặn hết. Do vậy, bạn cần chủ động tự trang bị kiến thức và khả năng chọn lọc thông tin cho mình, tránh tiếp tay giúp kẻ xấu lan truyền tin giả.

Để tránh dính vào "hố vôi" tin giả, bạn cần để ý những gì người viết/page chia sẻ trước đó, từ đó xem họ có thường xuyên chia sẻ các thông tin giật gân để câu view hay không và mức độ uy tín của họ ít nhiều thể hiện qua những gì họ chia sẻ trên tài khoản đó. Ngoài ra, bạn cần đọc kỹ thông tin và kiểm tra chéo từ nhiều nguồn uy tín cũng như vận dụng các trải nghiệm thực tế để suy đoán về khả năng xảy ra sự việc/hiện tượng/nguy cơ mà thông tin đưa ra, trước khi chia sẻ với người khác. Bên cạnh đó, đôi khi bản thân người chia sẻ không hề có ý câu view hoặc lừa gạt người khác, nhưng chính họ cũng bị nhầm lẫn trong việc tiếp cận thông tin khiến họ vô tình chia sẻ lên mạng và gián tiếp lan truyền thông tin thất thiệt đó. 

Hiện nay, việc tra cứu thông tin đa chiều trên mạng rất dễ, bạn có thể dùng Google hoặc tìm đến các trang tin uy tín hoặc các chuyên gia để thảo luận trước khi bấm nút "chia sẻ". Nói cách khác, hãy suy nghĩ kỹ trước khi lan truyền nỗi sợ hãi (thiếu cơ sở kiểm chứng) của bạn cho người khác và.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận